Mưa chiều Tân Trung

18/08/2022 09:00 GMT+7

Xe xuất phát 8 giờ sáng từ Trường Cao đẳng Phát thanh- Truyền hình 2 (quận 5, TP.HCM), đến chiều mới tới được ấp Trung 2 (xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Đây là chuyến đi tình nguyện đầu tiên của thời sinh viên xa nhà, nên chúng tôi ngập tràn sự háo hức và cả những tưởng tượng về vùng đất mà mình sẽ đến.

Xe vừa đến nơi thì gặp trời mưa như trút. Nó khác với những cơn mưa Sài Gòn bất chợt đến rồi đi, cũng khác với những cơn mưa miền Trung quê nhà, triền miên, dai dẳng thối đất thối cát. Mưa Tân Trung ầm ào mù mịt và sau cơn mưa, lộ ra cả một vùng xanh um cây trái.

Đội hình tình nguyện chia làm hai tốp. Những bạn nữ chúng tôi được phân về nhà của bác Hai. Đó là ngôi nhà sàn thơ mộng được bao bọc bởi hàng rào hoa quỳnh anh vàng và trông về phía tây là dòng sông Tiền êm đềm chảy. Từ ấp Trung 2 qua các ấp Tân Thạnh, Trung Hoà, Mỹ Hóa 1, Vàm Nao đều xanh um vườn tược. Có một điều tưởng chừng như bình thường nhưng lại rất dễ thương là hầu như những ngôi nhà nơi đây không làm hàng rào và cổng kiên cố. Chúng nép mình bên xanh um hàng rào quỳnh anh hoa vàng như nắng, những cây lá cách lâu năm và hoa giấy đan nhau thành vòm cổng… Thấp thoáng sau những hàng rào hoa là những mảnh vườn với mít, xoài, bưởi, mận, cam… trĩu quả.

Những ngày tình nguyện đầy ắp kỷ niệm nơi vùng đất hữu tình Tân Trung (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang)

tcgg

Sau những giờ phụ đạo hè cho tụi nhỏ hay dọn vệ sinh, sửa nhà cho người neo đơn, chúng tôi thường đi chân trần qua những ngõ nhỏ dẫn từ nhà này sang nhà khác, từ khu vườn này sang khu vườn khác và thích thú với cảm giác đất mịn in vào kẽ chân còn chung quanh mát xanh cây lá. Người Tân Trung có thói quen mời khách đến chơi bằng thức uống trà đá đường. Mỗi người một ly và chuyện trò bằng sự nhiệt thành phóng khoáng. Trong cách giao tiếp hàng ngày, tuyệt nhiên không hề có sự đãi bôi và cầu kỳ lễ nghi vai vế. Tất cả đều rất tự nhiên và hồn hậu, nghĩa tình!

Thi thoảng chúng tôi đi bộ ra con lộ lớn, rồi đi xe lôi (một loại xe có bình thùng phía sau sức chứa khoảng 4 người và người đạp phía trước) để ra chợ xã mua vật dụng cần thiết cho lớp hè. Trong suốt quãng đường đi là không gian xanh trong dễ chịu. Những bãi ngô lai đang mùa bắp ngô tượng hạt ngái thơm trong gió. Những vườn chuối sáp nép mình bên hàng cây ô mai cao lớn, khuất tầm gió nên tàu lá thẫm xanh ít bị xơ xước. Có những khoảng ruộng trũng nước trồng sen hồng, những búp sen, đài sen và lá long lanh sương đọng càng nổi rõ giữa sóng lúa gợn đều, đưa hương sen dịu nhẹ mùi trà sớm mai lan xa trong gió. Dọc đường có những tiệm tạp hóa nho nhỏ thường bán loại bỏng ngô được làm thủ công. Người chủ tiệm đong trong một chiếc gô bằng inox, cứ mỗi gô được tính bằng “1 lít”. Và thể nào, dù mua nhiều hay ít, trong lúc đong, họ luôn đong thật nhiều, tràn cả bàn tay nắm và còn cho kèm theo vài thứ quả chín trong vườn.

Người Tân Trung dễ thương và bình dị đến lạ kỳ! Họ cũng như những mảnh vườn không cần rào cao cổng kín, cứ mặc nhiên cây trái và phóng khoáng với đời. Cho đến tận sau này, khi đã xa Tân Trung hơn 10 năm, tôi vẫn luôn nhớ rõ từng khuôn mặt, từng dáng điệu những con người dễ mến mà mình có cơ duyên gặp gỡ. Nhớ bác Hai thức thâu đêm lo lắng khi có đứa trong đội bị sốt. Nhớ bác Ba hay hát những bài dân ca nam bộ với âm điệu đặc trưng riêng nhưng lại rất gần gũi, dễ nghe, dễ nhớ “Chiều chiều quạ nói với diều/Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm”, “Chiều chiều ông Ngữ thả câu/Sấu lôi ông Ngữ cắm đầu xuống sông”. Nhớ tụi nhỏ với mái đầu khét nắng vẫn thường dẫn những “cô, thầy” sinh viên bắt chuồn chuồn sau mưa trên khắp bãi ngô khoai thoai thoải gió chiều… Họ như nước dòng sông Tiền, sông Vàm Nao, như những cơn mưa chiều Tân Trung mạnh mẽ, phóng khoáng và lòng luôn rộng mở.

Rồi cũng hết một tháng tình nguyện, sau ngày hội quân, đội hình chúng tôi quay lại trường, quay lại nhịp sống tất bật nơi phố xá và bắt đầu những kỳ thi kết thúc học phần nối tiếp nhau. Ngày hôm ấy Tân Trung cũng mưa như trút. Và tôi biết rằng, sau cơn mưa, vùng cây trái hữu tình lại xanh trong hơn và bác Hai, bác Ba, cô Bảy… cùng tụi nhỏ nơi Tân Trung vẫn còn dõi theo bóng những áo xanh giờ đã xa tít tắp.

Tôi viết những dòng này như một sự cảm mến vùng đất hữu tình và đầy ắp kỷ niệm của một thời sinh viên trẻ trung, sôi nổi. Tôi viết những dòng này cũng là sự áy náy cho lời hứa hẹn sẽ về lại Tân Trung trong một ngày gần nhất. Vậy mà đằng đẵng 10 năm, bao tính toan áo cơm thường nhật xô dạt những cô cậu sinh viên hồn nhiên ngày ấy mỗi người một ngả. Để đến tận bây giờ lối mòn dưới những hàng rào quỳnh anh vàng vắng bàn chân mải mê nghịch đất. Để những cơn mưa chiều Tân Trung ầm ào đến rồi đi vẫn văng vẳng tiếng cười của một thời tuổi trẻ… Và lời thanh minh nào cho sự thất hứa này cũng không trọn vẹn. Chỉ dòng sông Tiền vẫn êm đềm chảy, chỉ có nỗi nhớ vẫn cứ dài thêm về vùng đất với những con người dễ thương dễ mến đến lạ kỳ!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.