Một tuần căng thẳng cho tương lai toàn cầu hóa

09/10/2016 17:50 GMT+7

Theo giới chuyên gia, các thị trường tương lai có thể không còn giống như hiện tại.

Theo Bloomberg, thương mại toàn cầu yếu, lo ngại vụ "ly hôn" của Anh với Liên minh châu Âu (EU) trở nên khó khăn và các cuộc thăm dò về bầu cử tổng thống Mỹ vẫn là những chủ đề được quan tâm trong tuần này. Giới phân tích lại nhân đôi cảnh báo của họ về chuyện phản ứng mạnh trước toàn cầu hóa đang sẵn sàng khuấy động các thị trường tài chính toàn cầu. Hậu quả sâu sắc cho nền kinh tế thực và các chiến lược đầu tư đang ở trước mắt.
Từ giới chuyên gia kinh tế và chính trị gia tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington (Mỹ) đến các chiến lược gia Phố Wall, tất cả mọi người dường như đang cân nhắc về tương lai, nơi mà hợp tác và thương mại toàn cầu có thể trông rất khác hiện tại.
Brexit
Ý kiến cho rằng Anh sẽ ưu tiên kiểm soát di cư, không phải quyền tiếp cận thị trường chung nhất châu Âu, trong quá trình đàm phán Brexit, hay rời khỏi EU, lan rộng trên thị trường thế giới. Trường hợp này được gọi là “hard Brexit”. Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho hay: “Chính phủ Anh ủng hộ mạnh mẽ thị trường mở, thị trường tự do, nền kinh tế mở và tự do thương mại. Song chúng tôi gặp một vấn đề, đó không chỉ là vấn đề của nước Anh, đó là vấn đề của thế giới phát triển: giữ cho người dân của chúng tôi tham gia và ủng hộ chủ nghĩa tư bản thị trường, mô hình kinh tế của chúng ta”.
Thương mại
Nhắc đến quan điểm chống thương mại dâng cao, giới phân tích từ ngân hàng Merrill Lynch thuộc Bank of America cảnh báo: “Nhiều sự biến đổi cho thấy các nước đang ngày càng ít sẵn lòng để hợp tác mà sẵn sàng để tranh đua”. Chi tiêu chính phủ thoải mái hơn tại các nước phát triển cùng với chủ nghĩa bảo hộ thương mại và tái phân phối tài sản toàn cầu có thể định hình lại chiến lược đầu tư thế giới, gây ra làn sóng lạm phát giữa cảnh cuộc chiến chống bất bình đẳng lờ mờ hiện ra.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew vừa nỗ lực thúc đẩy sự cởi mở. Trong cuộc phỏng vấn ở Washington hôm 6.10, ông cho hay cố gắng thúc đẩy thương mại kết hợp với phân phối công bằng hơn thành quả của tăng trưởng kinh tế là chìa khóa để nước Mỹ giàu mạnh. Quay lưng với toàn cầu hóa sẽ là cách làm phản tác dụng cho nỗ lực nâng cao thu nhập trung bình, ông Lew cho hay.
Donald Trump
Không nhắc đến tên nhưng ý kiến của ông Lew có vẻ liên quan đến ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump, người được cho rằng có thể đẩy Mỹ sâu hơn vào con đường giao thương cô lập nếu được bầu làm tổng thống vào tháng 11 tới.
Giới phân tích tại hãng Fathom Consulting (Anh) cho biết: “Sự xuất hiện của ông Donald Trump phản ánh tâm trạng bất mãn gia tăng về tình trạng nhập cư, toàn cầu hóa và tái phân bố của cải”. Kịch bản chính của họ cho rằng chính quyền của ông Trump có thể lành tính đối với kinh tế Mỹ. “Dù vậy, kịch bản xấu hơn gồm việc thương mại toàn cầu giảm mạnh và cuộc suy thoái trên thế giới lờ mờ hiện ra. Trong thế giới này, chủ nghĩa cô lập thắng không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới”, các nhà phân tích của Fathom Consulting viết.
Các chuyên gia tại Standard Chartered cũng đồng ý rằng rủi ro về nhiệm kỳ tổng thống Mỹ Donald Trump là đáng kể. “Rủi ro chính với chiến lược đàm phán khó nhằn hơn là các đối tác thương mại có thể hoảng sợ, đặc biệt trong trường hợp sự phối hợp toàn cầu tan biến. Hệ thống thương mại thế giới có thể rơi vào vòng xoáy của thuế quan thương mại và cuối cùng trượt vào cuộc chiến thương mại, có thể kèm theo chuyện phá giá ngoại hối. Đây là tình huống đem lại thiệt hại cho tất cả các bên”, chuyên gia Standard Chartered viết.
Thị trường cũng lo rằng chủ nghĩa dân túy có thể bén rễ dưới chính quyền của bà Hillary Clinton. “Chúng tôi tin rằng các nhu cầu cơ sở tự do của chính quyền Clinton có thể dẫn đến chính phủ liên bang quá rộng với các quan chức mạnh tay”, ngân hàng Barclays cho biết. Dù ai đắc cử vào tháng 11, chiến lược gia Steven Englander thuộc Citigroup cũng cảnh báo rằng giới đầu tư sẽ thất bại trong việc tránh rủi ro. Cuộc bầu cử Mỹ tương tự như bài kiểm tra căng thẳng cho thị trường thế giới.
“Theo góc nhìn của chúng tôi, biến động sẽ nóng lên trong thời gian tới vì cuộc bầu cử Mỹ, phản ứng tiềm năng của Trung Quốc trước việc nội tệ mạnh hơn và rủi ro chính trị tại Ý”, chiến lược gia tiền tệ Martin Enlund tại Nordea Markets cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.