Một hội viên phụ nữ đặc biệt

02/05/2023 07:30 GMT+7

Tháng 3.2023 vừa qua, ông Mike Poehm lại bay sang VN, bất chấp cái tuổi cận kề 80 của mình, để có mặt đúng vào dịp tưởng niệm lần thứ 55 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai (16.3.1968 - 16.3.2023).

Dịp này, Hội phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi cũng tổng kết 30 năm hoạt động của Tổ chức Madison Quakers, Inc (MQI) mà Mike Poehm là người bắc nhịp cầu đầu tiên giữa tổ chức thiện nguyện này với những người phụ nữ nghèo Quảng Ngãi.

Một hội viên phụ nữ đặc biệt - Ảnh 1.

Ông Mike với trẻ em Sơn Mỹ

Trần Đăng

Hôm đó, ông Mike nhận bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ngãi vì đã có công giúp nhiều phụ nữ thoát nghèo bằng chính những đồng tiền do ông trực tiếp quyên góp từ bạn bè và những cựu binh từng là đồng đội của ông suốt 30 năm qua.

Tình cờ với Sơn Mỹ

Mike kể, ông đến Củ Chi cùng Sư đoàn 25 pháo binh Mỹ trước khi xảy ra cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 đúng một tuần. Chưa kịp làm quen với cảnh vật nơi này cùng múi giờ cách nhau 12 tiếng giữa Mỹ và VN, chàng thanh niên 21 tuổi ngày ấy đã choáng váng trước cảnh bom rơi đạn nổ, cảnh chết chóc tang thương. Ông nhớ lại thời điểm ấy như một ám ảnh không thoát ra được: "Những quầng lửa khổng lồ kèm theo nhiều tiếng nổ đinh tai nhức óc như muốn trùm lên tôi và những đồng đội lần đầu tiên xáp mặt với bom đạn. Cái "thế giới tự do" mà tôi được người ta tuyên truyền cần phải đi bảo vệ, bỗng chốc tan tành khi tôi nhìn thấy xác những đứa trẻ vô tội dọc đường. Tôi bắt đầu có suy nghĩ khác về cuộc chiến mà mình đang tham gia này".

Ông nhận tấm thẻ mà Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trao với một tâm thế khó tin. Mike vui đến không nói thành lời dù tấm thẻ ấy chả mang lại cho người được trao chút lợi lộc vật chất nào. Vì đàn ông mà lại là hội viên phụ nữ, lại là người nước ngoài nữa nên ông trở thành hội viên đặc biệt của hội chúng tôi mấy chục năm qua...

Bà Phạm Thị Thu Trang, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi

Tôi hỏi Mike: "Suốt trong thời gian tại ngũ, ông chỉ có mặt vùng ngoại ô Sài Gòn và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tại sao ông lại gắn bó với Sơn Mỹ suốt 30 năm qua?". Ông nói rằng, như một sự tình cờ của số phận, ông ghé Sơn Mỹ cùng với vài người bạn Mỹ trong một chuyến xuyên Việt vào năm 1992, lập tức làng quê ấy ám ảnh ông. Gần 20 năm sau ngày chấm dứt chiến tranh, nhưng những vết sẹo của quá khứ vẫn hiển lộ trên mỗi khoảnh ruộng, mỗi góc vườn của người dân nơi này. Đặc biệt, những bức ảnh ghê rợn của phóng viên Ronald Haeberle chụp vụ thảm sát Mỹ Lai đang trưng bày tại Bảo tàng Sơn Mỹ "như có sức nặng thôi miên" đã nhập vào ông trên suốt đường trở về Mỹ. "Mình cần phải có một nghĩa cử nào đó cụ thể để giúp những người phụ nữ nghèo khó và lũ trẻ con nheo nhóc của làng quê này, chứ nếu chỉ xót thương không thôi chưa đủ", Mike tự dặn lòng như thế.

Một hội viên phụ nữ đặc biệt - Ảnh 3.

Ông Mike trong lần kiểm tra một gia đình phụ nữ nuôi heo từ tiền hỗ trợ của Tổ chức Madison Quakers, Inc

Trần Đăng

Đúng một năm sau, ông trở lại Sơn Mỹ, mang theo kế hoạch giúp chị em phụ nữ nghèo ở đây có một số vốn cần thiết để thoát nghèo. Và rồi, làng quê ấy, rồi cả tỉnh Quảng Ngãi đã hút lấy ông suốt ba mươi năm qua.

ng Mỹ tốt bụng"

Năm 1993, Mike trở lại Sơn Mỹ và mang theo 3.000 USD mà ông quyên góp được từ những người bạn ở quê nhà. Cái khó của ông lúc bấy giờ là làm sao trao hết số tiền ấy đúng địa chỉ, tức đúng những phụ nữ nghèo. Mà ở xã Tịnh Khê (tức Sơn Mỹ) lúc ấy, ai cũng nghèo cả! Làm sao có thể dát mỏng lòng tốt ấy ra cho tất cả những người phụ nữ nghèo ở đây, để ai cũng được nhận sự giúp đỡ? Mike từng tự hỏi như thế. Cuối cùng ông nhờ vào Hội Phụ nữ xã. Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tịnh Khê lúc bấy giờ, nhớ lại: "Tôi phải triển khai "tinh thần" ấy xuống từng tổ phụ nữ để họ "bình bầu" ai là người xứng đáng nhất. Chỉ cần nuôi vài ba con heo con, rau cám tự túc là có thể tạo được chút vốn kha khá sau khi lứa heo ấy xuất chuồng. Cũng có chị chỉ cần một ít vốn nho nhỏ đủ mua vài ba tạ cá cơm về làm nước mắm bán, hoặc mua một con bê con chăn dắt quanh vườn là có thể giải quyết câu chuyện thất nghiệp ở quê rồi".

Đối với các chị phụ nữ ở xã Tịnh Khê, chỉ cần một danh sách "tin tưởng" do cơ sở bình bầu là sẽ được giải ngân ngay. Người mua heo, kẻ mua thùng đựng cá cơm muối mắm, lại có chị dùng số tiền ấy để buôn bán nhỏ ở chợ..., tất cả đều được nhận số vốn cần thiết một cách nhanh chóng. Hôm đi nhận tiền, ai cũng ngỡ ngàng vì người trao tiền cho các chị lại là một... ông Mỹ! Hơn 20 năm trước, chính những người lính Mỹ đã gây thảm họa cho phụ nữ Sơn Mỹ; 25 năm sau, một cựu binh Mỹ đã giúp đỡ họ bằng tất cả sự chân tình của mình. "Ông Mỹ tốt bụng quá!". Gặp chị em phụ nữ ở Sơn Mỹ, ai cũng nói câu này.

Hội viên đặc biệt

Không chỉ dừng lại ở Sơn Mỹ, Mike và những đồng sự của ông đã triển khai dự án giúp phụ nữ nghèo, những nạn nhân chất độc da cam, các em học sinh ở vùng khó khăn ở nhiều vùng quê khác trong toàn tỉnh Quảng Ngãi. Suốt 30 năm qua, hàng trăm lượt phụ nữ nghèo đã nhận những đồng tiền tình nghĩa từ Mike và tổ chức Madison Quakers, Inc. Có người giờ đã thật sự thoát nghèo. Những đồng tiền hỗ trợ từ ông Mike đã góp phần không nhỏ trong việc "tiếp sức" để họ vượt qua giai đoạn thắt ngặt nhất. Có lẽ nhờ "công lao" này mà Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi đã trao cho ông Mike tấm thẻ hội viên danh dự - tấm thẻ duy nhất dành cho một người đàn ông ngoại quốc. Bà Phạm Thị Thu Trang, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi, kể lại phút giây mà ông Mike nhận tấm thẻ ấy: "Ông nhận tấm thẻ mà Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trao với một tâm thế khó tin. Mike vui đến không nói thành lời dù tấm thẻ ấy chả mang lại cho người được trao chút lợi lộc vật chất nào. Vì đàn ông mà lại là hội viên phụ nữ, lại là người nước ngoài nữa nên ông trở thành hội viên đặc biệt của hội chúng tôi mấy chục năm qua".

Suốt 30 năm qua, cứ đến dịp kỷ niệm thảm sát Sơn Mỹ, Mike Poehm lại có mặt cùng cây đàn vĩ cầm. Bản nhạc quen thuộc "Ashokan farewell" (Vĩnh biệt Ashokan) lại vang lên ngay dưới chân tượng đài Sơn Mỹ. Bản nhạc nói về nỗi lòng của người phụ nữ chờ chồng trong cuộc nội chiến ở nước Mỹ. Nó cũng chẳng khác nào sự đợi chờ của những người vợ, người mẹ Sơn Mỹ chờ đợi chồng, con mình trong những năm chiến tranh.

Ba mươi năm qua, Mike luôn đi về trong lặng lẽ vì ông vẫn sống một mình ở bang Wisconsin của nước Mỹ xa xôi. Nhưng ông luôn có niềm vui mỗi khi nghĩ về những người phụ nữ nghèo khó ở Sơn Mỹ từng được ông giúp đỡ để họ thoát khỏi giai đoạn thắt ngặt nhất của đời mình.

Bởi vì ông là hội viên đặc biệt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.