Mối nguy hiểm từ việc ‘thức khuya trả thù’ của người trẻ

01/09/2022 17:00 GMT+7

Dẫu ban ngày tiêu tốn nhiều sức lực vì công việc, học tập, nhiều bạn trẻ vẫn chọn cách thức khuya để vùi đầu vào những hoạt động giải trí .

Trong bài viết ngày 22.8 của tổ chức chuyên về giấc ngủ Sleep Foundation (Mỹ), các chuyên gia cho biết thuật ngữ "thức khuya trả thù” (tên tiếng Anh: revenge bedtime procrastination) được dùng để chỉ những trường hợp cố tình “cắt xén” giấc ngủ về đêm để có thêm thời gian làm những điều mình thích như xem phim, lướt mạng xã hội… do ban ngày xoay vần trong “núi” công việc chồng chất.

Các chuyên gia cảnh báo mối nguy hiểm từ hiện tượng “thức khuya trả thù”

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH TWITTER

Khó cưỡng lại sức hút của màn đêm

Là học sinh vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Vũ Minh Vân (ngụ số 8 Hàng Bông, P.Hàng Bông, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết không tránh khỏi áp lực khi phải gồng mình chạy đua với thời gian biểu năm học vừa rồi.

Cụ thể, lịch trình của nữ sinh này được lấp đầy bởi những tiết học chính khóa và phụ đạo từ 7 giờ sáng đến 17 giờ 30 chiều, sau đó là những buổi học thêm kết thúc lúc 21 giờ. Vân chia sẻ: “Một ngày đi học của mình khá dồn dập nên ít được nghỉ ngơi. Vì vậy, thức khuya là cách để mình có thêm giờ phút riêng tư cho bản thân”.

Tuy nhiên, việc ngủ không đủ giấc khiến Vân rơi vào trạng thái uể oải chừng 2 giờ đầu sau khi thức dậy. Thậm chí, Vân còn thiếu tỉnh táo trên đường lái xe đến trường và đôi lúc gặp phải những tình huống nguy hiểm khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, Vân chia sẻ vẫn khó cưỡng lại sức hấp dẫn từ những chương trình truyền hình giải trí cũng như những cuộc trò chuyện thâu đêm với bạn bè.

Tương tự, sự yên tĩnh của màn đêm luôn có “lực hút” với Bành Bội Hàm, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (ngụ 59/3F xã Xuân Thới Đông, H.Hóc Môn, TPHCM). Nữ sinh viên này kể cô đã có thói quen thức khuya khi còn là học sinh THCS do bố mẹ làm ăn xa nhà, ít quản lý chặt chẽ con cái.

Bành Bội Hàm (phải) hiện là sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

NVCC

Không chỉ đảm nhận chức lớp trưởng trong lớp, năm học vừa qua, Hàm còn kiêm thêm vị trí chủ nhiệm một câu lạc bộ tình nguyện trong trường. Cộng với khối lượng lớn bài tập dành cho sinh viên năm cuối, Hàm vẫn liên tục trì hoãn giấc ngủ. Đồng thời, cô thường xuyên dùng mì ăn liền khi thức khuya.

Dễ cáu gắt với mọi người, ngủ gật trong lớp, không nhớ những ý đã học khi làm bài kiểm tra, rụng nhiều tóc là những tác hại mà nữ sinh viên liệt kê từ việc chỉ ngủ khoảng 5 giờ mỗi ngày.

“Năm ngoái, khi TP.HCM bước vào giai đoạn đỉnh dịch cũng là lúc tôi thức khuya nhiều nhất. Tinh thần tôi thời điểm đó dễ suy kiệt hay suy nghĩ hấp tấp, vội vàng. Thậm chí có những hôm thức khuya, tôi còn nghĩ đến việc tự làm đau bản thân”, Hàm tiết lộ thêm.

"Ngược đãi" chính mình

Một số sinh viên dù rất bận rộn với chuyện học lẫn việc làm bán thời gian nhưng cũng trải qua tình trạng “thức khuya trả thù”.

Chẳng hạn, Võ Lê Khánh Linh (sinh viên năm 3, ngụ chung cư Phạm Viết Chánh, phường 19, Q.Bình Thạnh, TPHCM) cùng lúc đảm nhận ba công việc sáng tạo nội dung trong mảng thời trang. Trong đó, có một nơi bắt buộc cô phải đến văn phòng làm việc trực tiếp và đủ 3 ngày/tuần.

Võ Lê Khánh Linh (20 tuổi, hiện học tập và làm việc tại TP.HCM)

nvcc

Linh chia sẻ, mỗi buổi chiều sau khi kết thúc giờ làm việc ở công ty hay học tập trên trường, cô còn theo học luyện thi IELTS đến 19 giờ. Tiếp đến, nữ sinh viên lại ngồi vào bàn làm việc đến 23 giờ đêm sau khi đã về nhà tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Dù vậy, cô vẫn không ngủ khi hoàn thành mọi thứ mà thường thức khuya để lướt Facebook và TikTok.

“Tôi nghĩ mình mắc hội chứng FOMO (sợ bị bỏ lỡ). Ban ngày dù bận rộn trong học tập, công việc khiến tôi không có thời gian cập nhật thông tin cũng như hòa nhập vào cuộc vui với bạn bè. Vì vậy, ban đầu tôi tự nhủ mình sẽ chỉ dành 30 phút để lướt mạng xã hội, nào ngờ kì kèo đến tận 3-4 giờ sáng”, Linh lý giải về tình trạng thức khuya của mình.

Linh cho hay việc thức khuya khiến cơ thể cô dần rệu rã cũng như thường xuyên đau đầu, hoa mắt đến nỗi phải tranh thủ ngủ bù trong giờ giải lao lúc đi học, đi làm. “Trong mùa dịch Covid-19, có nhiều đêm liên tiếp tôi thức đến tận 6 giờ sáng để xem phim. Điều này đã làm sức khỏe tôi yếu đi trông thấy rõ”, Linh kể.

Tuy đã lập gia đình và có con 5 tháng tuổi, N.T.T.T (28 tuổi, ngụ tại 786/11/3 Bình Giã, P10, TP.Vũng Tàu) cho biết: “Tôi thừa nhận bản thân vẫn chưa bỏ được hẳn thói quen thức khuya. Dù vậy, vì con, tôi vẫn phải tìm cách khắc phục ngay”.

Thạc sĩ Nguyễn Vân Anh, chuyên gia tâm lý Viện Tâm lý học và truyền thông (P2002, Tòa nhà văn phòng 101 Láng Hạ, P.Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội), nhận định: “Các bạn trẻ này chưa tìm ra biện pháp cân bằng sức khỏe tâm lý dù biết rõ thức khuya có thể dẫn đến nhiều hệ lụy và nguy cơ bị rối loạn lo âu, trầm cảm”.

“Những người thức khuya trả thù thực chất là trả thù chính bản thân mình. Thay vì dùng giấc ngủ để chữa lành, họ lại thức khuya triền miên. Với những người đã có con, sự hao hụt khả năng điều tiết cảm xúc ở họ sẽ vô thức tạo ra tổn thương tâm lý cho trẻ và ảnh hưởng đến không khí gia đình, tuổi thọ”, thạc sĩ Vân Anh chia sẻ.

“Thiếu sức khỏe thì có nhiều tiền cũng chẳng quan trọng”

Đó là câu nói khiến P.Y.N (học sinh lớp 12, ngụ số 27, phố Đỗ Đức Dục, Nam Từ Liêm, Hà Nội) không thể nào quên từ mẹ mình khi bà thấy con liên tục thức khuya. Từ đó, Y.N cho hay để cải thiện giấc ngủ, bản thân đã cố gắng sắp xếp thời gian biểu học tập trong ngày cũng như tuân theo thực đơn “eat clean” (chế độ ăn sạch) để có đời sống lành mạnh.

Tương tự, nữ sinh viên Võ Lê Khánh Linh cũng thường uống sữa nóng, nghe những bản nhạc thư giãn đầu óc trên YouTube để dễ dàng say giấc. Trong khi đó, nhằm “đoạn tuyệt” thói quen thức khuya, Nguyễn Thị Thu Thảo (22 tuổi, giáo viên tiếng Trung ngụ tại đường Cao Xuân Dục, P.12, Q.8, TP.HCM) chọn việc đốt nến thơm, xông tinh dầu trong phòng ngủ và tách biệt các thiết bị điện tử càng xa càng tốt.

Bên cạnh đó, hạn chế caffeine, đồ uống có cồn; ngâm chân trong nước ấm trước khi ngủ, biết mình thuộc kiểu chronotype (thời gian sinh học) nào để điều chỉnh giờ ngủ cho phù hợp cũng là những biện pháp được thạc sĩ Vân Anh đề xuất. Mặt khác, nếu bạn trẻ đã áp dụng các biện pháp trên nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện thì thạc sĩ Vân Anh cũng cho lời khuyên người đó nên tìm gặp bác sĩ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.