‘Mua’ một giáo viên

Cái tựa này không phải để 'câu view'! Điều này đang diễn ra ở một trường quốc tế tại TP.HCM nơi con tôi học.

Cái tựa này không phải để 'câu view'! Điều này đang diễn ra ở một trường quốc tế tại TP.HCM nơi con tôi học.

Câu lạc bộ Habitat for Humanity (viết tắt: H4H) là một trong hơn 30 câu lạc bộ (CLB) sau giờ học ở trường do các giáo viên (GV) nước ngoài tự thiết kế cho học sinh (HS).
Mỗi tuần, tất cả HS trong trường được quyền chọn và cũng bắt buộc phải tham gia ít nhất 2 buổi sinh hoạt CLB sau giờ học. Nội dung hoạt động của CLB này là tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt để quyên góp tiền giúp xây dựng những căn nhà phù hợp với điều kiện môi trường cho người dân nghèo ở vùng lũ hoặc các vùng sâu nông thôn, miền núi.
Trong năm học này, con tôi kể, H4H của cháu đặt kế hoạch "huy động" đủ nguồn quỹ khoảng 45 triệu đồng để xây nhà cho một hộ nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Một trong những cách mà các HS trong CLB này "kiếm tiền" cho quỹ của mình là: tổ chức bán đấu giá GV!
Được sự đồng ý của các GV tham gia chương trình, các HS trong H4H sẽ bắt đầu chụp ảnh từng GV, thiết kế các tờ "quảng cáo" giới thiệu và đưa ra chào rộng rãi cho tất cả các HS khác muốn tham gia đấu giá. Việc chào giá ban đầu sẽ diễn ra theo từng nhóm hoặc từng lớp. "Mức giá khởi điểm" đối với tất cả các GV đều bắt đầu từ 100.000 đồng.
Vào ngày chung kết đấu giá, GV nào được "trả giá" cao nhất sẽ là người phải phục vụ cho nhóm HS "trúng đấu giá". Những công việc mà GV "được mua" phải làm cho nhóm này là: mang sách cho HS; phục vụ bữa trưa cho HS trong nhà ăn; làm bài tập về nhà cho HS; hoặc là thu dọn ghế nhanh nhất trong nhà ăn hay phải nhuộm tóc màu xanh lá cây…
Tháng 11 năm ngoái, tôi cũng từng được chứng kiến hai GV người Canada của hai lớp "được" HS úp nguyên hai cái bánh kem lên mặt! Lý do là để thực hiện lời cam kết khi các thầy cô đã hứa rằng sẽ làm điều này như yêu cầu của các HS nếu lớp họ dẫn đầu về số tiền quyên góp cho Quỹ Terry Fox phòng chống căn bệnh ung thư trong tháng "Movember" (tháng chủ đề nâng cao nhận thức về ung thư) tại trường.
Có ai bảo rằng như thế là "hỗn xược", là "thiếu tôn trọng thầy cô", hoặc "chẳng còn tôn ti, trật tự gì"... không nhỉ? Các GV quốc tế ở trường thì cho rằng có hai điều quan trọng nhất mà họ muốn dạy HS qua những hành động này:
Một là để thực hiện một mục đích cao cả và tốt đẹp, cần biết dũng cảm vượt qua mọi thử thách, kể cả có thể phải chấp nhận đối mặt với những tình huống khó khăn khác thường trong cuộc sống, miễn là những hành động đó của mình không làm tổn hại hoặc gây nguy hiểm cho cộng đồng cũng như những người xung quanh.
Hai là đã cam kết, dù với bất kỳ một người lớn hay một đứa trẻ, cũng đều phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc lời hứa của mình. Đó cũng là những cách họ nêu gương cụ thể cho HS về một trong những điều mà nhà trường muốn giáo dục trẻ: trách nhiệm, can đảm và chính trực.
Nhưng với tôi, còn hơn thế nữa! Tôi nhìn thấy một tinh thần dân chủ và sự tận tụy cao cả, thật sự coi HS là trung tâm ở những người thầy như thế này khi họ hào hứng tham gia với đám trẻ con. Không cần phải hô hào bằng khẩu hiệu, không cần ai nhắc nhở hay yêu cầu, cũng chẳng phải để thi đua lập thành tích dịp này dịp nọ, vì HS, họ không nề hà làm mọi thứ để đạt được những mục tiêu giáo dục của mình. Hay hơn nữa là mặc dù tham gia hết mình trong những hoạt động như vậy với HS, nhưng trong quan hệ hằng ngày ở lớp, ở trường, họ vẫn là những người thầy rất nghiêm khắc mà các học trò vẫn luôn phải kính trọng, nể sợ, tuyệt nhiên không hề dám vô lễ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.