Muốn giáo viên thay đổi thì hiệu trưởng phải thay đổi, bộ trưởng phải thay đổi!

22/12/2018 16:41 GMT+7

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khi nói về quy định Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông vừa được ban hành, trong đó đặt ra yêu cầu cao đối với hiệu trưởng trong đổi mới giáo dục phổ thông.

Quy định Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành chính thức có hiệu lực từ năm học 2018 - 2019 đã tạo nên một hy vọng mới trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.
Mới đây, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo tổ chức triển khai chuẩn hiệu trưởng tại 3 khu vực: miền Bắc, miền Trung và Nam bộ, tập huấn cho 63 sở giáo dục - đào tạo, 8 trường đại học sư phạm/học viện quản lý giáo dục tham gia Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) với các đại biểu là giảng viên, cán bộ sở/phòng giáo dục - đào tạo và các thầy cô là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên cấp tiểu học, THCS, THPT của các trường phổ thông, trường chuyên, bán trú, nội trú trên toàn quốc
Thanh Niên đã ghi nhận ý kiến của chính các hiệu trưởng về việc cần thay đổi ra sao để chuẩn hiệu trưởng đi vào được thực tiễn.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch hội đồng Trường phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội:
Hiệu trưởng phải được đào tạo lại
Hiệu trưởng không thể là anh/chị hiệu trưởng mà phải là Thầy hiệu trưởng theo đúng nghĩa của từ này, hiệu trưởng phải "hơn giáo viên một cái đầu”. Việc đào tạo lại hàng chục vạn giáo viên sẽ rất khó, nhưng Bộ Giáo dục - Đào tạo phải chủ trì đào tạo lại hiệu trưởng các nhà trường. Hiệu trưởng sẽ là người giúp cho giám đốc sở, cho Bộ trưởng làm chuyển biến giáo viên của mình.
Hiệu trưởng phải là thầy hiệu trưởng, chứ không phải là anh/chị hiệu trưởng. Thực sự phải là “thầy” hơn giáo viên một “cái đầu”, làm chuyển biến và chịu trách nhiệm về giáo viên của mình. Bài toán giáo viên như vậy sẽ được tháo gỡ.

Cô Nguyễn Thị Diệp, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội:

Không chỉ là người đứng đầu

Việc áp chuẩn hiệu trưởng nếu làm thực, đánh giá thực sẽ tạo nên một bước tiến trong việc nâng cao chất lượng cán bộ quản lý giáo dụcChuẩn hiệu trưởng mới cũng quy định rất rõ từng phần việc của hiệu trưởng, không chỉ là người đứng đầu, quản lý mà còn có vai trò thuyền trưởng chèo lái con thuyền tri thức mà những “hành khách” là học trò. Bên cạnh đó, còn có trách nhiệm điều hành giáo viên trong trường cùng thực thi nhiệm vụ ấy.

Đó chính là trọng trách lớn của hiệu trưởng trong thời đại mới, trước cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0. Muốn vậy, hiệu trưởng phải “nói được, làm được” và đặc biệt phải sử dụng thành thạo máy tính và vận dụng công nghệ thông tin vào công việc quản lý. Công nghệ thông tin giúp hiệu trưởng sử dụng được các phần mềm trong quản lý, cũng như cập nhật những đổi mới, cập nhật các văn bản để chỉ đạo tốt hơn.
So với chuẩn cũ, quy định mới trong "chuẩn hiệu trưởng" đặt ra những yêu cầu cao hơn và rõ ràng hơn để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới giáo dục. Chuẩn lần này nhấn mạnh và yêu cầu cao với các hiệu trưởng về quản trị trường học, khả năng lập kế hoạch chiến lược, kế hoạch hành động, khả năng quản trị nhân lực trong nhà trường, khả năng quản trị tài chính…
Mục đích của chuẩn hiệu trưởng không phải chỉ ở đánh giá, xếp loại, mà quan trọng là hướng cho họ đạt chuẩn, phấn đấu để tự đạt chuẩn. Tôi cho rằng, điều mang tính căn cơ, lâu dài là đào tạo, bồi dưỡng ra những người hiệu trưởng đạt chuẩn chuyên nghiệp.
Thầy Trần Minh Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Tiến, huyện Mộc Châu, Sơn La:
Hiệu quả không cao nếu chỉ đánh giá dựa vào sổ sách
Việc áp dụng chuẩn hiệu trưởng nếu đánh giá một cách khách quan, đồng bộ giữa các tổ chức ở các địa phương sẽ tạo nên một bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức đánh giá phải căn cứ vào hiệu quả công việc thực tế mà trường đó làm được chứ không nên chỉ căn cứ vào báo cáo theo các tiêu chí thì hiệu quả sẽ không cao. Ví dụ: khi đánh giá tiêu chí “xây dựng văn hóa nhà trường” thì cần đến thăm trường không báo trước, nếu thấy học sinh chăm ngoan, có ý thức tổ chức kỷ luật, tập thể đoàn kết, học sinh thân thiện, trường khang trang sạch sẽ, nề nếp… đó là đạt yêu cầu.
Khi áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới, vai trò "đầu tàu" và tính tự chủ của hiệu trưởng lại càng quan trọng hơn. Hiệu trưởng sẽ gánh trên vai trách nhiệm lớn trong việc đổi mới dạy và học, từ truyền thụ nội dung sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; lấy ọc sinh làm trung tâm cho mọ hoạt động. Trong chuẩn mới, hiệu trưởng sẽ được trao quyền nhiều hơn và chịu trách nhiệm lớn hơn.
Để mỗi nhà giáo trong mỗi nhà trường hoàn thành trọng trách của mình, chính hiệu trưởng phải là người hỗ trợ đắc lực để mỗi nhà giáo thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Cùng với giáo viên, đội ngũ hiệu trưởng là lực lượng quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục.
Thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng:
Chuẩn không phải để thi đua
Tôi  đặc biệt tâm đắc "chất nhân văn" của "chuẩn hiệu trưởng", đó là “không dùng để đánh giá thi đua mà nhìn sâu được bản chất, giá trị của 1 hiệu trưởng, giá trị của người đứng đầu đối với cơ sở giáo dục - giá trị của phẩm chất, nhân cách, năng lực quản lý. Người thầy cần đạt được những giá trị đó đều vì sự phát triển, vì quyền lợi, hạnh phúc của mỗi học sinh”.
Bắt đầu từ năm học này, các hiệu trưởng càng phải tự phấn đấu rèn luyện mình hơn, để xứng đáng là người đứng đầu trong ngôi trường mình công tác, tạo sự công bằng cho những người tài, tạo cơ hội cho lớp trẻ có đủ năng lực được cống hiến, phát huy.
Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ: 
 Chúng ta cần thay đổi
Hệ thống của chúng ta ít khi có đào tạo riêng hiệu trưởng. Phải đào tạo thầy cô hiệu trưởng chứ không phải anh/chị hiệu trưởng, đó phải là người hơn hẳn về phẩm chất, có khả năng quy tụ, có uy tín, hiểu về chuyên môn nghiệp vụ.
Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đã xây dựng những chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hiệu trưởng, kỹ năng quản trị nhà trường. Bồi dưỡng ngay cả cán bộ quản lý giáo dục, cấp phòng, cấp sở để hiểu biết đường lối chủ trương, biết cách triển khai các chương trình, chính sách. Làm được như vậy thì cả hệ thống sẽ tốt.
Nếu hiệu trưởng chưa thay đổi mà các giáo viên thay đổi thì sẽ rất rủi ro. Để giáo viên thay đổi thì hiệu trưởng phải thay đổi, cán bộ quản lý giáo dục phòng, sở phải thay đổi, tôi và những người làm ở Bộ cũng cần phải thay đổi”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.