Mong ước gì về thầy cô? Cần tấm lòng bao dung

Tham gia diễn đàn, có nhiều ý kiến khác nhau như phác họa những đức tính cần có của một nhà giáo , những mong muốn có được những tiết học hay từ cuộc sống, yêu thương học trò như con của mình...

Hiểu tâm lý học sinh
Có những lần con đi học về mặt buồn thiu. Hỏi ra mới biết vì có những vấn đề liên quan trong chuyện học nhưng chẳng dám nói với thầy chủ nhiệm. Tìm hiểu thêm, hóa ra vì thầy ít tâm lý, chưa gần gũi với học trò nên học sinh trong lớp cảm thấy sợ, không dám chia sẻ. Vì thế bên cạnh việc đến lớp giảng dạy, vẫn giữ sự uy nghiêm, chỉn chu, đĩnh đạc của người thầy, thì giáo viên (GV) cũng nên dành ít thời gian trò chuyện thân tình với học trò. Bởi những câu chuyện vui, những nụ cười trìu mến của GV có thể giúp học trò tự tin hơn, mạnh dạn chia sẻ những muộn phiền trong cuộc sống.
Lê Thị Kim Khuyên (Phụ huynh Trường THPT Bình Sơn - Quảng Ngãi)
Yêu thương học trò như con
Khi học sinh sai phạm, nhiều GV chỉ vội trách mắng rồi tìm hình thức phạt. Khi học sinh ngỗ ngược, có GV ngó lơ, mặc kệ, có định kiến không tốt. Từ đó khiến học sinh chưa ngoan ngày càng có thái độ chống đối, không vâng lời, và có thể bất trị. Nếu như GV nào cũng thương yêu học trò như con của mình, thấy học trò sai phạm thì nhẹ nhàng tâm tình khuyên bảo, động viên hướng dẫn những điều hay lẽ phải thì có thể giúp học trò ngoan hơn.
Lý Thanh Nhân (Phụ huynh Trường THCS và THPT Việt Anh, Q.Bình Tân, TP.HCM)

tin liên quan

Mong ước gì về thầy cô?
Thầy cô giáo, trong suy nghĩ của mọi thế hệ người Việt, gắn liền với những điều cao đẹp, đáng để tôn kính. Nhưng dường như ngày nay hình ảnh của thầy cô không còn lung linh như trước. 

Công bằng với học sinh
Có không ít GV chưa công bằng với các học sinh trong lớp. Có GV ưu ái cho học sinh này khiến học sinh khác ganh tị. Hay đôi khi chỉ quan tâm đến một vài học sinh khá giỏi, chẳng thèm đoái hoài gì tới những em trung bình, yếu, khiến nhiều em nản học, chán đến lớp. Thế nên người thầy cần công tâm, bình đẳng hơn trong việc đối xử với học sinh.
Nguyễn Văn Ánh (Phụ huynh Trường THPT Đống Đa - TP.Đà Lạt)
Thường xuyên cập nhật kiến thức
Mong muốn thầy cô phải thường xuyên cập nhật kiến thức. Không chỉ cần trình độ chuyên môn mà cần phải chuẩn bị cho mình những kỹ năng phù hợp, đáp ứng công việc giúp đỡ học sinh học: kỹ năng, tổ chức các hoạt động vui chơi, dã ngoại... GV trước hết phải có tấm lòng bao dung và có khả năng nắm bắt tâm lý học sinh.
Hồ Thị Diễm Thư (Phụ huynh học sinh trường mầm non tại Q.4)
Nhiệm vụ của người thầy là khơi gợi
Hãy dạy những điều học sinh cần chứ không bắt học sinh nghe điều mình có. Hiệu quả giờ học đến từ mối quan hệ hai chiều giữa thầy và trò chứ không đơn giản là chỉ cần thầy cô biết nhiều, giảng nhiều. Người dạy càng nói nhiều, người học càng chán. GV cần biết “lùi lại” để học sinh có cơ hội sáng tạo, suy nghĩ, thực hành... Nhiệm vụ của GV là khơi gợi, “đốt cháy” chứ không phải đổ đầy cốc nước kiến thức cho học trò.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính TP.HCM)

Mong bài giảng ngắn gọn, dễ hiểu
Em thích thầy cô có phong thái dạy học vui vẻ, tạo cho học sinh sự năng động. Mong thầy cô hiểu được học sinh mình muốn nói gì để đạt được hiệu quả trong dạy và học. Bài giảng của thầy cô phải trình bày một cách ngắn gọn, súc tích để bài học dễ đi sâu vào trí nhớ.
Hạnh Ngân (Học sinh THCS tại Q.3, TP.HCM)
Tôn trọng suy nghĩ của học sinh
Nếu có quyền lựa chọn, em sẽ chọn những thầy cô có thể giảng dạy thêm các vấn đề ngoài sách giáo khoa và trả lời những câu hỏi khó mà học sinh thắc mắc. Truyền đạt kiến thức một cách dễ hiểu, gắn với thực tế, vui tính hòa đồng, có biện pháp giúp học sinh đỡ nhàm chán trong tiết dạy. Đồng thời người thầy phải tôn trọng suy nghĩ của chúng em, quan tâm đến việc học sinh hiểu bài hơn là giáo án...
P.T.N (Học sinh THPT Trường Chinh, Q.12, TP.HCM)
Cần những tiết học lạ
Em luôn cảm thấy kiến thức hiện tại mình đang học là quá tải và chưa thực sự gắn với cuộc sống. Chính vì thế, mong muốn lớn nhất của em là GV dạy những thứ cần thiết cho cuộc sống, gắn kiến thức trên lớp với những ứng dụng thực tế. Ngoài việc dạy đủ kiến thức trên lớp thì GV có thể tổ chức những tiết học lạ và thoát ra khỏi khuôn khổ sách vở và nhà trường.
Hoàng Đức Khánh (Trường THPT Lê Xoay, Vĩnh Phúc)

tin liên quan

Thầy giáo điển trai chế tạo thiết bị chống trộm xe
Để góp phần làm giảm những vụ mất trộm xe máy, Võ Quang Thu (giảng viên trẻ của Khoa Cơ điện - Điện tử, Trường ĐH Lạc Hồng, Đồng Nai) đã cho ra đời bộ sản phẩm chống trộm cho xe máy có tên là LH Smart Motor.
 

Cư xử đúng chuẩn mực
Thời gian gần đây em đọc được một số thông tin như phụ huynh chửi mắng GV, GV đánh đập học trò. Dù biết con số này không nhiều nhưng phần nào làm cho môi trường giáo dục trở nên phức tạp. Em rất mong muốn được học ở một ngôi trường mà GV cư xử đúng chuẩn mực nhà giáo nhưng không quá nghiêm khắc. Dạy học thật nhiệt tình. Với những phần kiến thức khó mong GV kiên trì giảng dạy để giúp chúng em hiểu bài.
Vũ Huy Đức (Trường THPT Marie Curie, Q.3)
Đối thoại, tôn trọng nhau từ hai phía
Trong bối cảnh như hiện nay, người thầy cần phải cố gắng nhiều hơn, có ý thức trân quý các giá trị mà bao thế hệ người thầy dày công vun đắp. Các thầy cô cần phải hiểu rằng nghề giáo không phải như mọi nghề khác. Tất nhiên mình không nên quá cường điệu, cho rằng nó là nghề cao quý nhất, nhưng cũng phải thấy rằng nó là một nghề đặc thù, đòi hỏi người theo đuổi nghề này phải có những tố chất riêng, chẳng hạn như về tình yêu đối với con người, đặc biệt là đối với trẻ. Quan hệ giao tiếp của họ chủ yếu là với trẻ thì đương nhiên họ phải giữ được sự chuẩn mực trong hành vi, ứng xử và suy nghĩ vì họ còn phải làm gương cho trẻ. Các lý thuyết giáo dục đều đánh giá cao vai trò của phương pháp giáo dục bằng cách làm gương, dựa vào tâm lý bắt chước của trẻ. Vì thế tự mỗi GV phải tu dưỡng, hoàn thiện mình, để xứng đáng được trẻ gọi là “thầy”.
Trong quá trình tu dưỡng, tự hoàn thiện bản thân, có một điều mà người thầy ngày nay nên lưu ý đó là cần nhận thấy và bắt kịp xu hướng của thời đại để có phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh. Đã qua rồi thời đại mà giáo dục là mệnh lệnh, là yêu cầu, là bắt ép. Giờ là thời đại giáo dục của sự hiểu biết, của trao đổi - đối thoại, của sự tôn trọng nhau từ cả hai phía.
NGND Vũ Hữu Bình (Cựu giáo viên Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội)
Quý Hiên (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.