Một phần tư thế kỷ “ăn riêng”

28/12/2021 07:32 GMT+7

1997-2012: 25 năm kể từ ngày tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ được tách thành hai đơn vị hành chính riêng lẻ trực thuộc T.Ư, hai đơn vị kế hoạch theo cách quản lý của Việt Nam, tôi xin viết đôi dòng cảm nhận.

Từ khi Quảng Nam là một tỉnh đến nay, từ một tỉnh nghèo nông nghiệp, công nghiệp bằng “không”, nay thì Quảng Nam có Khu Kinh tế mở Chu Lai và Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc cùng cả chục khu, cụm công nghiệp ở khắp các huyện thị.

Hội An, Quảng Nam

ĐỘC LẬP

Công nghiệp Quảng Nam đến năm 2000 đã có những sản phẩm chủ lực như: ô tô Trường Hải, giày Rieker, gạch ceramic Đồng Tâm, bia Việt Nam có thể cạnh tranh trong nước và quốc tế. Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp và đứng vào hàng ngũ các tỉnh TP có nguồn thu hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm…

Hai di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn là đầu tàu của phát triển du lịch toàn khu vực và cả nước với bản sắc riêng biệt. Hằng năm thu hút hơn vài triệu du khách quốc tế, được bình chọn là các điểm đến hàng đầu châu Á…

Quảng Nam còn có cảng Kỳ Hà, sân bay Chu Lai và cả vùng đông các huyện: Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ đang trở thành các động lực phát triển từ khi cây cầu bắc qua hạ lưu sông Thu Bồn hoàn thành…

Nếu nhìn lại trước 1997, ở Đà Nẵng, trên bờ sông Bạch Đằng do TP.Đà Nẵng cũ quản lý. Dưới sông, ghe thuyền đi lại do tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng mà trực tiếp là Cảnh sát đường sông của tỉnh quản lý. Đà Nẵng cũ chỉ là một huyện thị của Quảng Nam - Đà Nẵng, người dân còn phải cuốc xới lề đường lên trồng rau để cải thiện bữa ăn. Nhà chồ ẩm thấp san sát dọc sông Hàn. Các khu “bông kia sên”, Hòa Cường Khuê Trung, Hòa Hiệp, Hòa Liên là các vùng nông nghiệp nghèo khó…

Chiếc phà chở người qua sông Hàn ngày xưa giờ đã được thay bằng 5 - 6 cây cầu lớn với tốc độ cao tốc, mở rộng không gian TP lên gấp 5 lần so với năm 1975.

Cũng vào năm 1997, giá một bát mì Quảng, một tô bún ở Đà Nẵng cũng chỉ độ 2 - 3.000 đồng… nay, Đà Nẵng là một đô thị đáng sống có bờ biển thuộc loại “đẹp nhất hành tinh”, là sân bay với năng lực đón khoảng 15 triệu khách, là các cảng Tiên Sa, Liên Chiểu đang phát triển. Tô mì, bát bún đã có giá gấp trên mười lần cách đây một phần tư thế kỷ.

Bỏ qua các tác hại nhất thời do dịch Covid đem tới, triển vọng cất cánh của cả hai địa phương - nếu so sánh với các nước trong cùng thời gian - là một tốc độ đáng kể. Một anh bạn nước ngoài từng nói với tôi, đó là “phi thường”, bởi chỉ qua 5 kỳ kế hoạch ngũ niên!

Tất nhiên, quá trình phát triển không thể tránh khỏi những hạt sạn, những vấp ngã do cung cách quản lý và phẩm chất nhân sự không phải lúc nào cũng chấp nhận được. Riêng Quảng Nam lại gánh thêm 5 huyện miền núi vốn lạc hậu về kinh tế lắm tai ương đã kéo lại tốc độ phát triển ngoài kỳ vọng. Nhưng nhìn vào toàn cục phát triển, thì đó là những tín hiệu và thành quả đáng mừng.

Sau một phần tư thế kỷ “ăn riêng” ấy, phát triển về văn hóa và kinh tế có lúc, có nơi là chưa tương xứng, nhưng điều đáng mừng là các nhà quản lý đã kịp điều chỉnh. Các di tích như: thành Điện Hải, Ngũ Hành Sơn, núi Sơn Chà (Đà Nẵng) đã và đang được sửa sai. Các sai phạm xây dựng và xâm hại ở khu sinh quyển Cù Lao Chàm, khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Quảng Nam) được ngăn chặn đúng lúc. Các hồ chứa thủy điện trên hệ thống Thu Bồn - Vu Gia đang được phối hợp điều tiết tốt dần lên giữa địa phương và các chủ dự án…

Tôi tin rằng, với các nỗ lực “số hóa” và bùng nổ thông tin hiện nay, “ăn riêng” tới đâu thì cũng được cái chung điều chỉnh. Hai địa phương mà tôi gắn bó là TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục là các mô hình kiểu mẫu!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.