Mười bốn năm bươn chải ở Sài Gòn, không nhớ bao lần chuyển nhà trọ

24/11/2021 08:15 GMT+7

Ngày mới bước chân vào Sài Gòn tôi đã từng tự ra mục tiêu cho bản thân là phải mua được một căn hộ chung cư vào năm 30 tuổi. Nhưng sau 14 năm bươn chải, tôi không nhớ đã trải qua bao nhiêu lần chuyển nhà trọ.

Và cứ mỗi lần chuyển nhà trọ, tôi lại càng quyết tâm mua được căn nhà tại thành phố.

Sau những tháng ngày liên tiếp chuyển trọ, tôi đã tìm được căn phòng phù hợp với nhu cầu của mình

nvcc

Từ ổ chuột cho đến chung cư cao cấp

Tôi đã từng trải qua rất nhiều nhà trọ, từ ổ chuột cho đến chung cư cao cấp; từ đi xin ở nhờ cho tới ở chung với chủ nhà.

Cuộc đời của người đi thuê trọ khổ nhất là phải ở chung với chủ nhà hoặc thuê những căn nhà trọ bị giới hạn về giờ giấc. Vậy nên mỗi lần đi đâu phải luôn canh về đúng giờ, nếu không chủ nhà sẽ khóa cổng.

Tôi đã từng có những tháng ngày bị nếm mùi bị đứng ngoài đường chờ đến 5 giờ sáng chờ chủ nhà dậy mở cổng. Lúc đó tôi vừa sợ kẻ xấu tấn công vừa sợ những cơn gió lạnh về đêm. Thế nhưng Sài Gòn là thành phố không bao giờ ngủ nên những lúc như vậy tôi hay lân la đến những quán ăn đêm để vừa có chỗ ngồi an toàn và cũng tranh thủ bắt chuyện với những người lao động để hiểu thêm về cuộc sống của họ.

Tôi nói chuyện với những người công nhân quét rác, vợ chồng người bán hủ tíu gõ hay như người phụ nữ mở một quán nhậu vỉa hè, những công nhân tan ca khuya về... Có khi tôi ngồi trước cổng nhà trọ và lặng lẽ quan sát từ xa để lắng nghe những câu chuyện của họ.

Cũng có thời gian tôi xin ở nhờ tại quán phở của người anh họ trên đường Kha Vạn Cân (TP.Thủ Đức). Ban đêm tôi hay thức để trông quán phở. Đó cũng là một trải nghiệm thú vị khi nhìn thấy người đi chở hàng ở chợ đầu mối, hoặc thấy những tài xế xe container tranh thủ ghé ăn một tô phở để có sức chạy đêm tiếp.

Căn phòng khoảng 18 m 2 có 1 chút không gian để tôi tập yoga

nvcc

Cũng có khi tôi xin ở nhờ tại một trung tâm dạy yoga của bạn tôi trên đường Trương Quốc Dung (Q.Phú Nhuận). Ban đêm khi học viên lẫn giáo viên đều ra về hết và phải khóa trái cổng lại, một mình tôi tự xoay sở khi nhà vệ sinh ở tầng trệt còn chỗ tôi ngủ là ở lầu một. Mỗi lần đi vệ sinh hay đi tắm rửa là tôi tự bò xuống cầu thang và bò vào tận nhà vệ sinh. Cứ vậy tôi cũng sống được vài tháng trời cho đến khi tìm được chỗ ở mới tốt hơn.

Với một người đi lại bình thường thì việc nhà vệ sinh hay nhà bếp như thế nào, họ vẫn sử dụng được. Còn với một người khuyết tật thì không hề dễ để sinh hoạt. Vậy mà tôi đã từng có một khoảng thời gian phải sống trong căn phòng trọ cũ nát và người ta xây nhà vệ sinh theo kiểu ngồi xổm ngày xưa. Trong tình huống như vậy, một người như tôi phải luôn nghĩ cách để thích nghi.

Tăng kỹ năng sau mỗi lần chuyển chỗ trọ

Mỗi lần chuyển chỗ trọ mới thì kỹ năng tìm nhà trọ của tôi được tăng dần. Từ việc thương lượng giá cả với chủ nhà, đến việc tìm một không gian phù hợp dành cho một người khuyết tật sống tự lập. Thậm chí, tôi còn phải tìm hiểu xem nơi mình sắp thuê có những tiện ích gì, hàng xóm xung quanh ra sao.

Cứ thế, mỗi lần chuyển trọ tôi có thêm rất nhiều kỹ năng sống để dễ thích nghi với môi trường mới.

Thậm chí sau những lần chuyển trọ thì vốn tư liệu, vốn sống để viết văn của tôi cũng tăng theo vì tôi được tiếp xúc với nhiều thành phần khác nhau trong xã hội và được nghe rất nhiều câu chuyện về cuộc đời của họ. Tất nhiên tôi cũng có thêm rất nhiều bạn bè mới. Những mối quan hệ cứ vậy mà nối tiếp nhau ra đời từ những khu nhà trọ.

Nhưng cảm giác làm tôi khó quên nhất thường rơi vào đêm cuối ở nhà trọ cũ và đêm đầu tiên trong căn phòng trọ mới. Những cảm giác luyến tiếc căn trọ cũ, bỏ đi vài đồ vật thân quen, về con đường cũ...đan xen là sự lo sợ không biết khi qua nhà trọ mới sẽ như thế nào và mình sẽ mất bao lâu để thích nghi với môi trường mới…Những điều đó làm tôi ít nhất hai đêm mất ngủ trước và sau khi chuyển trọ.

Mộng mơ về một căn hộ cho riêng mình

Giờ đây tôi vẫn còn phải đi ở trọ nhưng đã có thể gọi là “tạm an cư” vì hơn 4 năm nay tôi không còn phải thay đổi nhà trọ.

14 năm mưu sinh ở Sài Gòn tôi vẫn ấp ủ ước mơ về một căn hộ cho riêng mình

nvcc

Tìm được căn phòng trọ tạm ưng ý nên tôi hay gọi đùa với bạn bè về căn trọ tôi đang sống là “ngôi nhà màu hồng”. Vì đây là tone màu chủ đạo trong phòng trọ mà tôi trang trí, từ bức tường cho đến những đồ vật xung quanh đều là tone hồng và đỏ. Thậm chí đến mức tôi phải quyết tìm mua cho bằng được một bộ nồi màu đỏ để nó phù hợp với không gian sống của mình.

Tôi vẫn mộng mơ đến một ngày nào đó sẽ được sở hữu một căn hộ và chính tay tôi sẽ biến nó thành căn hộ thông minh (smart home) với rất nhiều tiện nghi công nghệ số, nhằm phục vụ không gian sống của mình. Chúng ta ai cũng phải có những giấc mơ để thấy cuộc đời thêm ý nghĩa. Với một người khuyết tật vào Nam lập nghiệp và phải trải qua bao nhiêu môi trường sống vất vả thì càng không nguôi với những giấc mơ lớn. Để mỗi ngày mở mắt ra sẽ tự nhủ phải cố gắng cống hiến nhiều hơn cho xã hội, thay vì phải ôm một nỗi mặc cảm về thân thể khiếm khuyết của mình.

Ngày đó, tôi sẽ ngồi bên ban công bé xinh, uống một ngụm trà, rồi nhìn lên bầu trời đầy sao và hồi tưởng lại những tháng ngày vất vả để đi tìm nhà trọ của mình, tìm một chỗ đứng giữa thành phố nghi ngút dòng người này...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.