Mong muốn giáo dục thực chất và công bằng hơn

10/12/2017 18:47 GMT+7

Nhiều đại biểu tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11 bày tỏ trăn trở, mong muốn giáo dục phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống; những chính sách trong giáo dục cần công bằng hơn.

Diễn đàn “Tuổi trẻ Việt Nam học tập, rèn luyện, sáng tạo vì ngày mai phát triển” diễn ra tại Bộ Giáo dục - Đào tạo chiều 10.12, do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo các vụ chức năng và 125 đại biểu tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc.
Đề nghị giảm dạy thêm, tăng giờ học trải nghiệm
Đại biểu Nguyễn Thị Hương, Phó bí thư huyện đoàn H.Yên Dũng, Bắc Giang đề nghị Bộ GD-ĐT cần có biện pháp giảm tình trạng dạy thêm, học thêm khá tràn lan hiện nay. Theo đại biểu Hương, giải pháp cho vấn đề này là nâng cao chất lượng của từng giờ dạy chính khoá, giảm tải chương trình, bổ sung những bài học gắn với thực tiễn.
Chỉ ra thực tế hiện có rất nhiều cuộc thi về kiến thức đưa vào trường phổ thông nhưng lại thiếu những cuộc thi để học sinh thể hiện được kỹ năng sống, thúc đẩy học sinh tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, chị Hương đề nghị Bộ GD-ĐT cần có khung chương trình về giáo dục, đạo đức, lối sống cho học sinh; có nhiều hoạt động, dưới dạng cuộc thi, sân chơi để thu hút học sinh xung quanh vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn Phú Thọ Ảnh Ngọc Thắng
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Phú Thọ) cho rằng, tuy Bộ đã đưa trải nghiệm sáng tạo vào chương trình giáo dục, nhưng nhiều trường vẫn rất lúng túng khi triển khai, gây hoang mang rất nhiều cho cán bộ, giáo viên. Nhiều nhà trương không biết tổ chức hoạt động trải nghiệm thế nào. Tổ chức Đoàn đang làm rất tốt vấn đề này nhưng các trường lại đang xếp vào hoạt động ngoại khoá nên nếu không có thời gian thì không tổ chức.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ kinh nghiệm ở trường mình, dựa vào chương trình nhà trường do Bộ GD-ĐT ban hành, đưa trải nghiệm sáng tạo vào chương trình dạy học chính khoá. Thay vì học trong 4 bức tường thì đưa vào mỗi học kỳ 2 tuần học trải nghiệm, tính vào tiết học bình thường chứ không phải hoạt động ngoại khóa.
Tuy nhiên, đại biểu Tuấn Anh chỉ ra thực tế, do khâu đổi mới kiểm tra, đánh giá chưa tốt nên các nhà trường vẫn phải dạy thêm, vẫn phải luyện thi. Trải nghiệm sáng tạo xong là phải quay lại ngay với luyện thi.
“Do vậy, Bộ cần mạnh dạn tổ chức một kỳ thi tích hợp thực sự để loại bỏ việc học theo kiểu luyện thi, đưa kiến thức gắn với thực tiễn vào kỳ thi, tổ chức hình thức đa đánh giá. Nếu không đổi mới thế nào thì đến lớp 12 sẽ ngay lập tức quay lại với dạy và học dể luyện thi”, đại biểu Tuấn Anh đề nghị.

tin liên quan

Kỳ vọng ở Đại hội Đoàn toàn quốc
Ngay trước thềm đại hội, nhiều đại biểu đã gửi gắm tâm tư, mong muốn và kỳ vọng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, sẽ có những quyết sách lớn để đưa công tác Đoàn và phong trào thanh niên ngày càng thiết thực, hiệu quả, quan tâm, chăm lo nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh niên.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền, đoàn Hải Dương cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hoạt động trải nghiệm sáng tạo đối với học sinh, sinh viên, giúp các bạn ra trường tự tin và dễ tìm kiếm các cơ hội việc làm hơn. Tuy nhiên, đại biểu Huyền chỉ ra thực tế, lãnh đạo các nhà trường hầu hết còn ít quan tâm đến tổ chức Đoàn, chưa thấy được vai trò của tổ chức Đoàn trong các hoạt động giáo dục mà chỉ gọi đến tổ chức Đoàn khi có các công việc lao động chân tay hoặc hoạt động phong trào đơn thuần.
Đại biểu Giang Văn Võ, Đoàn Kiên Giang đề nghị tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên, với thời lượng ít nhất 2 tiết/tuần, đưa những vấn đề bức thiết trong cuộc sống vào giờ dạy, ví dụ trang bị cho học sinh hiểu biết về tác hại và mặt trái của việc lạm dụng mạng xã hội…
Xung quanh vấn đề này, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho rằng, chưa chờ đến đổi mới chương trình, SGK mới, những năm gần đây Bộ đã có chỉ đạo về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học bằng việc dạy hoc theo nhóm, trải nghiệm sang tạo, nghiên cứu khoa học…
Với hoạt động trải nghiệm sáng tạo, ông Chuẩn nhận định, khi theo dõi hoạt động của học sinh mới thấy các em rất sang tạo, biến khó thành dễ, biến xa thành gần mà chính bản thân chúng tôi cũng không nghĩ ra được. Để phát huy hiệu quả của trải nghiệm sang tạo, theo ông Chuẩn, sựộng hưởng giữa giáo dục nhà trường và hoạt động của tổ chức Đoàn Hội là rất quan trọng.
Ông Chuẩn cũng khẳng định Bộ sẽ tiếp tục đổi mới kiểm tra đánh giá, coi trọng các hoạt động sáng tạo, đề thi ra theo hướng mở, ứng dụng cao hơn, đưa những câu chuyện thực tế vào đề thi. “Điểm 8 ngày nay đã khác điểm 8 ngày xưa, để đạt được điểm 8 ấy, học sinh phải vận dụng và vận dụng cao chứ không chỉ thông hiểu như trước đây”, ông Chuẩn nêu ví dụ.
Cần nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh từ tiểu học
Đại biểu Trần Thị Ninh, Đoàn Hải Phòng đề nghị, Bộ GD-ĐT cần có quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học từ cấp tiểu học để cho học sinh làm quen với tư duy khoa học, hình thành trong các em thói quen, đam mê về nghiên cứu khoa học.
Tạo liên kết giữa trường phổ thông với đại học, tạo nên một mạng lưới rộng khắp về nghiên cứu khoa học, có chỗ để chúng tôi “bấu víu” khi cần hỗ trợ về chuyên môn.
Đại biểu Ninh cũng đề nghị cần tạo cho học sinh sáng tạo trong từng giờ học, làm chủ chính giờ học của mình, lôi học sinh ra khỏi vỏ bọc của chính mình để có thể sáng tạo, nghiên cứu khoa học lớn lao hơn
Đại biểu Phùng Thị Phương Thảo, Đoàn Quảng Ngãi thì đề xuất, Bộ GD-ĐT cần có hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho những đề tài nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn cao của sinh viên vì thực tế hiện nay sinh viên không biết đưa sản phẩm nghiên cứu của mình ra thị trường ra sao để áp dụng vào thực tiễn.
Cũng theo đại biểu Ninh, Bộ cần có cơ chế tất cả SV tham gia nghiên cứu khoa học, không yêu cầu về điều kiện điểm số học tập tối thiểu là từ 7,0 như hiện nay. Bên cạnh đó, cần cộng điểm vứoi những đề tài có chất lượng.
Băn khoăn về chính sách cộng điểm ưu tiên
Đại biểu Nguyễn Tú Anh, học sinh lớp 12 THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An gây chú ý tại diễn đàn khi đề cập tới một số vấn đề “nóng” của ngành Giáo dục vừa qua. Nói về việc nhiều học sinh đạt được 30 điểm kỳ thi THPT quốc gia nhưng lại không đỗ vào ngành nghề mình mong muốn do nhiều bạn được cộng điểm ưu tiên, Tú Anh cho rằng: Dù chính sách cộng điểm là nhân văn nhưng nhiều quá thì không hay và thiếu công bằng đối với những bạn đạt điểm cao hoàn toàn bằng năng lực của mình.
“Nếu một bạn được 30 điểm thực chất, một bạn được hơn 30 điểm do được cộng ưu tiên thì nên chọn ban nào là thủ khoa?”, Tú Anh đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Tú Anh, THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An Ảnh Ngọc Thắng
Bên cạnh đó, Tú Anh cũng bày tỏ sự băn khoăn về chủ trương sẽ không phân biệt bằng tốt nghiệp ĐH hệ chính quy và hệ tại chức. Dù điều này đã được áp dụng ở các nước tiên tiến nhưng bối cảnh của Việt Nam hiện nay thì còn khá nhiều điều lo ngại khi mà đào tạo hệ tài chức mọc lên như nấm, vì mục tiêu lợi nhuận nhiều hơn vì mục tiêu GD-ĐT. Vậy có bất công cho những người học thực chất hay không?
Tú Anh cũng trăn trở trước thực tế điểm chuẩn đầu vào ngành sư phạm thấp và cho rằng, giải pháp cắt giảm chỉ tiêu vào sư phạm mới chỉ là chính sách ngắn hạn mà chưa phải là giải pháp thu hút được người tài vào sư phạm.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận đây chỉ là giải pháp tình thế, cùng với đó Bộ đang quan tâm nhiều hơn tới chế độ tuyển sinh và chuẩn đầu ra của ngành sư phạm; nâng cao chế độ chính sách với nhà giáo để thu hút được những người giỏi vào ngành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.