Mừng đám cưới bằng... chuyển khoản

14/01/2018 09:06 GMT+7

Nhiều người trẻ hiện nay chọn cách chuyển khoản tiền cho cô dâu chú rể thay vì mừng cưới bằng phong bì như truyền thống

Vừa nhanh vừa thiết thực !
Chủ nhật tới diễn ra đám cưới của người bạn thân tại Hà Nội, tuy nhiên Trần Ngọc Anh (27 tuổi, nhân viên một công ty du lịch tại Q.3, TP.HCM) không thể về dự, nên cô chuyển khoản tiền mừng đám cưới cho bạn của mình. Ngọc Anh cho hay trong tháng này cô đã 2 lần mừng đám cưới theo cách này.
“Trước đây tôi hay nhờ một người bạn nào đó dự đám cưới rồi bỏ bao thư (phong bì) giúp, nhưng suy cho cùng cũng là gửi tiền cho cô dâu chú rể thôi. Vậy thì chuyển khoản vừa nhanh lại thiết thực. Tôi gửi trước đám cưới một tuần để cô dâu có tiền trong tài khoản trang trải chi phí đám cưới”, Ngọc Anh lý giải.
Phạm Minh Trang, 29 tuổi, nhân viên một công ty bất động sản ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội, cũng cho biết cô từng chuyển khoản tiền mừng đám cưới cho người bạn cách đây 2 tháng.
“Tôi nghĩ là bạn bè thân thiết nên có thể hiểu và thông cảm với nhau. Không nhất thiết phải câu nệ thủ tục là cho tiền mừng vào bao thư. Ngoài ra, nếu chuyển tiền qua ngân hàng, người được nhận cũng có thể mua sắm, chi tiêu cho đám cưới dễ dàng hơn”, Trang nêu ý kiến.
Nhiều người trẻ hiện nay chọn cách chuyển khoản tiền cho cô dâu chú rể, trước đó có nhắn tin và gọi điện thoại chúc mừng, để cô dâu chú rể tiện kiểm tra tài khoản. Nhưng nhiều người lại không đồng tình với cách làm trên.
"Khó cho các phụ huynh"!
Anh Trần Quyết Trí, 29 tuổi, sống ở Bến Tre, cho hay chuyển khoản tiền mừng cưới có vẻ phù hợp hơn với các bạn trẻ đang làm việc tại đô thị, thành phố lớn, mọi người đều có tài khoản ngân hàng riêng, dịch vụ chuyển khoản trong điện thoại hay máy tính cá nhân. “Với những người làm nông nghiệp, buôn bán ở chợ như chúng tôi, mừng tiền cưới qua bao thư vẫn đơn giản và dễ chấp nhận hơn cả”, anh Trí nói.
“Quê tôi có phong tục sau đám cưới, bố mẹ cô dâu chú rể ngồi bóc bao thư, kiểm lại số tiền bà con mừng, rồi ghi lại danh sách vào một cuốn sổ, để sau này nhớ và mừng tiền lại. Chuyển khoản thì có vẻ khó cho các phụ huynh khi kiểm kê”, Hoài, 25 tuổi, còn độc thân, sống ở H.Tứ Kỳ, Hải Dương bày tỏ.
Thạc sĩ Trần Hoàng Phương Anh, cử nhân khoa Việt Nam học và tiếng Việt, đang là cộng tác viên giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội, cho hay bản thân chị cũng từng xin số tài khoản cô dâu chú rể và chuyển khoản tiền mừng đám cưới vì không dự được.
“Suy cho cùng người ta tặng quà hay tặng tiền cho cô dâu chú rể cũng là để chúc mừng cho hạnh phúc của họ. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp đám cưới ở quá xa, không có cơ hội đến dự hoặc không nhờ được ai gửi tiền mừng thì việc chuyển khoản cũng không có gì nghiêm trọng hay đáng phản đối”, chị Phương Anh nói.
Chị cũng nêu quan điểm không tán thành việc tặng quà thay cho tặng tiền, “bởi vì mỗi người một sở thích, có thể mình thấy quà là phù hợp nhưng cô dâu chú rể thì không. Đặc biệt, sau đám cưới cũng có nhiều vợ chồng cần sử dụng tiền, do đó tặng tiền vẫn tiện lợi hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.