Một quận ở TP.HCM thiếu 25 trường học

Thúy Hằng
Thúy Hằng
10/11/2023 07:14 GMT+7

Theo quy hoạch giáo dục trên địa bàn TP.HCM, Q.Tân Bình còn thiếu tới 4 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 10 trường THCS.

Trong bối cảnh thiếu trường lớp nói chung ở nhiều địa phương tại TP.HCM, sĩ số mỗi lớp học thường ngoài 40 học sinh (HS), có khi tới ngoài 50 HS/lớp, thì câu hỏi bao giờ xây mới thêm nhiều trường lớp luôn được quan tâm.

Dân số tăng cơ học, trường lớp không đủ

Chiều 8.11, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Văn Quang, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, cho biết toàn quận đang có 24 trường mầm non, 26 trường tiểu học và 13 trường THCS, trong đó chỉ 9 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. So với quy định, Q.Tân Bình cũng chưa đáp ứng tiêu chí 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học giai đoạn 2017 - 2025. Căn cứ quy hoạch giáo dục trên địa bàn thì Q.Tân Bình còn thiếu 4 trường mầm non, 11 trường tiểu học và 10 trường THCS (tổng là 25 trường).

Một quận ở TP.HCM thiếu 25 trường học - Ảnh 1.

Q.Tân Bình có tới 15 phường không đủ trường tiểu học công lập

ĐỘC LẬP

Trong khi đó, tại Quyết định số 4692/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ban hành ngày 13.10.2023 về công nhận danh sách địa bàn không đủ trường tiểu học công lập tại TP.HCM năm học 2023 - 2024, Q.Tân Bình có tới 15 phường (từ P.1 tới P.15) không đủ trường tiểu học công lập.

Đáng chú ý, tỷ lệ dân số độ tuổi cấp tiểu học/phòng học ở các phường của Q.Tân Bình đều ở mức rất cao. Ở P.2 (Q.Tân Bình), tỷ lệ được công bố trong quyết định của UBND TP.HCM là 112 HS/phòng học; ở P.10 là 99,1 HS/phòng học; ở P.6 là 49,4 HS/phòng học; ở P.3 là 98 HS/phòng học; ở P.9 là 84 HS/phòng học; ở P.13 là 79,8 HS/phòng học; ở P.14 là 77,2 HS/phòng học…

Đại diện Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình cho hay trong các năm qua dân số tăng cơ học trên địa bàn quận đều cao, nhất là địa bàn P.15, P.13, P.14 và những phường có nhiều chung cư. Đặc biệt, năm học 2023 - 2024 toàn quận tăng khoảng 1.000 HS vào lớp 6, nhưng thiếu trường lớp nên đã ảnh hưởng đến chỗ học của HS và việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Không chỉ vậy, theo Phòng GD-ĐT này, toàn quận hiện nay không có trường THCS nào là trường tiên tiến, hội nhập quốc tế. Ở bậc mầm non, duy nhất Trường mầm non 14 đang thực hiện trường tiên tiến, hội nhập quốc tế. Còn Trường tiểu học Đống Đa đang thực hiện trường tiên tiến, hội nhập quốc tế, nhưng so với Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT quy định thì trường này sẽ không đạt trường chuẩn quốc gia trong những năm sắp tới vì diện tích đất không đủ. Hiện nhà trường chỉ đạt diện tích bình quân 6,2 m2/HS. Nhưng theo quy định của Thông tư 13 thì bình quân phải là 10 m2/HS, ở trung tâm đô thị bình quân phải 8 m2/HS.

Xoay xở nhiều giải pháp

Dân số tăng cơ học mỗi năm, song thiếu nhiều trường lớp, những năm qua, các trường học ở Q.Tân Bình phải xoay xở nhiều giải pháp khác nhau.

Một quận ở TP.HCM thiếu 25 trường học - Ảnh 2.

Một quận ở TP.HCM thiếu 25 trường học - Ảnh 3.

Một quận ở TP.HCM thiếu 25 trường học - Ảnh 4.

Phối cảnh các trường học sắp xây dựng tại khu đất công trình công cộng P.6, Q.Tân Bình, TP.HCM

UBND Q.TÂN BÌNH CUNG CẤP

Để đảm bảo có đủ chỗ học cho các HS, nhất là đảm bảo HS tiểu học được học 2 buổi/ngày đáp ứng Chương trình GDPT 2018, UBND Q.Tân Bình chỉ đạo ngành giáo dục tăng sĩ số HS/lớp so với điều lệ trường học. Ở bậc tiểu học, sĩ số từ 35 - 44 HS/lớp; bậc THCS sĩ số từ 45 - 48 HS/lớp. Đồng thời, quận thực hiện tuyển sinh đầu cấp phân tuyến theo liên phường (căn cứ số trường lớp ở mỗi phường và cư trú của HS mà HS ở phường này có thể sẽ được bố trí học ở các phường khác cho đủ chỗ học).

Theo Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình Phan Văn Quang, trong tình huống không đủ phòng học thì phải tính toán ưu tiên. Ví dụ, nếu thiếu phòng học thì ưu tiên lớp 1, 2, 3, 4 (đang học Chương trình GDPT 2018) được học 2 buổi/ngày, lớp 5 thực hiện 1 buổi/ngày; lớp 6 thực hiện 1 buổi/ngày…

Song rõ ràng đây mới chỉ là những giải pháp tình thế. Để giải quyết gốc rễ vấn đề thiếu trường lớp, đảm bảo đủ chỗ học cho con em người dân trên địa bàn, đồng thời đảm bảo hiệu quả giáo dục, đặc biệt khi triển khai Chương trình GDPT 2018 giúp HS phát triển toàn diện, thì việc đầu tư xây dựng thêm các trường học theo quy hoạch đã được UBND TP phê duyệt trên địa bàn Q.Tân Bình là cần thiết và cấp bách.

Những trường học nào sắp được xây mới ở Q.Tân Bình?

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Văn Quang cho biết quận sắp triển khai xây dựng mới Trường mầm non quận, Trường tiểu học Phú Thọ Hòa (trên nền đất cũ); xây dựng Trường THCS Trần Thái Tông trên địa bàn P.15 và cụm 3 trường tại khu đất công trình công cộng của P.6, Q.Tân Bình. Cụm 3 trường học này gồm: Trường mầm non Sơn Ca (20 phòng học), Trường tiểu học Hùng Vương (30 phòng học), Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (45 phòng học).

Nói rõ hơn về cụm 3 trường học sắp được khởi công tại khu đất công trình công cộng ở P.6, ngày 8.11, đại diện lãnh đạo UBND Q.Tân Bình cho biết: "Trong điều kiện ngân sách TP còn hạn chế, chủ yếu ưu tiên tập trung bố trí vốn ngân sách cho các dự án trọng điểm như chỉnh trang và phát triển đô thị, chống ngập và các dự án trọng điểm khác, song lãnh đạo TP rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM đã ban hành các nghị quyết và bố trí vốn 1.156,939 tỉ đồng (trong đó chi phí hỗ trợ là 572,986 tỉ đồng và chi phí xây lắp là 583,953 tỉ đồng) để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật của dự án kết hợp chỉnh trang đô thị, xây dựng công viên cây xanh và 3 trường học. Những trường xây dựng mới đạt chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng P.6 phục vụ nhu cầu học tập của con em P.6 nói riêng và Q.Tân Bình nói chung".

Đáng chú ý, theo Q.Tân Bình, dự án đầu tư, xây dựng cùng lúc 3 trường học đạt chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng P.6 kết hợp chỉnh trang đô thị, mở rộng 2 tuyến đường giáp ranh dự án (đường Hưng Hóa và đường Chấn Hưng) không làm ảnh hưởng đến diện tích của nhà dân, giúp đường phố rộng rãi, khang trang hơn.

Theo lãnh đạo Q.Tân Bình, hiện thủ tục pháp lý để triển khai khởi công xây dựng các công trình tại khu đất công trình công cộng P.6 bằng vốn ngân sách TP đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Việc xây dựng cụm 3 trường học gồm mầm non, tiểu học, THCS tại P.6 theo chuẩn trường quốc gia, trường tiên tiến, hội nhập quốc tế, đảm bảo chỉ tiêu theo Quyết định số 07/2022/QĐ-UBND do UBND TP.HCM ban hành ngày 18.3.2022. Khi xây dựng xong cụm 3 trường này thì Q.Tân Bình sẽ đạt con số 294 phòng học/10.000 dân; tiến gần hơn tới chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân - chỉ tiêu quan trọng của TP.HCM.

"Trường lớp khang trang đảm bảo chỗ học cho HS, giúp thầy trò thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018", ông Phan Văn Quang mong mỏi.

TP.HCM đặt mục tiêu 4.500 phòng học mới

Mỗi năm TP.HCM tăng trung bình từ 20.000 - 40.000 HS, gia tăng thêm áp lực thiếu trường lớp ở các địa phương trong TP.

Ngày 5.9.2023, dự lễ khánh thành trường và khai giảng tại Trường tiểu học Rạch Già (H.Bình Chánh), trao đổi với lãnh đạo H.Bình Chánh, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP triển khai kế hoạch xây dựng 4.500 phòng học mới đến năm 2025, tiến tới mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Ngoài huy động ngân sách để thực hiện, TP cũng sẽ kêu gọi đầu tư xã hội hóa từ cộng đồng.

Riêng năm học 2023 - 2024, TP đưa vào sử dụng 48 trường học với 512 phòng học được xây mới. Nhiều trường học mới được đưa vào sử dụng ở Q.Phú Nhuận, TP.Thủ Đức, H.Bình Chánh, H.Hóc Môn, Q.6…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.