Mùa chuyển nhượng chuẩn bị bùng nổ

01/07/2023 00:51 GMT+7

Hôm nay (1.7), "cửa sổ mùa hè" chính thức mở ra tại các giải Serie A, Bundesliga, La Liga, Ligue 1. Giải Ngoại hạng Anh thì đã bắt đầu chuyển nhượng từ hôm 14.6. Tại sao mùa chuyển nhượng sẽ chỉ thật sự sôi động từ ngày 1.7?

Khi hợp đồng của một ngôi sao đang ở đỉnh cao phong độ còn đúng 1 năm, thì đấy chính là lúc quyền lực lớn nhất trong lĩnh vực chuyển nhượng bắt đầu rơi vào tay ngôi sao ấy. Mà theo thông lệ, hợp đồng của các cầu thủ nhà nghề luôn bắt đầu vào ngày 1.7, kết thúc vào ngày 30.6.

Mặt khác, việc đăng ký cầu thủ mới chỉ được tiến hành trong mùa chuyển nhượng, tức trong khoảng thời gian chính thức của "cửa sổ mùa hè" và "cửa sổ mùa đông" (thường là từ 1 - 31.1) hằng năm. Các bên liên quan cứ việc đàm phán, ngã giá, loan tin… nhưng mọi việc đều là vô nghĩa nếu như vụ chuyển nhượng diễn ra bên ngoài cửa sổ chuyển nhượng. Năm nay, "cửa sổ mùa hè" tại đa số các giải đấu ở châu Âu chỉ bắt đầu vào ngày 1.7 (chậm hơn khoảng 1 tháng so với các mùa trước) và đồng loạt khép lại vào ngày 1.9.

Mùa chuyển nhượng chuẩn bị bùng nổ - Ảnh 1.

Tottenham phải bán Harry Kane nếu không muốn mất trắng anh ở mùa giải sau

REUTERS

Trên thực tế, chúng ta thường thấy một số đội nhà giàu chuyển nhượng rất thành công, như trong những năm gần đây là Man.City, Real Madrid, Liverpool, trong khi một số đội khác dù cũng có rất nhiều tiền lại hay lúng túng trên thị trường chuyển nhượng, như M.U, Barcelona hoặc Chelsea. Một phần nguyên nhân là đôi khi họ đành phải bó tay không làm gì được. Giới hâm mộ thường quan tâm đến giá chuyển nhượng của ngôi sao, mà lại quên đi một điều quan trọng không kém: quyền lực thuộc về cầu thủ trong cuộc, CLB bán hay CLB mua?

Cách đây 2 năm, Harry Kane nổi đình nổi đám, như thể anh đã gia nhập Man.City đến nơi, nhưng rốt cuộc phải ở lại Tottenham vì ông chủ Daniel Levy lạnh lùng ra giá 150 triệu bảng (không thực tế). Kane bị trói chân bởi bản hợp đồng còn thời hạn đến 3 năm. Man.City quay lưng, và lặng lẽ mua Erling Haaland 1 năm sau đó, với giá chuyển nhượng chỉ bằng 1/3 so với giá của Kane. Không phải nói thêm về "cú ăn ba" lịch sử của Man.City trong mùa vừa qua, với phần đóng góp của Haaland là 52 bàn thắng ở mọi giải đấu. 

Real Madrid quyết tâm kích nổ "bom tấn" Jude Bellingham vì lý do gì?

Bây giờ, Kane chỉ còn 1 năm hợp đồng và chính anh đang giữ quyền lực: Tottenham sẽ phải bán Kane - dĩ nhiên là không thể hét giá 150 triệu bảng, hoặc mất trắng nếu anh đá thêm 1 năm cho Tottenham rồi tự do ra đi. Nếu có một đội nhà giàu muốn mua Kane, Tottenham sẽ khó giữ anh như 2 năm trước. Đấy chỉ là một ví dụ.

Kylian Mbappe của PSG cũng chỉ còn thời hạn 1 năm hợp đồng với PSG. Declan Rice cũng vậy. West Ham thậm chí không có động thái chống đỡ nào trước các đội mạnh đang muốn sở hữu Rice (như Man.City và Arsenal đang cạnh tranh quyết liệt với nhau), ngoài chuyện nghĩ ra một cái giá hợp lý. Đấy thậm chí phải là cái giá đủ… rẻ để West Ham bán được Rice, bởi không bán anh trong mùa hè này thì sẽ chẳng còn cơ hội bán nữa!

Vẫn như mọi khi, tiền đạo giỏi là mẫu cầu thủ đắt giá nhất trên thị trường chuyển nhượng. Năm nay, rất có thể sẽ bùng nổ một cuộc đua giữa các đội mạnh về việc săn lùng chân sút. Một mặt, trung phong Karim Benzema đã chia tay Real Madrid để sang Ả Rập Xê Út khi anh vẫn đang còn phong độ tốt và là chủ nhân của "Quả bóng vàng" hiện thời. 

Real sẽ phải tìm một chân sút thay thế, và khi một tiền đạo danh tiếng thay đổi CLB thì rất dễ xuất hiện cả một chuỗi domino chuyển nhượng tương ứng. Mặt khác, thành công của Man.City với sự xuất hiện của trung phong mới Erling Haaland (kèm theo sự thay đổi lối chơi) đã kích hoạt trào lưu dùng lại vai trò "số 9 cổ điển" trong chiến thuật hiện đại. Hè này sẽ chứng kiến nhiều bản hợp đồng liên quan đến vai trò tiền đạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.