Mục tiêu nào của Tây Ninh được tập trung để tăng trưởng kinh tế 7% năm 2024

22/12/2023 16:00 GMT+7

Năm 2024, Tây Ninh đặt mục tiêu tập trung ưu tiên, thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 7%, thu ngân sách Nhà nước đạt 11.100 tỉ đồng, tăng 0,9% so với dự toán năm 2023, từ đó tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện các giải pháp đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả hơn.

Tây Ninh đặt mục tiêu tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về phát triển kinh tế, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: Tường Linh

Tây Ninh đặt mục tiêu tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về phát triển kinh tế, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng

Ảnh: Tường Linh

Theo ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, năm 2023, bức tranh kinh tế của tỉnh đạt kết quả với những tín hiệu khả quan. Tăng trưởng ước đạt 5,5% so với kế hoạch, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Sản xuất công nghiệp có xu hướng phát triển tích cực hơn trong những tháng cuối năm; chỉ số công nghiệp ước cả năm tăng 8,9%, tăng ở các doanh nghiệp lớn trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất săm lốp xe, sản xuất đường. Du lịch tăng về lượng khách tham quan và doanh thu với 5,1 triệu lượt khách và đạt doanh thu 2.000 tỉ đồng.

Công nhân thực hiện công đoạn phân loại bánh tráng. Ảnh: Tường Linh

Công nhân thực hiện công đoạn phân loại bánh tráng

Ảnh: Tường Linh

Tuy vẫn còn 7/20 chỉ tiêu kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng trong năm 2023, cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành du lịch, nông nghiệp, công nghiệp được tăng cường với kết quả khả quan. Thu hút mới đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 734 triệu USD; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 108.055 tỉ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ; Ước tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 đạt 100% dự toán được giao. Theo kết quả công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tỷ lệ giải ngân 10 tháng năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thì Tây Ninh xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Các chế độ, chính sách về an sinh xã hội được được đảm bảo; cải cách hành chính gắn với việc chuyển đổi số được triển khai quyết liệt. Chủ động, tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố xây dựng các chương trình hợp tác, phát triển, cơ chế phối hợp liên kết vùng Đông Nam Bộ; Đảm bảo về quốc phòng - an ninh, không để xảy ra điểm nóng trên khu vực biên giới.

Thu hoạch mía đường tại Tây Ninh. Ảnh: Tường Linh

Thu hoạch mía đường tại Tây Ninh

Ảnh: Tường Linh

Ông Võ Đức Trong nhận định, năm 2024 sẽ là năm bứt phá để tỉnh hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025) với mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng trưởng 7%; GRDP bình quân đầu người đạt 4.250 USD; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 112 triệu đồng; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn bằng 37% GRDP; chỉ số công nghiệp tăng 15%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 10%; kim ngạch xuất khẩu tăng 8%. Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,03 - 0,046%, tương đương 100 - 150 hộ; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 1,2%, khu vực nông thôn 1,8%; tăng thêm 16.000 lao động có việc làm; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5%.

Vì thế, Tây Ninh đặt ra mục tiêu là tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về phát triển kinh tế, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng; đảm thủ tục thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng; xây dựng môi trường đầu tư công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh cao...

Trong đó, Tây Ninh sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đột phá về nông nghiệp, du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Cụ thể, tỉnh tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thúc đẩy liên kết vùng như: dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến TP.Tây Ninh); đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa qua địa phận tỉnh Tây Ninh và các đoạn còn lại của đường Tuần tra biên giới; các dự án xã hội hóa như: cảng cạn Thanh Phước; cảng cạn Mộc Bài; cảng thủy nội địa Thành Thành Công; Trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp tại thị xã Trảng Bàng…

Tây Ninh đang thực hiện các quy trình về Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, huyện Tân Biên đến năm 2045. Ảnh: Tường Linh

Tây Ninh đang thực hiện các quy trình về Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, huyện Tân Biên đến năm 2045

Ảnh: Tường Linh

Năm 2024, Tây Ninh cũng xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch thứ cấp để đồng bộ với quy hoạch tỉnh nhằm tạo quỹ đất sạch để kêu gọi, xúc tiến đầu tư; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045 và điều chỉnh đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, huyện Tân Biên đến năm 2045.





Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.