Mù mờ phát hành trái phiếu, nhà đầu tư gánh rủi ro

Mai Phương
Mai Phương
10/10/2022 06:46 GMT+7

Các khách hàng mua trái phiếu Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông đang lo lắng khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an cuối tuần qua đã bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đồng phạm về hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu tại đơn vị này.

Vụ việc này đặt ra câu hỏi, ai quản lý, cấp phép, kiểm tra các doanh nghiệp (DN) chưa phải là công ty đại chúng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)?

Theo Bộ Tài chính, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bình quân khoảng 467.000 tỉ đồng/năm

Ngọc Thắng

Trách nhiệm của cơ quan giám sát, tư vấn phát hành ở đâu?

Thực tế thời gian qua đã có nhiều vụ vi phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu (TP). Vụ Giám sát công ty đại chúng (Ủy ban Chứng khoán nhà nước - UBCKNN) cho biết lần theo dấu sai phạm của các tổ chức phát hành, có đến 8/9 tổ chức “lộ lọt” vi phạm. Chính vì vậy, vấn đề quan tâm của nhà đầu tư (NĐT) là trách nhiệm của đại lý phát hành, tổ chức tư vấn phát hành cũng như của cơ quan quản lý nhà nước ra sao trong hoạt động phát hành TP của các công ty, nhất là DN chưa niêm yết, để giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra. Theo các chuyên gia, quy định trước đây dường như vẫn chưa nêu rõ về trách nhiệm của các đơn vị có liên quan.

Để khắc phục vấn đề này, giữa tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020 về chào bán, giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế (Nghị định 65) với nhiều quy định mới như bổ sung trách nhiệm giám sát của Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán VN và trách nhiệm của UBCKNN. Hay bổ sung các quy định để tăng tính chuyên nghiệp của NĐT cá nhân khi mua TP riêng lẻ…

Theo TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh), DN chưa phải đại chúng vẫn có quyền phát hành TP. Quy định nêu rõ DN phát hành TP theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Chính vì vậy, Nghị định 65 được xem là “chốt chặn” cho vấn đề này. Trong đó, các công ty chứng khoán, ngân hàng đi bán TP của một DN chưa niêm yết ra đại chúng là sai vì phải tuân thủ là chỉ bán cho NĐT chuyên nghiệp. Với quy định mới, việc phát hành TP của các công ty sẽ chặt hơn.

“Ở các nước, quản lý hoạt động phát hành TP của các DN chưa đại chúng cũng tương tự như Nghị định 65. Nhưng trách nhiệm của bên tư vấn phát hành hay đại lý phát hành rất nặng và được quy định rõ. Chẳng hạn nếu bán TP của công ty chưa đại chúng mà trả lãi suất cao, rủi ro cao cho các cụ hưu trí chỉ muốn đầu tư an toàn là vi phạm, có thể bị rút giấy phép hoạt động tư vấn tài chính”, TS Hồ Quốc Tuấn chia sẻ thêm.

Đồng tình, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết để hạn chế các rủi ro, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung thêm nhiều quy định liên quan về điều kiện phát hành TP của DN. Chẳng hạn, Nghị định 65 yêu cầu từ đầu năm 2023, các DN nếu phát hành TP có tổng giá trị huy động trên 500 tỉ đồng hay cao hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu thì phải bắt buộc xếp hạng tín nhiệm. Đây là một bước tiến lớn trong quy định liên quan về TP của DN. TS Nghĩa nhấn mạnh: Việc xếp hạng tín nhiệm là một cuộc khám sức khỏe tổng thể của các DN vì phải cung cấp đầy đủ mọi thông tin liên quan. Còn với các NĐT khi đã xác định là chuyên nghiệp mới được mua TP của DN phát hành thì cần tìm hiểu các thông tin liên quan và tự chịu trách nhiệm với tiền của mình.

Tỉ phú Trương Mỹ Lan bị bắt, quyền lợi người mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát ra sao?

Gần 25.000 tỉ đồng trái phiếu của An Đông thiếu thông tin

Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, bị can Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán TP trái quy định pháp luật để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân trong thời gian 2018 - 2019. Sai phạm này xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Hiện chi tiết chưa được công bố rõ. Nhưng theo một báo cáo vào giữa năm 2020, Tập đoàn An Đông có 3 lô TP đã phát hành với tổng giá trị lên gần 25.000 tỉ đồng với kỳ hạn 5 năm. Trong đó gồm: 2 lô TP được phát hành vào tháng 9.2018 và sẽ đáo hạn ngày 10.9.2023 với tổng giá trị phát hành gần 15.000 tỉ đồng; 1 lô TP trị giá 10.000 tỉ đồng, đáo hạn vào ngày 22.1.2024. Báo cáo này cho hay trong giai đoạn 2018 - 2020, An Đông đã trả lãi TP hơn 2.800 tỉ đồng cho cả 3 lô TP. Đáng chú ý, mặc dù đã tìm kiếm thông tin từ trang web của DN này đến cổng công bố thông tin về TP tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội nhưng không có thêm chi tiết như mục đích phát hành, kế hoạch sử dụng vốn huy động qua TP hay kết quả kinh doanh của công ty trước khi phát hành TP…

Với việc các lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt giam, nhiều chuyên gia cho rằng tiền NĐT đổ vào mua TP của Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông khả năng rủi ro rất cao. Trước đó, vào đầu tháng 4, cơ quan điều tra cũng đã bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, để điều tra về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến các vi phạm trong hoạt động chào bán, huy động vốn thông qua 9 đợt chào bán TP với giá trị hơn 10.000 tỉ đồng.

Chuyên gia tài chính, TS Đinh Thế Hiển phân tích: TP của các DN cũng chia nhiều loại, từ những đơn vị có định mức tín nhiệm cao, rủi ro thấp đến các công ty chưa phải là đại chúng, mang tính rủi ro cao hơn như Tập đoàn An Đông. Nhiều DN chưa niêm yết khi phát hành TP chỉ công bố thông tin liên quan sơ sài; tình hình tài chính, quá trình sử dụng vốn sau phát hành đều không được công bố kịp thời. Trong khi đó, các đơn vị đại lý phát hành, tư vấn cũng không nêu rõ và đã chào bán cho những NĐT nào, có phải là NĐT chuyên nghiệp theo quy định hay không… “Trước đây quy định về phát hành TP của các DN chưa phải đại chúng còn lỏng lẻo. Trong đó cả trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giám sát hay các đơn vị tư vấn, bảo lãnh phát hành… đều không cụ thể. Chính vì vậy mới phát sinh các vụ án như Tân Hoàng Minh hay An Đông và khiến NĐT gánh chịu hoàn toàn rủi ro”, TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

Theo Bộ Tài chính, từ năm 2019 đến nay, khối lượng phát hành TPDN tăng nhanh, bình quân khoảng 467.000 tỉ đồng/năm. Từ năm 2021, triển khai luật Chứng khoán và luật DN, mặc dù có giảm trong các tháng đầu sau khi triển khai quy định mới nhưng thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà phát triển với khối lượng phát hành năm 2021 đạt mức 637.000 tỉ đồng. Quy mô thị trường đến cuối năm 2021 tương đương 15% GDP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.