Một vụ án… kỳ lạ

08/08/2020 12:52 GMT+7

Chiều 7.8.2020, sau nhiều ngày xét xử, vụ tranh chấp “Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá ” giữa Công ty TNHH SX&TM Thiên Phú và Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn tạm dừng với nhiều câu hỏi.

Nhiều ý kiến cho rằng, quá nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng, đây là vụ án quá kỳ lạ, chưa có tiền lệ.

Tòa chưa xác định được tư cách đương sự

Trong phần hỏi đáp, luật sư Nguyễn Văn Quynh, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty Nam Sài Gòn) đề nghị chủ tọa, thẩm phán Lê Thị Phơ xác định tư cách tố tụng của Agribank trong vụ kiện.
Luật sư Quynh nêu: “Agribank là bị đơn hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này? Trong thông báo thụ lý vụ án và một số văn bản khác thì tòa xác định Agribank là bị đơn. Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 26.6.2020, tòa xác định Agribank là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong quá trình xét xử, chủ tọa lại gọi Agribank là bên bị kiện. Do đó, đề nghị chủ tọa cho biết, tư cách của Agribank chính xác là gì để chúng tôi có câu hỏi, tranh luận đúng theo tố tụng dân sự”.
Trả lời câu hỏi này, thẩm phán Phơ nói: “Việc xác định tư cách tố tụng của Agribank sẽ được tòa nhận định, xác định và ghi nhận trong bản án, còn hiện nay đang trong giai đoạn hỏi đáp” (!?)
Trước câu trả lời trên, Luật sư Nguyễn Văn Quynh thở dài: “Quả thật, đây là vụ án lạ lùng, chưa có tiền lệ, HĐXX không tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự, vi phạm quy định tại Điều 3 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015”.
Trong phần tranh luận, luật sư Quynh kiến nghị: “Để khắc phục những vi phạm tố tụng và tránh gây ra những hệ lụy, hậu quả to lớn về mặt kinh tế của các bên liên quan và hậu quả pháp lý về sau, chúng tôi đề nghị đại diện Viện kiểm sát, HĐXX lưu tâm cân nhắc trong quá trình nghị án để căn cứ điểm a, b, c, đ, g Điều 192 BLTTDS 2015 tuyên đình chỉ vụ án”.

Hỏi gì cũng không biết

Trong phần hỏi đáp diễn ra giữa các đương sự cũng như giữa HĐXX và các đương sự, có những câu hỏi và câu trả lời khiến những người dự khán lắc đầu ngao ngán.
Hỏi Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thiên Phú (Thiên Phú) về hợp đồng tín dụng ký với Agribank vào năm 2003, HĐXX nhấn mạnh: “Thời điểm này, dự án Hòa Lân chưa hình thành, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vậy Thiên Phú có tài sản gì thế chấp để Agribank đồng ý cho vay”?. Luật sư bảo vệ cho Thiên Phú trả lời: ““Không có tài sản gì cả”. “Không có tài sản sao ngân hàng cho vay đươc?”. “Việc cho vay là của Agribank. Họ có trách nhiệm thẩm định để cho vay”, luật sư này trả lời.
Sau những câu trả lời không biết của luật sư bảo vệ cho Thiên Phú, phía Agribank giải thích: “Thời điểm năm 2003, Thiên Phú dùng toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai của dự án Hòa Lân gồm quyền sử dụng đất, hạ tầng… để vay vốn từ Agribank và dùng vốn vay này để phát triển dự án. Agribank sẽ căn cứ vào chứng từ của từng tiến độ của dự án như chi trả bồi thường, chi trả san lấp… để giải ngân cho Thiên Phú để Thiên Phú thực hiện dự án”.
Tương tự, nhiều câu hỏi của HĐXX cũng như của Agribank, công ty Nam Sài Gòn, Công Ty Cổ Phần Đầu Tư và Phát Triển Kim Oanh TP.HCM (Công Ty Kim Oanh) đặt ra đối với đại diện của Thiên Phú đều nhận được câu trả lời là: “Chúng tôi không trả lời”, “không biết vì vụ việc kéo dài quá lâu…”.
Điều lạ nữa là thẩm phán chủ tọa phiên tòa liên tục hỏi Thiên Phú các câu hỏi liên quan đến các hợp đồng tín dụng, rồi yêu cầu Agribank cung cấp, giải thích để làm rõ vì… “có mối quan hệ trong vụ án”. Hành vi này của chủ tọa,theo các luật sư bảo vệ cho Agribank, công ty Nam Sài Gòn là không khách quan. Vì lý do này, phía Agribank đã tuyên bố tại phiên tòa sẽ từ chối trả lời mọi câu hỏi liên quan đến chi tiết các hợp đồng tìn dụng giữa Agribank và Thiên Phú từ HĐXX cũng như từ phía Thiên Phú.

Thiên Phú bị đề nghị chấm dứt vi phạm tại toà

Trong phần tranh luận, đại diện của Thiên Phú và các luật sư bảo vệ cho Thiên Phú khi đưa ra các luận cứ bảo vệ đã liên tục có những lời lẽ như: “Công ty Kim Oanh cấu kết với Agribank để thực hiện hành vi sai phạm….”; “ công ty Nam Sài Gòn thành lập trái pháp luật, đã thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản”; “Agribank đe dọa Thiên Phú..”, "Có lợi ích nhóm…”, “Các bên đương sự sẽ lấp liếm…”.
Ngay lập tức, đại diện Công ty Kim Oanh, công ty Nam Sài Gòn, Agribank đã lên tiếng phản ứng gay gắt. Bà Nguyễn Thị Trà My (đại diện Công ty Kim Oanh) bức xúc: “Thiên Phú không có cơ sở pháp lý và không có quyền quy kết Công ty Kim Oanh bằng những từ ngữ mang tính xúc phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Công ty Kim Oanh. Công ty Kim Oanh đề nghị Thiên Phú chấm dứt ngay lập tức các hành vi này và đề nghị HĐXX xem xét”.
Luật sư Trần He Rô (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Agribank) bức xúc hơn: “Thiên Phú đã quy kết, xuyên tạc, bôi nhọ danh dự uy tín của Agibank và lãnh đạo cấp cao của Agribank. Trước hành vi vụ khống của Thiên Phú, Agribank sẽ có hành động pháp lý phù hợp để bảo vệ Agribank”.
Thẩm phán Phơ đã đồng ý với yêu cầu này và lưu ý phía Thiên Phú không được tiếp tục có hành vi, lời lẽ xúc phạm, quy chụp các đương sự khác trong vụ án, tránh những căng thẳng tại phiên tòa. Nếu lặp lại, HĐXX sẽ ngưng ngay phần tranh luận của phía Thiên Phú.

Kim Oanh thiệt hại mỗi ngày 5 tỉ đồng

Nêu quan điểm về vụ kiện, Luật sư Trương Trọng Nghĩa – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Kim Oanh nói: “Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính Phủ kêu gọi phải đạt mục tiêu kép, không để “đứt gãy nền kinh tế”. Dự án Hòa Lân là dự án đầu tư tư nhân, doanh nghiệp tư nhân bỏ vào 1.500 tỷ đồng chi phí để mua đấu giá lô đất. Nếu dự án được triển khai đúng tiến độ, sẽ đóng góp hàng chục ngàn tỷ đồng vào tăng trưởng của Bình Dương và của cả nước trong điều kiện kinh tế đang giảm sút nghiêm trọng do dịch bệnh. Thế mà lại bị đình đốn 2 năm nay. Từ chỗ mua đấu giá và đã thanh toán đủ, qua đó góp phần thu hồi món nợ xấu cho Agribank, thu hồi 1.350 tỷ vốn nhà nước, đổi lại, hiện nay Kim Oanh bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và tiếp tục bị thiệt hại bởi vì biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án và dự án bị đình đốn không biết đến khi nào”.
Luật sư Nghĩa nói thêm: “Như đại diện của Agribank phân tích, các thiệt hại mà Kim Oanh gánh chịu hơn 1 năm qua kể từ ngày TAND Q.7 thụ lý vụ án và áp dụng quyết định biện pháp khẩn cấp tạm thời là 5 tỉ đồng/ngày. Trong khi đó, Thiên Phú chỉ ký quỹ chỉ có 1 tỉ đồng để phong tỏa 1 tài sản có giá trị 1.500 tỉ đồng để bảo đảm cho tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong vòng 2 năm qua. Đây là điều hết sức phi lý, lạ kỳ mà trong suốt thời gian công tác pháp luật, kể cả trong ngành tòa án và là một luật sư tôi chưa từng gặp qua. Thử hỏi, với một môi trường đầu tư như vậy, một môi trường pháp lý như vậy thì chính các nhà đầu tư người Việt cũng hoang mang, nói gì đến nhà đầu tư nước ngoài khi có ý định đầu tư vào Bình Dương?”.
Sau khi phân tích các khía cạnh pháp lý của vụ kiện, luật sư Trương Trọng Nghĩa đề nghị HĐXX bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Thiên Phú. Đình chỉ vụ án. Hủy bỏ ngay lập tức quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Bên cạnh đó, các luật sư bảo vệ cho Agribank, Văn phòng công chứng Thành Phố Mới Bình Dương cũng đưa ra các lập luận, cơ sở pháp lý chứng minh yêu cầu khởi kiện của Thiên Phú là vô căn cứ và cùng đề nghị HĐXX đình chỉ vụ án.
Sau 4 ngày làm việc liên tiếp, phiên tòa tạm dừng và sẽ quay lại xét xử vào ngày 13.8.2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.