Mưa lớn, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập

01/12/2021 06:13 GMT+7

2 ngày qua, mưa lớn liên tục kéo dài, nước lũ trên các sông lên nhanh, cộng với thủy điện xả lũ nên một số tỉnh bị ngập nặng, giao thông chia cắt, nhiều khu dân cư bị cô lập.

Bình Định thiệt hại hàng trăm tỉ đồng

Tại Bình Định, sáng 30.11, nước lũ trên sông An Lão, sông Lại Giang, sông Kôn, sông Hà Thanh dâng cao, gây ngập lụt diện rộng tại vùng hạ du của tỉnh này. Hầu hết đường giao thông các địa phương trong tỉnh đều bị ngập nước, khu dân cư bị chia cắt gây ra nhiều khó khăn cho người dân.

Đường Hùng Vương (TP.Quy Nhơn) bị ngập trong nước

HOÀNG TRỌNG

Trong đó, nhiều xã, phường ở TP.Quy Nhơn, TX.An Nhơn và H.Tuy Phước, H.Phù Cát bị ngập nặng. Trong ngày 30.11, QL1 đoạn qua P.Trần Quang Diệu (TP.Quy Nhơn) bị ngập từ 0,4 - 0,6 m, đường Hùng Vương qua các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú của TP.Quy Nhơn cũng bị ngập sâu.

Một nhà dân ở huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) bị sập

HOÀNG TRỌNG

Chính quyền các địa phương tỉnh Bình Định đã sơ tán gần 500 hộ dân để đảm bảo an toàn trong mưa lũ. Trong đó, TP.Quy Nhơn di dời 254 hộ với 683 nhân khẩu ở các phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú và Đống Đa. H.Phù Cát di dời 36 hộ dân khu vực núi Gành (xã Cát Minh) và 35 hộ dân gần núi Cấm (thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành) bị uy hiếp sạt lở đất do mưa lớn đến nơi an toàn. TX.An Nhơn di dời tại chỗ 137 hộ với 278 nhân khẩu đến nhà cao, kiên cố liền kề.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, trong ngày 30.11, tỉnh này có 8 nhà bị sập, gần 24.000 ngôi nhà bị ngập nước (trong đó, H.Tuy Phước có 10.984 nhà, TX.An Nhơn có 5.562, H.Phù Cát có 3.119 nhà, TP.Quy Nhơn có 1.330 nhà…). Tổng thiệt hại sơ bộ do mưa lũ gây ra ở Bình Định ước tính khoảng 124 tỉ đồng. Đặc biệt, tỉnh Bình Định có 3 người chết do lũ cuốn hoặc té ngã.

Nước lũ lên nhanh, gần 20.000 nhà dân ở Bình Định bị ngập

Phú Yên dồn dập vừa mưa lớn vừa xả lũ

Tại Phú Yên, lũ trên sông Ba đang lên nhanh, đến 15 giờ ngày 30.11, mực nước tại trạm Củng Sơn (TT.Củng Sơn, H.Sơn Hòa) lên trên báo động cấp 3 là 3,95 m, còn mực nước sông Ba tại Trạm thủy văn Phú Lâm (TP.Tuy Hòa) trên báo động cấp 3 là 0,37 m. Nguyên nhân nước sông Ba lên nhanh là do hai hồ chứa nước của hai nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh xả lũ.

QL25 bị chia cắt tại đoạn qua xã Hòa Hội, H.Phú Hòa, Phú Yên

ĐỨC HUY

Ông Trần Lý, Tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ, cho biết đến 15 giờ ngày 30.11, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ và chạy máy với lưu lượng 9.400 m3/giây. “Trên vùng lưu vực hồ, lượng mưa khá lớn và các nhà máy thủy điện, hồ chứa nước thủy lợi đồng loạt xả lũ nên lưu lượng nước về hồ chứa thủy điện Sông Bạ Hạ hơn 7.000 m3/giây. Vì thế, nhà máy xả về hạ du lưu lượng lớn để sau đó giảm dần, tránh đỉnh triều cường vào tối 30.11, để giảm áp lực ngập lụt vùng hạ du sông Ba”, ông Lý nói.

Còn Nhà máy thủy điện Sông Hinh xả lũ và chạy máy là 2.054 m3/giây. Cả hai nhà máy thủy điện ở Phú Yên đã xả lũ về sông Ba với lưu lượng gần 11.500 m3/giây nên đã gây ngập lụt một số xã, thị trấn của các huyện: Sơn Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa; một số xã ven sông của H.Sông Hinh và nhiều tuyến đường nội thị TP.Tuy Hòa.

Ông Nguyễn Bá Khải, Chủ tịch UBND H.Phú Hòa, cho biết các tuyến đường qua địa bàn huyện đều ngập sâu nên địa phương này bị cô lập hoàn toàn.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết lũ đổ về hồ thủy điện Sông Ba Hạ là khá bất ngờ, vì trước đó hồ chứa nước này vẫn còn đang thiếu nước.

Mưa lớn cộng với xả lũ còn khiến giao thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên nhiều nơi bị ách tắc, trong đó nặng nhất là QL25 và QL29.

Lũ trên sông Ba đang lên nhanh, nhiều nơi ở Phú Yên bị ngập nặng

Sạt lở diện rộng ở miền núi

Khoảng 16 giờ ngày 30.11, một quả đồi lớn ở xã Trà Cang, huyện miền núi cao Nam Trà My (Quảng Nam) bất ngờ sạt lở, hàng ngàn khối đất đá kèm theo cây lồ ô tràn xuống phủ lấp tuyến đường liên thôn dẫn vào làng Tắc Pét - Măng Tông (thôn 5). Lượng đất đá khổng lồ cách nhà dân gần 30 m, rất may không gây thiệt hại về người.

Mưa lớn những ngày qua đã khiến nhiều nơi ở các huyện miền núi Quảng Nam xảy ra sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc nhiều tuyến đường giao thông, bồi lấp nhiều đất sản xuất nông nghiệp, đe dọa nhiều nhà dân và điểm trường. Chính quyền các huyện vùng cao Nam Trà My, Bắc Trà My đã sơ tán 53 hộ dân (211 nhân khẩu). Tại H.Phước Sơn, sạt lở xảy tại khu dân cư thôn 2 xã Phước Thành gây ảnh hưởng đến một số hộ dân.

Trong chiều 30.11, tranh thủ thời tiết ngớt mưa, UBND H.Nam Trà My đã huy động lực lượng tập trung khắc phục các điểm sạt lở, lưu thông trên tuyến QL40B từ H.Bắc Trà My lên H.Nam Trà My đã được khắc phục. Tuy nhiên, tại cầu bê tông bắc qua sông Leng dẫn vào làng tái định cư Bằng La (xã Trà Leng, H.Nam Trà My), nước sông đổ về quá mạnh khiến lượng đất đá đổ lấp mố cầu (vì sạt trước đó) đều bị nước cuốn trôi, phải chờ nước rút .

Ngày 30.11, Chi cục Quản lý đường bộ III.3 cho biết, do mưa lớn kéo dài khiến tuyến đường đèo Khánh Lê, QL27C (đường Nha Trang - Đà Lạt) sạt lở nghiêm trọng.

Cụ thể, địa điểm sạt lở nằm bên phía tỉnh Lâm Đồng tại Km 67+600, với lượng đất đá sụt trượt khoảng 10.000 m3 đổ xuống toàn bộ mặt đường, chia cắt hoàn toàn tuyến đường này. Lực lượng chức năng đã cử người đứng tại các chốt để hướng dẫn lưu thông, không cho người dân và phương tiện qua khu vực sạt lở để bảo đảm an toàn. Lực lượng bảo trì đường bộ cũng đã có mặt để khẩn trương dọn, sớm lưu thông tuyến đường.

Cũng tại Khánh Hòa, do nhiều ngày qua liên tục có mưa lớn nên tuyến đường Nguyễn Tất Thành từ TP.Nha Trang đi sân bay Cam Ranh (đoạn đèo Cù Hin) có rất nhiều tảng đá lớn rơi từ núi xuống mặt đường, khiến một đoạn dài bị vùi lấp, ách tắc giao thông. Ngay sau khi sự cố xảy ra, các cơ quan chức năng đã đặt biển cảnh báo hướng dẫn và chặn lưu thông. Trong sáng qua, đơn vị bảo trì đường bộ đã dọn dẹp đất đá rơi xuống mặt đường. Đến chiều tối cùng ngày, tuyến đèo Cù Hin và đèo Khánh Lê đã được thông tuyến trở lại.

Mưa lũ làm 4 người chết

Tối 30.11, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (Ban Chỉ đạo), Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết đến 18 giờ cùng ngày, mưa lũ do ảnh hưởng của không khí lạnh ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên đã làm 4 người chết (Kon Tum 1 người, Bình Định 3 người).

Phan Hậu

Giải cứu 21 người bị mắc kẹt do lũ

Tại Gia Lai, từ tối 29 đến sáng 30.11, ở khu vực đông nam tỉnh này có mưa lớn, kéo theo mực nước lũ trên các sông suối lên nhanh, khiến nhiều người dân lên rẫy không kịp về hoặc ở những vùng thấp không kịp thoát ra ngoài. Chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng, xuồng máy, phao cứu sinh cùng các phương tiện cứu hộ, cứu nạn khác để tiếp cận, giải cứu người dân và tài sản bị mắc kẹt ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó, ngày 30.11 giải cứu được 7 người ở buôn Liên, xã Chư Drăng, H.Krông Pa và 14 người tại P.Đoàn Kết, TX.Ayun Pa.

Trần Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.