Mòn mỏi 36 năm chờ bồi thường oan sai: Đang báo cáo và chờ ý kiến của cấp trên

18/12/2022 08:12 GMT+7

Như Thanh Niên số báo ra ngày 13.11 phản ánh, ông Trịnh Dân Cường (66 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) khiếu nại lên các cơ quan chức năng yêu cầu được bồi thường oan sai, xin lỗi công khai vì mang thân phận bị can 36 năm.

Theo diễn biến vụ việc, năm 1985, tại một căn nhà trên đường Bãi Sậy (Q.6) xảy ra vụ trộm vàng. Ngày 28.2.1985, ông Trịnh Dân Cường bị Công an Q.6 bắt tạm giam. Ngày 3.12.1986, Công an TP.HCM ra quyết định trả tự do cho ông Cường, xác định ông không liên quan đến vụ án. Từ khi được trả tự do đến nay, theo ông Cường, dù nhiều lần làm đơn nhưng ông chưa được xin lỗi công khai và bồi thường oan sai.

Bên cạnh đó, theo bản án hình sự sơ thẩm của TAND TP.HCM năm 1989 và phúc thẩm của TAND tối cao tại TP.HCM năm 1990, đã tuyên án đối với các cựu cán bộ là Công an Q.6 và Viện KSND Q.6 về tội “bắt, giam người trái pháp luật”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, trong đó ông Cường là người bị hại.

Ông Trịnh Dân Cường vẫn đang tiếp tục khiếu nại, khởi kiện đòi bồi thường oan sai, phục hồi danh dự sau 36 năm mang thân phận bị can

SONG MAI

Bồi thường thiệt hại, chờ tòa án giải quyết

Theo ông Trịnh Dân Cường, từ năm 2014, ông gửi đơn lên Công an Q.6 và Viện KSND Q.6, yêu cầu được nhận các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông; yêu cầu bồi thường thiệt hại, phục hồi danh dự, song đều chỉ nhận câu trả lời “đã hết thời hiệu giải quyết”.

Ngày 15.12 vừa qua, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, đại diện lãnh đạo Viện KSND Q.6 cho biết thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai là 2 năm kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật. Trong khi đó, ông Cường được xác định là oan sai bởi bản án ngày 21.2.1990 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, nhưng đến năm 2016 ông mới nộp đơn yêu cầu được bồi thường thiệt hại, vì vậy yêu cầu của ông Cường đã hết thời hạn giải quyết.

Ngoài ra, theo Viện KSND Q.6, sau khi ông Cường khiếu nại, lãnh đạo Viện KSND Q.6 đã yêu cầu kiểm tra hồ sơ vụ việc nhưng hiện hồ sơ gốc không còn. Hơn nữa, thời điểm xảy ra vụ việc, bộ luật Tố tụng hình sự chưa ra đời, việc bắt giữ ông Cường được thực hiện theo sắc lệnh số 02/1957. Khi đó, việc bắt giữ bị can không cần Viện kiểm sát (VKS) phê chuẩn, đồng thời không có quy định về ban hành các quyết định đình chỉ (chỉ có quyết định trả tự do - PV), nên giờ ông Cường yêu cầu được cấp các quyết định đình chỉ bị can, đình chỉ vụ án là “đang làm khó” cho VKS.

“Do hồ sơ vụ án không còn nên VKS không thể kiểm tra được tính pháp lý vụ việc. Bên cạnh đó, ông Cường đang khởi kiện Viện KSND Q.6 ra TAND Q.6, yêu cầu Viện KSND Q.6 bồi thường thiệt hại, vì vậy, Viện KSND Q.6 sẽ chờ bản án có hiệu lực của tòa”, đại diện lãnh đạo Viện KSND Q.6 nói.

Phục hồi danh dự, viện kiểm sát cần chủ động !

Đối với yêu cầu của ông Cường đề nghị Viện KSND Q.6 phải xin lỗi công khai và phục hồi danh dự, phía VKS cho hay khi ông Cường nhận quyết định trả tự do đã được phục hồi quyền công dân, trong đó quyền cơ bản nhất là tham gia bầu cử và là cử tri của khu vực Q.6, có số thẻ cử tri, và coi như danh dự của ông được đảm bảo, quyền và lợi ích của ông không bị cản trở khi sinh sống.

NĂM 1983, NGƯỜI BỊ OAN VẪN ĐƯỢC CẤP QUYẾT ĐỊNH ĐÌNH CHỈ

Trong loạt bài Mòn mỏi thân phận 40 năm oan khuất của 7 người tại Tây Ninh mà Thanh Niên từng phản ánh, thể hiện: năm 1979, có 8 người dân tại Tây Ninh bị bắt giam oan về hành vi cướp tài sản. Vụ án bị đình chỉ điều tra từ ngày 11.5.1983, cả 8 người đều được trả tự do, nhưng chỉ có ông Nguyễn Văn Dũng là có được quyết định đình chỉ điều tra của Viện KSND tỉnh Tây Ninh, 7 người còn lại không được nhận quyết định đình chỉ điều tra, nên không được giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại, phục hồi danh dự. Sau nhiều năm liên tục khiếu nại, năm 2019, 7 người nói trên được Viện KSND tỉnh Tây Ninh trao quyết định đình chỉ được ký ngày 11.5.1983 và năm 1984. Đây cũng là cơ sở để người dân đòi quyền lợi, bồi thường sau 40 năm mang thân phận bị can.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn luật sư TP.HCM), là một trong các luật sư trợ giúp pháp lý cho 7 nạn nhân trong vụ Mòn mỏi thân phận 40 năm oan khuất ở Tây Ninh, khẳng định: “Với cách trả lời của đại diện Viện KSND Q.6 cho thấy họ đang thoái thác trách nhiệm của mình”. Theo luật sư Phúc, thời điểm xảy ra vụ án ở Tây Ninh và của ông Trịnh Dân Cường là cùng giai đoạn, tại sao năm 1983 và 1984, Viện KSND tỉnh Tây Ninh có quyết định đình chỉ; còn Viện KSND Q.6 cho rằng giai đoạn đó không có quy định về ban hành các quyết định đình chỉ?

Luật sư Phúc cho rằng đối với các vụ việc yêu cầu bồi thường oan sai, phục hồi danh dự cho người dân, cơ quan thẩm quyền nên thay đổi tư duy trong xác minh vụ việc, theo tinh thần xin lỗi người bị oan sai thì cơ quan gây oan sai phải chủ động, đồng thời khi giải quyết bồi thường thiệt hại không nên bắt người dân phải cung cấp hồ sơ, tài liệu, bởi họ chính là nhân chứng sống để cơ quan chức năng xác minh giải quyết các quyền lợi chính đáng cho họ.

Tuy nhiên, đối với người bị oan sai, theo quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị oan, cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai. “Tức là cơ quan tiến hành tố tụng phải chủ động xin lỗi, cải chính công khai, chứ không phải chờ người bị oan yêu cầu; hơn nữa yêu cầu về phục hồi danh dự là không tính thời hiệu, vậy VKS đã thực hiện thủ tục này chưa?”, PV Thanh Niên nêu vấn đề. Tuy nhiên, phía Viện KSND Q.6 bày tỏ quan điểm hiện lãnh đạo Viện KSND Q.6 đang là những người kế thừa lại thế hệ cũ; hồ sơ gốc vụ việc không còn… nên Viện KSND Q.6 cũng đang báo cáo, xin ý kiến Viện KSND TP.HCM để có hướng giải quyết cụ thể. Bên cạnh đó, ông Cường cũng đang khởi kiện ra tòa yêu cầu Viện KSND Q.6 xin lỗi công khai, phục hồi danh dự vì bị khởi tố, bắt oan, nên Viện KSND Q.6 trên tinh thần vẫn phải đợi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.