‘Moonfall’ của Roland Emmerich là phim thảm họa?

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
17/02/2022 13:13 GMT+7

Bộ phim mới nhất của Roland Emmerich Moonfall xoay quanh câu chuyện giả tưởng từng được bàn khá nhiều: Mặt trăng - vệ tinh yêu thích của mọi người va chạm với Trái đất.

Moonfall (tựa Việt Trăng rơi) được thực hiện để tạo ra những tràng cười mỉm khi cốt truyện xuất phát từ một giả thuyết mang tính khái niệm cao: điều gì sẽ xảy ra nếu Mặt trăng đột ngột đổi hướng và lao về Trái đất? Chắc chắn, Moonfall hài hước hơn nhiều so với các tác phẩm thảm họa trước đây của đạo diễn Đức Roland Emmerich (67 tuổi) như The Day After Tomorrow (2004), 2012 (2009), Independence Day: Resurgence (2016)...

John Bradley, Patrick Wilson và Halle Berry (từ trái sang) trong phim Moonfall

Là đạo diễn chuyên về dòng phim thảm họa hàng đầu của Hollywood, Roland Emmerich biết cách thổi bùng mọi thứ trở nên thực sự hấp dẫn hơn. Khoa học, lý thuyết vật lý hiếm khi cản đường ông và lần này chỉ đóng vai trò thứ yếu để giải thích tất cả những khúc mắc khó hiểu mà ông và các đồng tác giả kịch bản Moonfall là Harald Kloser và Spenser Cohen đưa ra trong tác phẩm.

Bộ phim bắt đầu với việc tìm cách cứu nhân loại khỏi thảm họa “trăng rơi” với Jocinda (Halle Berry đóng) - Giám đốc NASA trong buồng lái của một tàu không gian cũ kỹ cùng phi hành gia Brian Harper (Patrick Wilson) và chuyên gia vũ trụ nghiệp dư Houseman (John Bradley). Khán giả nhìn thấy các địa điểm quen thuộc trên màn ảnh rộng, ngay cả khi chúng bị xóa mờ như Nhà Trắng, tòa nhà Empire State… bị tàn phá nặng nề.

Houseman tin rằng Mặt trăng là một “siêu cấu trúc”, khối cầu rỗng được xây dựng cho một số mục đích mà bộ não của con người có thể tưởng tượng. Đạo diễn tiếp tục khắc họa tình trạng lộn xộn có thể xảy ra sau thảm họa nếu Mặt trăng thực sự thoát khỏi quỹ đạo: thủy triều dâng, trọng lực thay đổi và một thứ gọi là “sự chênh lệch khí quyển”…

Cảnh đổ nát trong Moonfall

IMDB

Khán giả mong đợi bộ phim dựa phần nào vào nền tảng khoa học thực tế. Một số khán giả chắc chắn sẽ đánh giá sự hiệu quả của Moonfall qua mức độ hợp lý của nó nhưng tiếc thay Emmerich không hề quan tâm nhiều đến điều này. Đạo diễn biết rõ rằng khán giả của dòng phim thảm họa chú ý đến sự sợ hãi của con người khi mọi thứ sụp đổ, vì vậy ông chọn cách đưa ra một vài ý tưởng mà ở đó lý thuyết ít hơn so với thực tế. Do đó đạo diễn tận dụng các cảnh thảm họa hoành tráng của phim nhờ công nghệ CGI (mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) hỗ trợ ít nhiều làm khán giả choáng ngợp dù mang lại ít cảm xúc để che lấp bớt tính phi logic trong phim. Roland Emmerich cũng khéo léo cài cắm chi tiết tâm linh ở cuối phim để giải thích những hiện tượng vật lý “không tưởng” trong tâm của Mặt trăng, nơi có trí tuệ nhân tạo làm vệ tinh này lệch hướng để hủy diệt Trái đất.

Sự dễ dãi, ngớ ngẩn gần như xuyên suốt trong bộ phim tiêu tốn đến 140 triệu USD này. Kinh nghiệm đã cho Roland Emmerich nhận ra rằng những gì khán giả thực sự muốn thấy là những cảnh tượng đại hồng thủy, tận thế. Tuy nhiên số người thực sự quan tâm đến chuyện Mặt trăng va vào Trái đất vào một ngày nào đó gần như là bằng không so với nỗi lo về đại dịch Covid-19, lạm phát, kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút… trong 2 năm qua. Moonfall ra rạp tại Việt Nam từ 18.2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.