Mua nhầm hàng dỏm, hàng nhái trên mạng, ai bảo vệ khách hàng?

29/12/2016 10:10 GMT+7

Hàng giả, hàng nhái vẫn xuất hiện trên các trang bán hàng trực tuyến, trong khi theo các luật sư, vẫn chưa có quy định cụ thể về cơ chế bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng

Nhiều "lỗ hổng” trong lĩnh vực thương mại điện tử khiến hàng giả, hàng nhái vẫn xuất hiện trên các trang bán hàng trực tuyến.
Người tiêu dùng "tiếp tay" cho hàng nhái?
Luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết hiện nay chưa có quy định cụ thể về cơ chế bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng hay hàng giả, hàng nhái; cũng như chưa có quy định cụ thể về các chế tài đối với các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch Thương mại điện tử (TMĐT), nhưng không kiểm soát người bán hàng giả, hàng nhái trên sàn giao dịch của mình.
Chính vì “lỗ hổng” này mà một số trang TMĐT đã không kiểm soát hoặc "thả nổi" cho một số người bán hàng cung cấp những hàng hóa không đảm bảo chất lượng, cũng như hàng nhái, hàng giả.
LS Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay là hành lang pháp lý thực thi cụ thể cho việc bảo vệ người tiêu dùng đối với việc mua phải hàng nhái, hàng giả.
Tuy nhiên, LS Tri Đức đặt vấn đề: "Chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là bên cạnh một số khách hàng không phân biệt đâu là hàng giả, hàng nhái... thì có không ít người tiêu dùng biết món hàng mình mua là hàng nhái, không phải hàng chính hãng nhưng vẫn chấp nhận. Bởi vì các sản phẩm hàng nhái này phù hợp với túi tiền của họ".
Chính vì thế, một bộ phận người tiêu dùng đã vô hình “tiếp tay” cho hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT còn đất sống như hiện nay, theo LS Đức.
“Tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện trong giao dịch TMĐT kéo theo những hệ lụy khôn lường. Chẳng hạn, những mặt hàng nhái, giả mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn ít nhiều gây xáo trộn, lũng đoạn thị trường hàng hóa, kinh tế xã hội đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh sản xuất chân chính", LS Đức chia sẻ.
"Tôi nghĩ đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong việc quản lý các sản phẩm hàng hóa trên TMĐT, cũng như thực thi triệt để Luật sở hữu trí tuệ; đồng thời thực hiện chế tài xử phạt mạnh mẽ, nhằm răn đe và loại trừ hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT như hiện nay”, LS Nguyễn Tri Đức nhấn mạnh.
Tự bảo vệ mình trước khi chờ được bảo vệ
LS Nguyễn Đức Chánh cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 77 Nghị định 52/2013 của Chính phủ, thì hoạt động của sàn giao dịch TMĐT sẽ chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi cho chính mình, người tiêu dùng cần phải “thông thái” khi mua những sản phẩm/dịch vụ trên một số trang bán hàng trực tuyến; cũng đừng vì ham giá rẻ mà mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Theo LS Nguyễn Tri Đức, tại Thông tư 47/2014/TT-BCT, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT và Nghị định 185/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng đã đề ra các nội dung chế tài.
Cụ thể, tại Điều 4 Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website TMĐT cũng đã đề ra việc ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật... Loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh.
“Tùy tính chất, mức độ, loại hàng hóa vi phạm, hành vi buôn bán hàng giả nếu được thực hiện qua giao dịch TMĐT thì hành vi đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 156 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Nếu hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 157 BLHS, với khung hình phạt cao nhất là tử hình”, LS Đức cho biết thêm.
Về các chế tài phạt hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả, hàng cấm... theo LS Đức cũng được quy định rõ tại Điều 11 Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Theo đó, mức phạt thấp nhất là 500 nghìn đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1 triệu đồng, cao nhất là 50 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định ở trên nếu hàng giả thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 185/2013/NĐ- CP. Ngoài ra, người vi phạm phải chịu hình thức xử phạt bổ sung và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Trường hợp buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa cũng sẽ bị xử lý theo Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.