Một số phụ nữ có 2 cơ quan sinh sản, mọi việc sẽ diễn ra thế nào?

Thiên Lan
Thiên Lan
19/11/2022 20:39 GMT+7

Một cô gái Úc làm nghề viết content, tên Evelyn Miller, đã tiết lộ rằng cô sinh ra đã có tử cung đôi - nghĩa là có 2 âm đạo và 2 tử cung, nhưng cô không hề biết cho đến năm 20 tuổi.

Nói về trải nghiệm của mình, cô kể: Tôi luôn biết có điều gì đó "không ổn" với mình.

"Băng vệ sinh không đủ để thấm hết máu mỗi kỳ kinh. Vì vậy, tôi biết điều gì đó đã xảy ra và không thể tìm ra điều gì.

Khi tôi bắt đầu quan hệ, lần nào tôi cũng cảm thấy khác”, cô kể lại.

“Khi mang thai, bởi thai kỳ có nguy cơ cao do cả tử cung chỉ nhỏ bằng một nửa, nên tôi đã phải siêu âm rất nhiều lần", cô nói.

"Tôi cảm thấy không thoải mái trong suốt thai kỳ - bụng tôi to về phía bên phải vì tôi mang thai ở tử cung bên phải, nghĩa là em bé không bao giờ ở vị trí chính giữa, vì vậy tôi rất đau lưng.

Tôi cũng không thể sinh thường nên phải sinh mổ. Tôi sinh con ở tuần thứ 37, bé khỏe mạnh, nhưng chỉ nặng 2,2 kg vì bé bị hạn chế tăng trưởng trong tử cung nhỏ”, cô kể lại, theo Cleveland Clinic.

Người bị tử cung đôi thường bị đau bụng dữ dội trước và trong kỳ kinh, chảy máu nhiều trong kỳ kinh

minh họa: Shutterstock

Một người phụ nữ khác đến từ Arizona (Mỹ), Leanne Bell, đã lên TikTok để tiết lộ cảm giác sống với 2 trong 1 thế nào.

"Tôi được sinh ra với các bộ phận cơ thể thừa, tôi được sinh ra với 2 âm đạo, 2 tử cung và 2 cổ tử cung. Cho đến năm 26 tuổi tôi mới phát hiện ra tình trạng của mình", cô kể.

Có nhiều phụ nữ khác đã lên tiếng và nói về tình trạng hiếm gặp nhưng có thể xảy ra này, được gọi là tử cung đôi.

Tử cung đôi là gì?

Tử cung đôi là tình trạng bẩm sinh hiếm gặp (trong 1.000 người có 3 người mắc phải) - khi một phụ nữ sinh ra đã có 2 tử cung.

Hai khoang tử cung hẹp hơn so với bình thường. Mỗi tử cung có ống dẫn trứng và buồng trứng riêng, theo Phòng khám Cleveland Clinic (Mỹ).

Một tử cung bắt đầu với 2 ống dẫn. Khi thai nhi phát triển, các ống dẫn này kết hợp với nhau để tạo thành tử cung.

Với tử cung đôi, 2 ống dẫn không nối với nhau. Thay vào đó, mỗi ống dẫn tạo ra tử cung riêng.

Một số người có tử cung đôi cũng có thể có 2 cổ tử cung và 2 ống âm đạo. Tử cung bình thường hình quả lê, tử cung đôi có hình dáng giống như quả chuối.

Tử cung đôi là tình trạng bẩm sinh hiếm gặp - khi một phụ nữ sinh ra đã có 2 tử cung

Shutterstock

Các triệu chứng của tử cung đôi là gì?

Hầu hết mọi người không biết mình bị tử cung đôi vì không có bất kỳ triệu chứng nào. Thay vào đó, nó được phát hiện khi kiểm tra vùng chậu định kỳ hoặc khi bị sảy thai nhiều lần hoặc đau bụng kinh dữ dội.

Các triệu chứng tử cung đôi có thể có bao gồm: đau khi quan hệ, đau bụng dữ dội trước và trong kỳ kinh, chảy máu nhiều trong kỳ kinh, rò rỉ máu khi sử dụng băng vệ sinh đặc biệt chỉ ở 1 bên, sẩy thai thường xuyên, sinh non, theo Cleveland Clinic.

Sống chung với 2 tử cung ra sao?

Hầu hết những người có tử cung đôi đều có cuộc sống khỏe mạnh và không có bất kỳ biến chứng đáng kể nào về sức khỏe. Những rủi ro sau đây có liên quan đến tử cung đôi:

  • Các biến chứng khi mang thai bao gồm sẩy thai và sinh non.
  • Tăng nguy cơ sinh mổ do em bé không ở đúng vị trí để sinh.
  • Chảy máu kinh nguyệt nặng.
  • Thận sai vị trí hoặc thiếu thận.

Chu kỳ kinh nguyệt sẽ ra sao?

Chu kỳ kinh nguyệt có thể bị ảnh hưởng như sau: Chảy máu rất nhiều hoặc bất thường trong kỳ kinh nguyệt, đau bụng dữ dội, đau tức cả vùng chậu, bao nhiêu băng vệ sinh cũng không đủ. Một số phụ nữ có 2 kỳ kinh mỗi tháng.

Mang thai thế nào?

Dù vẫn có thể có thai, nhưng dễ bị sẩy thai nhiều lần hoặc sinh non. Nguyên nhân là do tử cung nhỏ hơn, hạn chế sự phát triển của thai nhi. Hình dạng bất thường cũng có thể ảnh hưởng đến nhau thai và lưu lượng máu trong tử cung.

Nếu bị sẩy thai nhiều lần từ 4 tháng đến 8 tháng, có thể cần đi khám để phẫu thuật khắc phục.

Người có tử cung đôi có nhiều nguy cơ bị biến chứng khi mang thai hơn, bao gồm: Sẩy thai, chuyển dạ sớm, sinh con ngôi mông, phải sinh mổ, cân nặng trẻ sơ sinh thấp và hạn chế tăng trưởng, rách vách ngăn âm đạo khi sinh thường.

Có cách nào xử lý không?

Các chuyên gia khuyên không nên điều trị tử cung đôi trừ khi gặp phải các triệu chứng như thường xuyên sẩy thai giai đoạn muộn. Phẫu thuật hợp nhất tử cung có thể làm yếu tử cung còn lại. Nếu bị đau khi quan hệ, vách ngăn giữa 2 âm đạo có thể được phẫu thuật cắt bỏ, theo Cleveland Clinic.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.