Muốn giới trẻ đam mê khoa học phải có môi trường không phán xét, không quy chụp

Quý Hiên
Quý Hiên
18/01/2022 18:08 GMT+7

Làm sao để có một nền nghiên cứu phát triển , làm sao để gieo rắc sự đam mê nghiên cứu trong giới trẻ … qua cái nhìn của các nhà khoa học lớn, thành viên Hội đồng giải thưởng VinFuture.

Sáng 18.1, tại Hà Nội, Quỹ VinFuture đã tổ chức giao lưu với các nhà khoa học nổi tiếng, là những thành viên tham gia các hội đồng của giải thưởng VinFuture.

Trong các phiên trò chuyện, đặc biệt là phiên có chủ đề “Cơ hội tương lai và Kết nối mạng lưới toàn cầu”, các nhà khoa học đã đề cập vấn đề làm sao để có một nền nghiên cứu phát triển, làm sao để gieo rắc sự đam mê nghiên cứu trong giới trẻ.

Muốn có nhà khoa học giỏi, học sinh cần sớm được giáo dục tình yêu khoa học

Khi người dẫn chương trình đặt vấn đề về việc vì sao ít nhà khoa học nữ, GS Vũ Hà Văn, nhà toán học người Việt nổi tiếng đang làm việc ở ĐH Yale, Mỹ, Giám đốc khoa học Viện BigData, thành viên Hội đồng giải thưởng, cho biết bản thân ông cũng thấy ngạc nhiên khi quan sát thấy hiện tượng này.

GS Vũ Hà Văn (giữa) đang chia sẻ tại cuộc trò chuyện chủ đề “Cơ hội tương lai và Kết nối mạng lưới toàn cầu”

Thanh Lâm

Khi còn học phổ thông, ông thường thấy các số lượng bạn nữ học giỏi vượt trội so với các bạn nam. Kể cả trong thời gian học ĐH cũng vậy, dẫn đầu lớp học có nhiều sinh viên nữ. Trong tốp 10 những nghiên cứu sinh giỏi nhất cũng có đến 3-4 người là nữ.

“Nữ giới giỏi rất nhiều nhưng tỉ lệ những người theo tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học lại không cao, nước nào cũng vậy chứ không chỉ riêng Việt Nam. Để có nhiều nhà khoa học nữ hơn, theo tôi có lẽ chúng ta nên bắt đầu gieo rắc tình yêu khoa học cho các em từ khi còn là học sinh phổ thông. Đợi đến ĐH mới khích lệ các bạn theo đuổi khoa học thì có lẽ hơi muộn”, GS Văn bày tỏ.

TS Padmanabhan Anandan, nhà khoa học nổi tiếng toàn cầu về thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo, nhà sáng lập của AI Matters Advisors LLC và là Chủ tịch Hội đồng điều hành của Telangana AI Mission (T-AIM) Graphic, cho rằng để có một nền nghiên cứu khoa học phát triển thì cần phải thúc đẩy giáo dục đào tạo, nhưng để thúc đẩy một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể thì cần có nhiều nỗ lực khác nữa.

Ấn Độ là một đất nước khá nổi tiếng vì là nơi tập trung nhiều nhà khoa học giỏi nghiên cứu lĩnh vực máy tính. Trong thời gian làm việc ở Ấn Độ, ông nhận thấy đất nước này thành công bởi đào tạo tiến sĩ máy tính ở đây thành công bởi họ đào tạo cách thức tư duy tự do, không bị giới hạn.

Khoa học không trừu tượng, mơ hồ

Phát biểu kết luận cuộc giao lưu, GS Richard Friend, cha đẻ của công nghệ OLED, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture, cũng nhấn mạnh vai trò của các nhà khoa học trẻ với tương lai nền khoa học của mỗi quốc gia và của nhân loại.

GS Richard Friend

Thanh Lâm

GS Friend nhấn mạnh sự phát triển của khoa học thời kỳ này có đôi chút khác biệt với các thế kỷ trước, nhưng có một quan điểm muôn đời vẫn đúng, là muốn có một nền khoa học phát triển thì phải tạo ra cơ hội về giáo dục đào tạo khoa học, nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ.

Vẫn theo GS Friend, khoa học ngày nay không còn chỉ trú ẩn trong tháp ngà mà đã ngày càng mở rộng mối quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của chúng ta. Qua giải thưởng VinFuture, công chúng sẽ được chứng kiến những tấm gương trên toàn cầu về những nhà khoa học mà đang làm được điều đó. "Chúng ta sẽ thấy khoa học không phải là một điều gì đó mang tính chất trừu tượng, mơ hồ mà giải quyết các vấn đề sát sườn trong đời sống xã hội loài người", ông nói.

“Làm thế nào để chúng ta có thể xây dựng được một hệ thống mà người trẻ cảm thấy rằng họ không bị phán xét quá là nhanh, không bị quy chụp. Nói cách khác, phải làm sao để chúng ta có thể tạo ra một văn hóa mà tất cả chúng ta đều cảm thấy là chúng ta có thể đi một cái con đường khác lệch hướng so với quỹ đạo ban đầu của chúng ta. Chúng ta cần phải làm gì để đưa ra định nghĩa khái niệm về thành công một cách càng rộng càng tốt, để từ đó thành công của mỗi người đều nằm trong cái khái niệm thành công đó”, GS Friend chia sẻ.

Cũng theo GS Friend, những nơi tạo được nền khoa học đỉnh cao là những nơi mà ở đó sinh viên được thoải mái suy nghĩ và làm theo cách của mình, không bị phán xét, không bị bắt buộc phải làm thế này hay thế khác mới được xem là thành công.

Đặc biệt, ngày nay, các nhà khoa học không còn ở trong “tháp ngà” mà đã vươn ra lập doanh nghiệp, tạo ra các sản phẩm dịch vụ, trực tiếp giải quyết các vấn đề của thế giới.

“Tôi cho rằng cần phải xây dựng một nền văn hóa tôn trọng giáo dục đào tạo chứ không phải chỉ dạy cho sinh viên học vẹt lý thuyết. Cần khuyến khích sinh viên vươn lên, tạo tự do để các em đi theo con đường các em muốn dù có thể “lệch chuẩn”, và đó là thành công theo định nghĩa rộng”, GS Friend nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.