Mùi tháng chạp, mùi chợ Bến Thành khi Việt kiều như muốn 'ôm cái chợ' về bển

Hồng Hạnh
Hồng Hạnh
13/01/2019 10:10 GMT+7

Hôm qua, đưa một dòng lên Facebook cá nhân: “Tháng chạp có mùi gì?”. Mấy đứa bạn comment tíu tít: mùi bánh thuẫn, mùi chợ, mùi quê... Có đứa hỏi lại: tháng mà cũng có mùi hay sao?

Mùi chợ, tình chợ…

Nhớ, hôm qua, sau những chuyến bay dày đặc cuối năm, ghé chợ Bến Thành (TP.HCM) định bụng mua cá mua rau về nấu nướng cho gian bếp đỡ lạnh. Một chút sững sờ khi nghe cái mùi quen thuộc mà cũng khó để diễn tả ra.
Tiếng cười tiếng chào hỏi nhau xôn xao giữa những sạp hàng xanh đỏ tím vàng. Đã thấy mứt, đã thấy bánh. Đã thấy những gian hàng chạp phô bày bán nào măng khô, bong bóng cá, nào kiệu, nào phổ ki, nào kim châm, phù chúc...
Nhìn và mường tượng ra mâm cơm cúng ông bà cuối năm. Hình dung ra cảnh đi chợ xách lủ khủ hàng trăm thứ về. Bày biện ra và mấy chị em lại túm tụm nhau tỉa tót, vén khéo cho những món ăn thức uống mấy ngày tết.
Đi chợ Bến Thành tháng chạp hay gặp Việt kiều về quê ăn tết. Nét đặc trưng không lẫn vào đâu được là giọng nói Sài Gòn xưa. Và còn là chuyện tíu tít hỏi han giữa người mua, người bán. Người mua như muốn ôm hết cái chợ Bến Thành đem về bển. Người bán như muốn gom góp cho đủ đồ, đặng người mua có một cái tết đủ đầy. Không phải là chuyện ép mua ép bán, mà là chuyện nhắc nhau như người nhà.
Ghé bà cụ bán bánh canh tôm thịt ở góc cửa Đông. Vừa xề xuống đã nghe bà cụ bán rau củ kế bên hỏi: “Tết này, ngày nào con ngâm dưa món, nói bà biết, bà tỉa rau củ trước cho!”.
Bà bán bánh canh chép miệng: “Đàn bà con gái thời nay sướng quá, cái gì cũng có sẵn. Trào trước, làm dâu là phải làm hết. Má chồng dì mà thấy mua đồ làm sẵn, chắc hổng cho dì bước vô nhà quá!”. Chuyện cứ vậy mà rôm rả, tô bánh canh, rồi ly chè nhãn nhục hết hồi nào không hay. Trong lúc chờ thối tiền, nhìn bâng quơ qua hàng gia vị sau lưng, ngạc nhiên quá đỗi khi thấy thau đường bánh làm từ mật mía. Còn cả những cọng rơm, cọng rạ lót dưới bánh đường.

Mùi ký ức

Tự nhiên, nhớ da diết những cánh đồng quê nào đó đã từng đi qua mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày. Trong một quá khứ đang dần lùi xa. Như ảo ảnh. Mùi rơm rạ, khiến liên tưởng ngay đến một màu vàng sóng sánh như mật ong, như hổ phách. Nhớ đụn rơm bên lò nấu đường mía của bà Sáu Hạnh Cái Dầy.
Mỗi tối, anh con rể của bà Sáu lại lén lút ra đó để tán tỉnh em Phấn làm công. Nhớ như in cái cười lóe cái răng bịt vàng của chả và cái câu hết sức sến: “Phấn ơi Phấn, anh là Son nè…”. Vậy mà em Phấn cười hí hí ra chiều ưng ý lắm. Và mùi rơm, mùi rạ mới hạp làm sao với cái cảnh đó, cái tình đó.
Mùi rơm còn khiến ký ức trôi tuột về cánh đồng trơ gốc rạ ở Kinh Già Dong (Cà Mau). Những tháng giáp tết này, mỗi khi lội bộ qua cánh đồng mình hay thủ sẵn mấy tàu lá chuối.
Lật từng gốc rạ lên đã thấy những đám rau đắng đất xanh um mơn mởn. Nhổ lên gói vào lá chuối đã nghe mùi đắng ngắt nhưng thơm lựng. Cũng có khi là mùi rơm từ đầu chái nhà phảng phất đến bộ ván ngựa đặt trong gian bếp. Bó một con cúi, châm lửa để xua muỗi. Khói mịt mù. Cay xé mắt. Nhưng thơm. Rất thơm. Thế nào cũng nghe văng vẳng nhạc bolero sến thấu trời hoặc băng catset tân cổ giao duyên. Gian bếp tháng chạp ấm sực, thơm lừng. Giấc ngủ tháng chạp thật sâu, thật ấm. Giữa tiếng cá quẫy. Giữa tiếng chó sủa. Giữa tiếng gà gáy.
Còn không mấy ngày nữa là tết tới sát một bên. Khoảng thời gian mà lịch làm việc đã bắt đầu tính bằng ngày của tháng chạp. Tháng chạp là mùa hấp dẫn nhất trong năm của chợ.
Đi chợ Bến Thành ở ngay giữa trung tâm Sài Gòn mới thấy, người nào cũng có thể tìm thấy món ăn, thức uống của xứ mình. Chợ Bến Thành có mùi bánh thuẫn. Chợ Bến Thành có mùi mứt gừng Huế. Chợ Bến Thành có mùi khô cá sặt Cà Mau. Chợ Bến Thành có mùi kiệu Quảng Ngãi. Chợ Bến Thành có mùi những lá mì Quảng, của rau thơm Trà Quế. Chợ đô thị nhưng hồn cốt là của những miền quê, của những ký ức.
Tháng chạp là tháng mà chợ Bến Thành có mùi. Mùi tết. Mùi ký ức. Một ký ức thật xa. Rất xa. Đôi khi tự hỏi, mùi hương đó có thật hay không?
Nhớ quá! Ký ức ơi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.