Một giai thoại trong chuyện bói Kiều của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học về việc tết năm Canh Ngọ

06/01/2020 09:24 GMT+7

Tuyển tập Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa tập hợp gần 50 bài viết đặc sắc từ các giai phẩm xuân xuất bản tại Sài Gòn từ thập niên 1950 đến giữa thập niên 1970, được tác giả Phạm Công Luận tuyển chọn và giới thiệu, Công ty văn hóa Phương Nam và NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM ấn hành 2020. Thanh Niên trích đăng một số bài hay trong tuyển tập này.

Trải mười sáu năm trời phiêu bạt, mỗi lần nghe tiếng pháo giao thừa nổ, tôi lại bồi hồi nhớ tới cảnh đêm ba mươi tết năm Kỷ Tỵ tại nhà một đồng chí ở làng Hùng Thắng, thuộc tỉnh Hải Dương.
Năm ấy, tất cả các đồng chí trốn tránh lưới bẫy của Pháp sau những ngày bôn tẩu, gian lao, đều tạm dừng chân họp mặt nơi đây, không phải để mượn chén rượu tẩy trần, mà để có cơ hội trù liệu những kế hoạch ngày mai.
Muốn đỡ gánh nặng cho một gia chủ phải vất vả và phí tổn về việc tiếp đãi, chúng tôi chia ra làm hai bọn, ở hai làng giáp nhau là Mỹ Xá và Hùng Thắng.
Tôi ở nhà một đồng chí bên Hùng Thắng với anh Học, anh Chánh Kinh, anh Tốn, chị Giang và anh Ký Con (Đoàn Trần Nghiệp).
Dẫu là tên lính hăng hái chiến đấu cho Tổ quốc, hôm ấy đứng trước cảnh vui vẻ và đầm ấm của nhà bạn dưới bàn thờ khói hương nghi ngút, chúng tôi thốt nhiên thấy tình tư gia động khởi ở trong lòng. Buổi tối tụ họp với nhau trong ổ rơm, chúng tôi không ai bảo ai mà cùng nói: “Chắc hẳn lúc này ở nhà cha mẹ anh em đương nhắc tới ta đây”.
Để dập tắt mối tình tư gia đương vương vít, sẵn cỗ tam cúc trên án chúng tôi liền chia đánh.
Gian cạnh, nồi bánh chưng của nhà bạn đang sôi sình sịch, và mấy mẹ con bà chủ luôn luôn làm việc.
Đêm mỗi khắc mỗi khuya và càng khuya càng lạnh. Chúng tôi chia nhau đi nghỉ, nhưng vừa say giấc một lúc thì đã bị tiếng pháo giao thừa ở ngoài đình và mấy nhà lân cận đánh thức. Anh Học và tôi vùng ngồi dậy, trùm chăn pha nước uống. Để thưởng thức trà, tôi với tay lên án lấy quyển Truyện Kiều định tìm ngâm vài câu tuyệt bút gợi nguồn cảm hứng của thi nhân. Anh Học vội nói: May quá, chúng ta bói một quẻ đầu năm.
Tôi phá lên cười: Có đâu cách mệnh mà cũng tin nhảm hử anh?
Anh Lương Ngọc Tốn đương ngủ thấy chúng tôi cười to tung chăn dậy hỏi:
- Các anh làm gì mà ồn ào thế?
- Anh Cai (trỏ anh Học) đã bói Kiều.
Liền đó anh Ký Con cũng trở dậy và chị Giang cũng vừa ở trong buồng ra. Chúng tôi xúm xít quanh ngọn đèn dầu.
Anh Học bói đầu tiên. Anh ngồi xếp bằng trước ngọn đèn đặt ra mé phản cạnh ổ, hai tay ấp lấy quyển truyện giơ kính cẩn lên ngang mặt như bà vãi lúc mới chấp tay lễ Phật, miệng anh lẩm nhẩm khấn: “Hải Dương tỉnh, Nam Sách huyện, Hùng Thắng xã, duy...”.
Anh Học lại lẩm nhẩm khấn: “Hải Dương tỉnh, Nam Sách huyện, Hùng Thắng xã, Canh Ngọ niên, chính nguyện sơ nhất nhật. Tôi là Nguyễn Thái Học quê ở Thổ Tang, phủ Vĩnh Tường, Vĩnh Yên. Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy Vương Thúy Kiều, lạy chàng Kim Trọng, lạy chư vị...”.
Anh Lương Ngọc Tốn tủm tỉm, vội ngắt:
- Đừng lạy chư vị lầu xanh nhé!
Mọi người phá lên cười. Anh Học quay sang chúng tôi: “Xin các anh cho tôi khấn nốt”. Rồi anh tiếp: “Lạy chư vị trong truyện cho tôi xin một quẻ bói lấy bốn câu về trang tả, có lành ứng lành, có dữ ứng dữ”.
Khấn xong, hai tay anh mở quyển truyện giơ ra ánh đèn, bốn năm đầu xúm lại coi. Anh Học đọc to:
Thân ta, ta phải lo âu
Miệng hùm, nọc rắn ở đâu chốn này
Liệu đường cao chạy, xa bay
Ái ân ta có ngần này mà thôi.
Anh vừa nói dứt lời, anh Tốn hoảng hốt vơ quần áo ôm chăn đứng dậy. Mọi người ngơ ngác nhìn hỏi:
- Anh ôm đi đâu?
- Chạy đây, chạy đây, không thì nguy to đến nơi. Quẻ bói đã bảo rằng: liệu đường cao chạy xa bay. Không thì hùm nó đang hả mồm, rắn nó sắp cắn mất rồi!
Anh Ký Con phải kéo anh Tốn mới chịu ngồi xuống. Bọn chúng tôi lại ngồi bàn tán quẻ bói, tuy rằng chẳng ai tin mà cũng có cái gì thắc mắc.
Đến lượt tôi, sau khi khấn xong, mở quyển Kiều ra với bốn câu trang hữu.
Từ con lưu lạc quên người
Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm.
Tính rằng sóng nước cát lầm
Kiếp này, ai lại còn cầm gặp đây
Hai quẻ bói cùng một điềm gở, khiến mọi người chúng tôi đâm chán, bảo nhau:
- Hơi đâu chuốc những mê tín nhảm.
Rồi một người nhặt quyển Kiều ném lên chồng sách trên bàn.
Sau tết, tôi đi công tác ở một tỉnh xa, rồi bị bắt.
Lúc bị giải đến Hà Nội, tôi đọc báo mới biết anh Học ở Hùng Thắng được mươi hôm thấy động mới cùng vài đồng chí chạy qua Phả Lại, rồi khi tới đồn điền Cổ Vịt thì mắc nạn.
Tháng sáu năm ấy, anh Học phải lên máy chém ở Yên Bái để đền nợ nước. Anh Tốn, anh Ký Con cũng bị tử hình. Còn tôi thì sau phải xuống tàu để bước chân vào cảnh đi đày.
Hôm nay, thêm một lần hoa nở nữa nhưng những đồng chí xưa cùng bói Kiều mua vui trong cảnh trốn tránh còn lại có mình tôi, thương thay và bùi ngùi thay! Nhưng lúc này tôi quyết tranh đấu cho nước và cho đảng, xin thắp hương cầu nguyện linh hồn các tiên liệt đồng chí phù hộ cho Tổ quốc thoát được ngoại xâm và cho tôi đủ sức bền gan tranh đấu cho giang san và bản đảng, để tương lai của Tổ quốc và của đảng được hớn hở thắm tươi như bó hoa xuân trên án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.