Một hành trình - những phận người…

12/11/2022 16:14 GMT+7

Đằng sau những bức ảnh lấp lánh trên Facebook, những đồng tiền hào phóng gửi về quê nhà là nỗi lòng của kẻ tha hương khi bệnh tật, khi cô đơn, khi bị bạo hành, khi đứng trước những “ngã ba sông” và những dằn vặt khôn nguôi từ những giấc mơ phải dang dở…được tác giả mô tả chân thực trong Hành trình tử thần - ghi chép từ nước Anh .

Giải mã “hộp đen”

Là sự kiện tiếp nối sự kiện, theo dòng chảy thời gian. Khởi đầu từ một cuộc điều tra liên quốc gia, xuyên biên giới về tấn thảm kịch ngày 23.10.2019, khi cả thế giới rúng động lúc phát hiện thi thể 39 người Việt (29 đàn ông, 8 phụ nữ và 2 thiếu niên 15 tuổi) dồn chứa trong một container tại Khu công nghiệp Waterglade (Hạt Essex). Và khép lại với những thông tin về sự kiện tiếp tục làm chấn động nước Anh hôm 7.5.2022, khi một xưởng gỗ ở khu nhà Bismark House Mill tại Oldham, Manchester bị cháy với bốn người Việt mất tích mà “mọi hướng điều tra đều dẫn đến nạn buôn người”.

Cuốn sách được tác giả ấp ủ tâm huyết và thực hiện công phu trong vòng 12 năm, với bốn lần đến nước Anh, và nhiều “chuyến đi tìm về” trên đất Việt

D.T

Tái hiện, phục dựng một cách chi tiết, cụ thể, sách trình ra những bằng chứng xác đáng về con đường thống khổ, có lúc hiểm nguy, có lúc tủi nhục mà mỗi nạn nhân đã phải mạo hiểm trải qua trong những tháng ngày mong tìm sự đổi đời nhưng gắn chặt với những đánh đổi không gì bù đắp được bằng tiền bạc, sức khỏe, hạnh phúc, với nước mắt, với máu và cả tính mạng của chính mình: từ những móc nối ban đầu tại làng quê; những chuyến đi sang một nước trung chuyển; rồi những bãi đáp tại khu rừng nước Pháp hay căn hộ nước Bỉ; cho đến chuyến vượt biển cùng thần chết bằng xuồng hơi hay bằng container để đến với nước Anh…

Là gặp gỡ tiếp nối gặp gỡ, dần theo chiều không gian. Đó là không gian giao tiếp nơi sân bay, cửa tiệm, quán ăn, viện dưỡng lão, ngoài đường phố đến bữa tiệc nướng ngoài sân vườn… Đó là “không gian sống” của từng nhân vật nơi gian bếp, phòng trọ, sạp hàng, hay khoảnh khắc trước bàn thờ, bên di vật người thân… Đó là “không gian lòng người” trong cuộc sống của đồng bào ta qua những cái tên và những phận người nơi đất khách!

Như một bức tranh cận cảnh, sách đặc tả sống động, đầy cảm xúc, gây bất ngờ và không gì chân thực hơn về thực tế những gì đang diễn ra đằng sau những bức ảnh lấp lánh trên Facebook, những đồng tiền hào phóng gửi về quê nhà và những lời chào mời hấp dẫn cất lên từ “thiên đường”: chuyện học nghề nail, học nghề bếp, chuyện rửa chén, chuyện “bóc đồ” trong nhà hàng, chuyện ăn cắp điện và “nghề” trồng cần sa… Cùng là nỗi lòng của kẻ tha hương khi bệnh tật, khi cô đơn, khi bị bạo hành, khi đứng trước những “ngã ba sông” và những dằn vặt khôn nguôi từ những giấc mơ phải dang dở… Đồng thời, còn là những ấm áp của tình đồng bào, nghĩa cưu mang và tiếng gọi thiêng liêng nơi nguồn cội!

Là chuyện kể nối tiếp chuyện kể, trong khung cảnh thời cuộc. Với đau thương, nợ nần, ly tán, đổ vỡ… còn in dấu và có thể sờ chạm được trên gương mặt người thân và trong mỗi mái nhà của những nạn nhân trực tiếp/gián tiếp đã được gọi ra trong đây vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự với những giải pháp, những bài toán cần tiếp tục giải quyết trong sự phối hợp cùng nhau chứ không phải là lẩn tránh, đổ lỗi hay trút bỏ trách nhiệm.

Như một tài liệu xã hội học đáng tin cậy, đáng tham khảo, sách cung cấp nhiều trường hợp điển cứu (case study) cho các nhà nghiên cứu, những người làm khoa học, và cả những ai thực sự quan tâm đến một trong những vấn đề toàn cầu ngày nay - di cư và hội nhập! Không chừa một quốc gia nào, cuộc chiến chống lại nạn buôn người, kiểm soát dòng chảy di cư và lao động nhập cư bất hợp pháp tại các nước phát triển, nỗ lực phát triển cộng đồng và công cuộc bảo vệ những người yếu thế trong xã hội của các nước đang phát triển… vẫn đang tiếp diễn nóng bỏng trong “thế giới phẳng” của thời đại mới.

Chân thực, lôi cuốn và gây xúc động

Những ai đã từng biết đến nhà báo Đào Duy Bình như một cây bút thể thao, có thể sẽ bất ngờ và ngạc nhiên khi đến với những gì anh thể hiện trong tập sách này - có ghi chép có tường thuật, có phóng sự có điều tra, có trao đổi có phỏng vấn, và có cả những trao gửi sâu kín khi người viết cố gắng kìm nén trước hiện thực vốn tàn nhẫn, khốc liệt và bi thương…

Nhà báo Đào Duy Bình

D.T

Ấp ủ tâm huyết và thực hiện công phu trong vòng 12 năm, với bốn lần đến nước Anh, và nhiều “chuyến đi tìm về” trên đất Việt, tác giả đã gặp, đã nghe, đã nhìn ngắm, đã thu giữ mọi điều mắt thấy tai nghe; đã gọi, đã hỏi, đã thưa chuyện, đã khắc ghi mọi lời tận gan tận ruột của những người trong cuộc cùng những người có trách nhiệm của nhiều cơ quan, nhiều tổ chức, từ nhiều phía, nhiều bên; đã xem, đã dịch, đã xử lý, đã đối chiếu nhiều nguồn thông tin từ truyền thông báo chí đến những phát ngôn chính thức từ nước ngoài…

Để mang đến cho chúng ta những trang sách chân thực, lôi cuốn và gây xúc động, bằng một bố cục dựa trên những chuyến đi.

Nhưng, hơn cả những chuyến đi, đây là những câu chuyện ngồn ngộn chất liệu của đời, của người, mà cũng là những sẻ chia, những cảm thông, những cảnh báo, những góc nhìn và cả những câu hỏi chưa có lời đáp về một hành trình có hay không nên có trên con đường mưu cầu hạnh phúc chính đáng của mỗi người chúng ta.

Hành trình tử thần – Ghi chép từ nước Anh (NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh, 11.2022) là hồ sơ về một con đường, có gương mặt của thần chết nhưng lại là kỳ vọng chưa dứt của những phận người…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.