Một cách dạy học giúp học sinh thành công lâu dài

03/09/2023 10:45 GMT+7

Vượt khó, dạy học linh hoạt, sáng tạo và tự học của thầy và trò là những yếu tố giúp nhiều thế hệ học sinh của ngôi trường có tuổi đời 50 năm đạt thành công lâu dài.

Trường trung học đệ nhị cấp đầu tiên của vùng giải phóng

Năm 1973, sau Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam, Quảng Trị trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong bối cảnh mới giải phóng, chính quyền, người dân gặp muôn vàn khó khăn nhưng tỉnh vẫn chú trọng đến phát triển giáo dục. Hệ thống trường học mới ra đời, với 15 trường tiểu học, 3 trường bổ túc, 4 trường trung học đệ nhất cấp và 1 trường sư phạm. Do yêu cầu đào tạo người lao động có trình độ tú tài trở lên, chuẩn bị nguồn nhân lực cho tái thiết quê hương, Trường trung học đệ nhị cấp Quảng Trị được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch UBND Cách mạng tỉnh Quảng Trị, ngày 17.9.1973. Đây là Trường trung học đệ nhị cấp đầu tiên của vùng giải phóng miền Nam.

Một cách dạy học giúp học sinh thành công lâu dài - Ảnh 1.

Trường THPT Đông Hà ngày nay

WEBSITE NHÀ TRƯỜNG

Khai giảng trong thiếu thốn

Quảng Trị hoang tàn, đổ nát do chiến tranh, trong bối cảnh đó, Trường trung học đệ nhị cấp Quảng Trị gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn: chưa có trường sở, chưa có học sinh (HS), giáo viên (GV) chưa đủ, và khó nhất là chương trình giáo dục chưa được định hình.

Đội ngũ nhà giáo ngày đầu chỉ có 7 người, gồm thầy Hiệu trưởng Lê Quang Vãn, các thầy Lê Ngọc Minh, Lê Trọng Lư, Nguyễn Xuân Lạn, Nguyễn Quang Khả, Nguyễn Phúc Liêm và cô giáo Phan Thị Lương; sau đó được bổ sung thêm thầy Lê Đình Chương, Nguyễn Khắc Hiếu. Thầy cô làm việc không kể ngày đêm, với tinh thần "Chúng ta phải trả món nợ với quê hương", như lời động viên của thầy hiệu trưởng.

Được sự đồng ý của chính quyền các cấp, chiều 11.11.1973, nhà trường long trọng tổ chức lễ khai giảng khóa đầu tiên, trong niềm vui khôn xiết của thầy trò và nhân dân.

Một cách dạy học giúp học sinh thành công lâu dài - Ảnh 2.

Lễ khai giảng ngày 11.11.1973 của Trường trung học đệ nhị cấp Quảng Trị

ẢNH TƯ LIỆU

Vượt lên gian khó với những bước đi đáng tự hào

Vượt lên sự hủy diệt của chiến tranh, thầy và trò vừa học, vừa lao động xây dựng trường. Đến năm 1974, ngôi trường mới được dựng lên, với 7 phòng học bằng tranh tre,

Tháng 9.1975, ngôi trường mới do nhân dân lao động tỉnh Bôlônha (Italia) viện trợ, với 6 dãy nhà tôn và 1 hội trường được xây dựng trên đồi cao, còn ngổn ngang kẽm gai, lô cốt và hố bom. Trường trung học đệ nhị cấp Quảng Trị giai đoạn 1973 – 1975 là biểu tượng của sức sống mới của chính quyền Cách mạng.

Giai đoạn 1976 - 1989, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên được sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên. Trường mang tên Cấp ba Đông Hà và trở thành trường trọng điểm của tỉnh. Kết quả tốt nghiệp THPT hằng năm của trường đạt gần 100%, trong đó có lớp thi đỗ đại học 100%, có 2 HS đạt giải quốc gia môn văn.

Từ 1989 đến nay, Trường đổi tên thành Trường THPT Đông Hà.

50 năm qua, Trường THPT Đông Hà đã đào tạo hơn 23.000 HS. Trường đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba (2003), hạng nhì (2008), hạng nhất (2013) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Dạy học linh hoạt, sáng tạo, trường duy nhất có hai hệ giáo dục

Để nâng cao chất lượng giáo dục, không chỉ dựa vào thi đua dạy tốt, học tốt mà nhà trường luôn xây dựng kế hoạch dạy học sáng tạo, HS có nhiều lựa chọn.

Giai đoạn 1974 – 1977, Cấp ba Đông Hà là trường duy nhất trong cả nước có 2 hệ giáo dục: hệ 12 năm phân ban, gồm 3 ban: ban A (văn, sử, địa), ban C (toán, lý) và ban D (hóa, sinh) và hệ 10 năm theo giáo dục miền Bắc, với 2 bộ sách giáo khoa khác nhau.

Giai đoạn 1989 – 1994, trường nhận thêm nhiệm vụ mở hệ chuyên (toán, văn, lý, tiếng Anh) để đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi, xây dựng đội ngũ, tạo tiền đề cho sự ra đời Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn năm 1994.

Một cách dạy học giúp học sinh thành công lâu dài - Ảnh 3.

Nhiều thế hệ học sinh của Trường THPT Đông Hà thành công trong cuộc sống

WEBSITE NHÀ TRƯỜNG


Tự học của thầy và trò giúp học sinh thành công lâu dài

Giai đoạn 1973 – 1982, đội ngũ GV của trường chủ lực ở miền Bắc chi viện, khi về trường giảng dạy chương trình hệ 12 năm, cao hơn nhiều so với chương trình hệ 10 năm. Đây là điều rất khó với thầy cô, vì không được tập huấn, thiếu tài liệu, nhất là đối với các môn toán, lý, hóa, sinh, tiếng Anh. Nhưng bằng sự tận tâm với nghề, thầy cô tự học, tự nghiên cứu, cùng trao đổi chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của chương trình hệ 12 năm. Một số thầy, cô giảng dạy ở miền Nam trước năm 1975 không ngừng học tập, hòa nhập và có người sau này trở thành hiệu trưởng THPT như thầy Nguyễn Đăng Hậu, thầy Lê Thanh Trí.

Về phía HS, nhiều thế hệ nối tiếp nhau xây dựng truyền thống "Chăm học, chăm làm, cầu tiến bộ". Nhiều HS nghèo đến từ các vùng quê Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong phải trọ học, đời sống khó khăn, đói cơm, thiếu áo, phải tự lo gạo cơm, nhưng vẫn quyết tâm học và thi đỗ đại học.

Chính từ việc dạy học linh hoạt của nhà trường, HS có nhiều ban để lựa chọn, dựa vào tự học là chính, hoàn toàn không có học thêm, đã nuôi dưỡng hoài bão, ước mơ cho HS, nhờ đó nhiều HS sau này thành công ở nhiều lĩnh vực, trở thành giáo sư, tiến sĩ như: GS-TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; TS Trương Văn Phước, nguyên Tổng Giám đốc Eximbank; TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc VN; PGS-TS Lê Anh Phương, Giám đốc ĐH Huế; ông Nguyễn Chiến Thắng, Thường vụ tỉnh ủy, Bí thư thành ủy TP. Đông Hà; Nguyễn Trần Diệu Thúy, vượt khó đi học và trở thành phi công ở tuổi 30 hay nghệ nhân 9X Đinh Văn Tâm nổi tiếng với tượng hổ và mèo Quảng Trị…

Thạc sĩ Tạ Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường hiện nay, cho biết, Trường THPT Đông Hà đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng nhà trường đạt mức kiểm định chất lượng cấp độ 3, trường THPT toàn diện, gắn với thực tiễn cuộc sống.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.