Một ngày của Mẹ, vạn ngày của con

08/03/2018 13:32 GMT+7

Phòng 1012, Khoa Nội III, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng bỗng trở nên ấm áp khác hẳn ngày thường với những đóa hồng thắm khiến mọi người chợt nhận ra dịp 8.3...

Đóa hoa giấu kín
Đà Nẵng những ngày đầu tháng 3 nắng như đổ lửa, theo chân những thanh âm vui vẻ ở phía cuối dãy hành lang lầu 10 là căn phòng gồm 8 bệnh nhân và những người mẹ cùng con “chiến đấu” nhiều ngày qua.
Hầu hết các em ở đây đều mắc phải những căn bệnh ác tính: ung thư máu, ung thư hạch, hồng cầu, huyết tán... ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
Em Bùi Tiến Toàn (18 tuổi) là người lớn tuổi nhất phòng 1012. Chỉ biểu hiện ho sốt kéo dài khi đang là cậu học sinh lớp 11 ở trường H.Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông), mẹ dắt em xuống Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng để khám, nghĩ rằng bệnh tình đơn giản nhưng nào ngờ mọi thứ như sét đánh ngang tai với kết quả: ung thư máu. Phải trải qua những đợt truyền hóa chất và xạ trị nên tóc em đã rụng hết, đôi mắt hun sâu nhưng khuôn mặt em sáng ngời, đôi môi vẫn đỏ và nụ cười với chiếc răng khểnh vẫn tươi rói của chàng trai ở lứa tuổi đẹp nhất đời người.
Nhập viện từ tháng 2.2017, trải qua những ngày tháng khủng khiếp giữa ranh giới sống và chết, nhưng khi chúng tôi hỏi điều gì quý giá nhất trên đời với em lúc này, em nói rằng đó không phải là sức khỏe của em, mà là sức khỏe của mẹ.
“Em chỉ mong mẹ mãi khỏe mạnh, mẹ theo chăm em từng ấy thời gian, nhiều lúc em nghĩ 1 năm sống ở bệnh viện còn dài hơn cả 18 năm mẹ sinh ra em trên cuộc đời này. Mà sinh ra em, mẹ đã chịu bao vất vả, giờ em lại bệnh. Em chưa khi nào mang đến cho mẹ điều gì ý nghĩa, dù chỉ là niềm vui tinh thần nho nhỏ. Em cũng chưa bao giờ biết tặng mẹ một đóa hoa, nên ngày 8.3 em muốn dành cho mẹ niềm vui đặc biệt dù đang ở một nơi buồn nhất.”, Toàn nhẹ nhàng nói.
Hóa ra những thanh âm vui vẻ nói cười ở căn phòng là do sự tính toán, sắp đặt lên kế hoạch trước của em để cho mẹ bất ngờ. Cứ mỗi chiều, từ lầu 10 Toàn hay xuống tầng trệt hóng gió, và vô tình quen được người xe ôm hay đưa cơm vào bệnh viện, em đã âm thầm nhờ mua 6 đóa hồng với ý nghĩa: “Con yêu mẹ nhất trên đời!”
Trên giường bệnh, Toàn và mẹ rạng rỡ vui tươi bên bó hoa đỏ thắm nhân dịp 8.3

Mọi thứ như vỡ òa, khi mẹ Toàn, chị Lý Thị Diệu (45 tuổi) vừa đặt chân vào phòng, một bó hồng tươi thắm được con trao tặng, chị bỗng nở nụ cười tròn trịa trong căn phòng lâu nay dường như không có gì ngoài nước mắt. Toàn ngượng nghịu nói trước bao người: “Mẹ! Cảm ơn mẹ nhiều lắm, con thương mẹ!”. Cả phòng và ngay cả chúng tôi, chẳng ai nói ai rằng mà nước mắt cứ thế lăn nhẹ trên má.
Hương thơm hạnh phúc lan tỏa, những đóa hoa tặng mẹ của em khiến các bệnh nhi phòng 1012 cũng ao ước mình được như anh Toàn. Nằm ở giường bệnh số 1, em Nguyễn Tấn Thoại (9 tuổi, quê Bình Định) mắc cùng một lúc 2 bệnh ác tính: ung thư hạch và ung thư máu. Em luôn chăm chăm ánh mắt vào những đóa hoa như nghĩ xa xăm một điều gì. Hỏi ra mới biết Thoại cũng muốn có một “đóa hoa giấu kín” để tặng mẹ như anh Toàn. “Vì đau quá nên con cũng quên ngày 8.3 là ngày của các mẹ, các chị, nhìn anh Toàn tặng hoa, ước gì con cũng có hoa để tặng mẹ mình”, Thoại ngây ngô nói.
Ở góc cuối phòng, ánh nhìn của những bệnh nhi khác cũng khác hẳn ngày thường, Chỉ mới 5 tuổi, nhưng bé Nguyễn Phan Tuấn Vũ (Quảng Nam) cũng thắc mắc và nhớ lại theo cách rất trẻ thơ: “Khi con còn đi học, cô có cho vẽ bông hoa tặng mẹ, hoa con vẽ rất đẹp, tặng hoa là muốn nói thương mẹ nhiều đó mà”.
Được anh Toàn chia sẻ lại một đóa hoa, Thoại cũng thực hiện được ước mơ tặng hoa cho mẹ mình.
“Một ngày vui cũng đã đủ…”
Tầng 10 Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng hầu như là những bệnh nhi “cư trú” ít nhất nửa năm trở lên, đồng hành cùng con không ai khác là người mẹ. Dù trong vật vã những cơn đau nhưng các em vẫn nghĩ đến mẹ. Với họ, đó là một ngày vui như tiếp sức cho cuộc đua giành sự sống cho con.
Trường hợp mẹ bé Vũ, chị Nguyễn Thị Tiến (30 tuổi, H.Đại Lộc, Quảng Nam) đã hơn 7 tháng ngoài cùng con chống chọi bệnh tật. Ngày biết tin bé Vũ có mặt trên đời cũng là ngày người đàn ông nói lời chối từ, nhưng chị vẫn giữ em lại trên cuộc đời này. Những tưởng yêu thương sẽ trả lại yêu thương nhưng số phận cay đắng nghiệt ngã lại thử thách người đàn bà bất hạnh thêm lần nữa.

Tháng 8.2017, con chị bị ung thư máu. Tóc con rụng hết, nước mắt mẹ thì cạn khô nhưng nhìn cách hai mẹ con vui đùa, tìm niềm vui ở nơi buồn nhất, dường như chị chưa một lần bi quan. “Ngày hôm nay, chứng kiến cảnh con ngây ngô nói những lời yêu thương đó, tôi như quên rằng con mình đang bệnh, tôi như được bù đắp…”, chị vừa nói vừa quệt vội nước mắt.
Một cơn đau của căn bệnh ác tính đã đủ quật ngã đứa trẻ. Thế mà, lúc Thoại vừa có kết quả bị ung thư hạch, thì chỉ 1 tuần sau khi chọc tủy lại phát hiện thêm ung thư máu. Từ cậu bé 28kg giờ chỉ còn 19kg, sau những đợt vào thuốc, những đợt xa trị, chị Lê Thị Ánh Tuyết (40 tuổi) bất lực nhìn con mà trong lòng chưa bao giờ đau đến thế. Chỉ sợ những cuộc gọi đến thăm hỏi, chị tắt nguồn suốt mấy tháng liền. Đôi mắt đã trũng sâu, gương mặt hốc hác, thân hình tiều tụy, một mình chị vẫn ngày đêm “chiến đấu” từ tháng 8.2017. Chị chia sẻ: “Không biết cuộc sống ngoài kia ra sao nhưng con thể hiện tình cảm dịp này, biết thương mẹ. Với tôi, một ngày cũng đã đủ…”
Chị Tuyết chăm chút đóa hoa con tặng như một niềm vui nhỏ.
Với phần lớn bệnh nhân ung thư, truyền hóa chất là một cực hình, sức khỏe sa sút, tinh thần xuống, chỉ số bạch cầu và hồng cầu hạ chưa phục hồi thì đã đối mặt với đợt truyền tiếp theo. Mẹ Toàn nhìn con qua 13 lần xạ trị, 20 lần vô hóa chất, nhìn con nằm co ro với dây nhợ chằng chịt, đầu óc lởn vởn mùi kháng sinh và kim tiêm, gân xanh nổi lên dưới lớp da mỏng, tim gan chị như chết lặng.
Và có một ngày như hôm nay, cậu con trai 18 tuổi tạm dừng những ước mơ những hoài bão với mái tóc xanh chỉ nghĩ duy nhất một điều về mẹ. Chị nói: “Biết con không nói nhưng rất đau và thương mẹ, thì những ngày qua với tôi luôn xứng đáng, một ngày cũng đủ ấm lòng. Việc bây giờ của mẹ con tôi là tiếp tục chiến đấu.”
Một ngày vui từ những đóa hoa, khiến những đứa trẻ mạnh mẽ hơn, và những người mẹ cũng vượt trên nỗi sợ hãi…Tin rằng “điều kỳ diệu” sẽ đến cho những người mẹ nghị lực.
Anh Lê Hữu Long, Điều dưỡng trưởng khoa Nội III cho biết, số bệnh nhi đến điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng nhiều hơn so với những năm trước. Số bệnh nhi Đà Nẵng không nhiều, chủ yếu là trẻ đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một số tỉnh Tây Nguyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.