Mối nhân duyên phía sau cuốn 'Nhật ký Đặng Thùy Trâm' tiếng Nhật

Thúy Hằng
Thúy Hằng
08/02/2021 10:14 GMT+7

Chị Takahashi Izumi là người dịch cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Nhật năm 2008. 2 năm sau, trong chuyến xe từ Tây nguyên về lại TP.HCM, cô gái Việt kể cho một người Nhật nghe về cuốn sách. Nhiều điều bất ngờ đã xảy ra.

Cô gái Việt đó là Lê Thị Hồng Nga, đang làm việc tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Còn người Nhật là ông Nakanishi Shougo, thành viên Hội hữu nghị quốc tế TP.Tsuyama (tỉnh Okayama).

Người đứng sau 1.000 bản DVD Đừng đốt, phát miễn phí khắp nước Nhật 

Họ gặp nhau lần đầu vào năm 2006, khi chị Nga tới Nhật Bản trong một chương trình giao lưu thanh niên do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức. Song, những câu chuyện về văn hóa, giáo dục không dừng lại chỉ trong chuyến giao lưu. Ông Nakanishi và Hội hữu nghị quốc tế Tsuyama muốn hỗ trợ nhiều hơn cho trẻ em vùng sâu vùng xa ở Việt Nam và chị Nga là cầu nối.
Từ sau năm 2006, những thành viên đến từ TP.Tsuyama nhiều lần về Đắk Lắk, Đắk Nông thực hiện những chuyến khảo sát để xây dựng trường học, tặng quần áo ấm, đồ dùng học tập cho trẻ em.

Hình ảnh trên bìa DVD Đừng đốt do chị Nga làm cầu nối và cùng làm phụ đề, được phát miễn phí tại nước Nhật

Ảnh Thúy Hằng

Năm 2010, cũng trong một hành trình đi Tây nguyên, đi qua Bình Phước, chị Nga kể cho ông Nakanishi về chiến tranh ở Việt Nam. Trong mạch chuyện đó, Nhật ký Đặng Thùy Trâm được cô gái Việt nêu tên, bởi chị biết cuốn sách đã được chị Izumi dịch sang tiếng Nhật cách đây 2 năm. Xuyên suốt 5 tiếng đồng hồ, những câu chuyện xúc động về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, cuộc đời và chiến tranh được chị Nga kể lại. Ông Nakanishi xúc động: “Tôi biết Izumi, nhưng không hề biết cô ấy dịch cuốn nhật ký hay đến như vậy. Tôi phải gặp bằng được, gặp xong sẽ cầm ngay cuốn sách đó”.
Vài ngày sau, máy bay hạ cánh ở Nhật, ông Nakanishi cập nhật cho chị Nga “Tôi đã gọi được Izumi”. Và thế là, hai người Nhật, chỉ nghe tên, đi thoáng qua nhau, từ cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm bằng tiếng Nhật đã bắt đầu kết nối gần hơn, họ tặng sách cho nhau.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh và chị Nga trong một lần chiếu phim Đừng đốt, trả lời câu hỏi của khán giả Nhật

ẢNH NVCC

Năm 2011, cả chị Izumi và ông Nakanishi cùng về Việt Nam, chị Nga đưa họ cùng đi về Quảng Ngãi, thăm dấu tích bệnh xá của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm trước đây. Cả đoàn cũng về Hà Nội, thăm gia đình liệt sĩ. Chị Nga còn nhớ mãi hình ảnh người mẹ của Đặng Thùy Trâm, bà cũng tên Trâm, dù lớn tuổi nhưng rất khỏe mạnh, minh mẫn. Bà ôm cô Izumi, ôm chị Nga và nói “Con gái đã phù hộ cho tôi. Tôi sống 2 cuộc đời, một là của tôi, một là sống nốt cuộc đời con gái tôi”.
Chuyến đi nhiều cảm xúc đã khiến ông Nakanishi, chị Izumi và chị Nga thấy rằng, cần phải làm thêm điều gì đó, lan toả câu chuyện của bác sĩ Trâm tới nhiều hơn người Nhật.
Trước đó ở Nhật Bản đã từng chiếu phim Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh, dựa theo cuốn nhật Nhật ký Đặng Thùy Trâm ở Liên hoan phim Fukuoka, khán giả rất xúc động. Phim đang được lưu trữ ở thư viện, nhưng “nếu vậy thì ai xem được phim cũng khó”. Họ quyết định, sẽ xin phép đạo diễn Đặng Nhật Minh và hãng phim BHD để có thể in thật nhiều DVD Đừng đốt, tự dịch lại phụ đề và đi khắp nước Nhật phát miễn phí và giới thiệu về phim này.

Từ phải qua, ông Nakanishi, chị Izumi và đạo diễn Đặng Nhật Minh trong một lần ngồi cùng nhau tại Hà Nội

Ảnh NVCC

Năm 2013, chị Izumi, ông Nakanishi cùng sang Việt Nam để cùng ngồi lại với nhau làm lại phụ đề phim bằng tiếng Nhật.
Từ sau năm 2013 tới tận bây giờ, những buổi chiếu phim Đừng đốt vẫn được diễn ra ở nhiều trung tâm văn hóa và các trường ĐH tại Nhật Bản.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh từ đó trở thành một người thân trong nhóm của Hội hữu nghị quốc tế TP.Tsuyama, ông sang Nhật Bản để giao lưu cùng khán giả xem phim và rưng rưng với tình cảm của người Nhật dành cho mình. Còn chị Izumi và ông Nakanishi đã từng nảy sinh một tình yêu chớm muộn của tuổi trung niên mà họ đều thừa nhận vui là “nhờ chị Thùy Trâm âm thầm ủng hộ và se duyên”.

Cầu nối Việt Nam - Nhật Bản 

Chị Lê Thị Hồng Nga (năm nay 45 tuổi) tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, mối nhân duyên với Nhật Bản bắt đầu từ năm thứ 3 ĐH, khi chị tình cờ đi học tiếng Nhật rồi mỗi ngày thêm yêu đất nước Mặt trời mọc. 

Chị Nga (thứ 2 từ trái qua), kế đó là đạo diễn Đặng Nhật Minh và ông Nakanishi

ẢNH NVCC

Là một trong những người đầu tiên xây dựng nền móng cho khoa Tiếng Nhật, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hiện tại, chị Nga đang phụ trách Trung tâm văn hóa giáo dục Việt - Nhật, nơi giúp sinh viên Trường ĐH này có những hoạt động giao lưu, học tập tại Nhật cũng như kết nối sinh viên 2 nước lại gần nhau hơn.
Suốt hơn chục năm qua, năm nào chị Nga cũng đi Nhật vài chuyến và tiếp đón hàng chục đoàn sinh viên Nhật đến giao lưu tại Việt Nam. Món quà không thể thiếu tặng các bạn trẻ Nhật là đĩa DVD phim Đừng đốt.

..."hòa bình không phải tự dưng có được mà do chính chúng ta xây dựng và gìn giữ..."bìa sau của cuốn DVD viết

Ảnh Thúy Hằng

Đừng đốt chạm tới trái tim của tất cả người Nhật, từ người già, tới trẻ, những thế hệ sinh viên hôm nay. Giống như Hội hữu nghị quốc tế TP.Tsuyama đã viết đằng sau cuốn DVD Đừng đốt mà họ đã và đi chiếu miễn phí khắp nước Nhật: “…hòa bình không phải tự dưng có được mà do chính chúng ta xây dựng và gìn giữ. Tất nhiên, để thực hiện được điều đó luôn phải trải qua muôn vàn khó khăn. Hòa bình hiện tại, vì vậy càng có giá trị cao quý…”.
Đừng đốt, thông qua câu chuyện của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, “góp phần kết nối con người với con người, lòng nhân ái và tinh thần nhân văn cao đẹp, tạo cơ hội để chúng ta suy nghĩ về hòa bình, về hạnh phúc chân chính của con người”… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.