Một số điều 'luẩn quẩn' trong dự thảo luật Giáo dục ĐH

22/12/2017 10:31 GMT+7

Dự thảo luật Giáo dục ĐH được công bố để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội có một số điểm mới đáng chú ý về nhấn mạnh quyền tự chủ trong việc xác định các nhiệm vụ, quản trị và tài chính, hội đồng trường...

Tuy nhiên, nếu nghiên cứu toàn văn bản dự thảo còn khá nhiều điều cần trao đổi khi đất nước và thế giới đang có nhiều thay đổi, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguyên tắc ghi trong dự thảo luật về quy hoạch mạng lưới rất đúng theo lý thuyết nhưng khái niệm này không phù hợp với quan điểm phát triển. Không có quốc gia nào trên thế giới có khái niệm quy hoạch mạng lưới như của ta. Quy hoạch mạng lưới của ta thường bị phá vỡ do quy hoạch sai hoặc tiếp cận sai. Ngày nay UNESCO khuyến cáo cách tiếp cận hoặc phát triển giáo dục mang tính tích hợp do bản thân giáo dục không phải là ngành độc lập mà liên quan chặt chẽ đến nhiều lĩnh vực khác. Vì thế nên thay đổi việc quy hoạch mạng lưới thành quy hoạch phát triển giáo dục quốc gia và trách nhiệm này nên giao cho Chính phủ phê duyệt.
Thế giới đang đứng trước những thay đổi như vũ bão về khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội bị ảnh hưởng và luật pháp liên quan đến giáo dục không thể không tính đến.
Công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi phương thức, công cụ giáo dục, tài liệu học tập, cách thức tổ chức dạy và học, biên giới truyền thống của các thiết chế giáo dục, lớp học truyền thống thay đổi. Đo lường đánh giá, công nhận trình độ văn bằng chứng chỉ của người học, chi phí giáo dục, quản trị nhà trường sẽ phải thay đổi và cần phải được điều chỉnh bằng luật. Để tránh việc luật không bắt kịp với tiến bộ hoặc sự lạm dụng công nghệ thái quá mà chưa có nghiên cứu, nên chăng quy định hẳn một chương về ứng dụng công nghệ trong giáo dục ĐH.
Toàn bộ dự thảo cho thấy một hai chỗ đề cập đến khung trình độ quốc gia mà lại không đúng vị trí. Những vấn đề mục tiêu đào tạo, việc công nhận quá trình học trước, việc cần thiết kiểm soát chất lượng văn bằng gắn với khung trình độ quốc gia hầu như không thể hiện. Nếu không sớm luật định việc này thì việc công nhận văn bằng chứng chỉ giữa các quốc gia và minh bạch hóa thông tin thị trường lao động qua khung trình độ quốc gia sẽ gặp khó khăn.
Đây là cơ hội rất lớn để xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản vì các trường ĐH được tự chủ như dự thảo và chúng ta đã có Nghị quyết số 19/NQ-TƯ của Hội nghị BCH T.Ư lần thứ 6 đòi hỏi phải tinh giản biên chế. Vì thế, không nên giữ lại cơ chế bộ chủ quản tồn tại từ nền kinh tế kế hoạch tập trung như trước kia vốn các trường đào tạo phục vụ nhân lực cho ngành mình.
Dân chủ trong nhà trường là vấn đề lớn. Nếu trong luật chỉ ghi mỗi câu thực hiện theo quy chế dân chủ ở cơ sở là chưa ổn do tính chất đặc thù của giáo dục. Hiện tượng vi phạm dân chủ vẫn diễn ra trong quan hệ giữa lãnh đạo với giảng viên, giữa giảng viên với sinh viên... Vì vậy phải quy định rất cụ thể, rõ hơn việc thực hiện cơ chế này.
Dự thảo có quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và mở ngành đào tạo. Ngày nay, ngành đào tạo ít được sử dụng trong giáo dục ĐH mà người ta thường dùng thuật ngữ chương trình. Khoa học ngày nay mang tính liên ngành và thay đổi theo sự tích hợp của các chương trình để có một chương trình mới. Nếu cứ mãi luẩn quẩn câu chuyện ngành và chuyên ngành sẽ mất đi sự năng động, tự chủ của nhà trường đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành đào tạo là một bước nhấn, nhưng sẽ rất loạn nếu các trường tự chủ mở ngành và xác định chỉ tiêu theo ngành dẫn đến phá vỡ quy hoạch, nguy cơ thất nghiệp do quy định trường có năng lực đến đâu đào tạo đến đó mà thiếu bàn tay điều tiết vĩ mô của nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.