Moscow thiếu tên lửa?

27/11/2022 06:30 GMT+7

Bộ Quốc phòng Anh dẫn thông tin tình báo cho thấy Nga nhiều khả năng sử dụng những tên lửa hành trình đời cũ đã tháo đầu đạn hạt nhân cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Nga dùng tên lửa tháo đầu đạn hạt nhân

Trong bản cập nhật tình báo mới nhất vào hôm qua, Bộ Quốc phòng Anh cho hay hình ảnh nguồn mở chụp xác một tên lửa hành trình mà Nga dùng để bắn phá mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine nhiều khả năng là loại mang đầu đạn hạt nhân. Xác tên lửa này là Raduga Kh-55, dòng tên lửa hành trình phóng từ máy bay, được thiết kế vào thập niên 1980. Tuy nhiên, có vẻ như đầu đạn hạt nhân đã được tháo gỡ và thay bằng loại khác.

Tên lửa hành trình Kh-55 và xác tên lửa ở Ukraine (ảnh nhỏ)

Bộ Quốc phòng Nga/Bộ Quốc phòng Ukraine

“Gần như chắc chắn là Nga hy vọng những tên lửa như thế này sẽ đóng vai trò như mồi nhử và từ đó đánh lạc hướng hệ thống phòng không của Ukraine”, Reuters dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Anh. Phía Anh cho rằng dù mục đích là gì, điều này phản ánh mức độ cạn kiệt trong các kho tên lửa tầm xa của Nga. Chính quyền Moscow lẫn quân đội Nga chưa bình luận về thông tin của Anh.

Xem nhanh: Ngày 275 chiến dịch Nga, ông Putin hé lộ điều đáng tiếc với Donbass, thêm vụ tên lửa Ukraine bắn nhà dân

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ mang đến “cú hích đặc biệt” cho các ngành công nghiệp Nga, trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự. “Các nhà máy ở Moscow và St.Petersburg, cũng như ở vùng Ural, Siberia và Viễn Đông của nước Nga, đang hoạt động hết công suất, với nhiều ca kíp khác nhau. Trên thực tế, diễn tiến tại những nhà máy này đang tạo nên cơ hội độc nhất vô nhị trong nỗ lực thúc đẩy các ngành công nghệ cao phát triển”, TASS dẫn lời ông Putin phát biểu tại sự kiện kỷ niệm thành lập Tập đoàn công nghệ quân sự Rostec.

Ukraine sơ tán dân khỏi Kherson

Hôm qua, Ukraine thông báo khởi động việc sơ tán người dân khỏi TP.Kherson. “Quá trình sơ tán khỏi Kherson đã được tiến hành. Hôm nay (26.11), đoàn tàu chở 100 cư dân đầu tiên đã rời khỏi Kherson đến TP.Khmelnitsky (miền tây)”, theo thông tin trên trang Facebook của giới hữu trách Ukraine đăng ngày 26.11. Người dân cũng được khuyến khích sơ tán bằng xe buýt đến Odessa, Nikolaev và Krivoy Rog. Cuộc sơ tán diễn ra chỉ 2 tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ra lệnh rút khỏi TP.Kherson và chuyển sang bờ đông sông Dnieper.

Ukraine nỗ lực khôi phục lại lưới điện, Tổng thống Zelensky chỉ trích thị trưởng Kyiv

Diễn biến trên ở Kherson là vào thời điểm các khu vực trên toàn Ukraine bắt đầu được khôi phục nguồn điện, nhờ vào sự kết nối trở lại với 4 nhà máy điện hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, nhiều triệu người vẫn trong tình trạng mất điện và thiếu khí đốt trong lúc mùa đông đang đến. Tính đến tối qua (giờ VN), khoảng 130.000 người dân thủ đô Kyiv vẫn chưa có điện. Trong một động thái hiếm hoi, Tổng thống Zelensky đã chỉ trích ông Vitali Klitschko, Thị trưởng Kyiv, và các quan chức thủ đô vì thiếu sót trong việc giúp đỡ người dân gặp nhiều khó khăn.

Trước tình trạng trên, Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan Mika Lintila cho hay nước này có thể gửi đợt viện trợ thiết bị năng lượng đầu tiên cho Ukraine, sớm nhất là vào tuần sau. Đây là động thái nhằm hỗ trợ người dân Ukraine vượt qua mùa đông trước mắt, theo Reuters.

Ukraine nỗ lực khôi phục lại lưới điện, Tổng thống Zelensky chỉ trích thị trưởng Kyiv

Mỹ bị tố hưởng lợi từ chiến sự Ukraine

Theo tờ Politico, giới chức Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng chỉ trích chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về tình trạng giá khí đốt tăng chóng mặt, thu lợi về buôn bán vũ khí và thương mại từ chiến sự Ukraine. “Quốc gia đang hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến này là Mỹ, vì họ bán được nhiều khí đốt với giá cao hơn, và bởi vì họ bán được nhiều vũ khí hơn”, tờ Politico dẫn lời một quan chức cấp cao của EU.

Sau 9 tháng chiến sự, dư luận ở châu Âu có dấu hiệu chuyển sang chống lại nỗ lực của phương Tây hỗ trợ Ukraine, cũng như nghi ngờ sự đoàn kết của liên minh giữa hai bờ Đại Tây Dương. “Người Mỹ nên nhận ra rằng dư luận đang đổi chiều tại nhiều nước EU”, quan chức trên cảnh báo. Còn ông Josep Borrell, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, kêu gọi Washington hãy có hành động trước lo ngại của châu Âu, nhất là về ảnh hưởng kinh tế.

EU chia rẽ nội bộ, còn bế tắc về áp giá trần dầu Nga
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.