Mỗi người Việt Nam đều là đại sứ của chiếc áo dài

06/03/2024 07:25 GMT+7

Với chiếc áo dài truyền thống, tà áo nên dài tới đâu, chất liệu vải ra sao và họa tiết thế nào… Đó là những chi tiết đã được nhà thiết kế Sĩ Hoàng chia sẻ trong buổi tọa đàm "Áo dài - Niềm tự hào của người Việt".

Sáng 5.3, Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Q.7 tổ chức tọa đàm "Áo dài - Niềm tự hào của người Việt". Tọa đàm nằm trong chuỗi chương trình hưởng ứng Lễ hội Áo dài TP.HCM năm 2024 và chào mừng kỷ niệm 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 - 2024); 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8.3.1910 - 8.3.2024). Chương trình nhằm tôn vinh giá trị và lan tỏa tình yêu áo dài trong cộng đồng, đồng thời góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tất cả khách mời và khán giả đều mặc áo dài để tham dự chương trình.

Mỗi người Việt Nam đều là đại sứ của chiếc áo dài- Ảnh 1.

Nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng giới thiệu về sự thay đổi của chiếc áo dài VN qua từng thời kỳ

Thục Hiền

Chủ trì tọa đàm, tiến sĩ - chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai cho rằng: "Mỗi con người VN đều là những đại sứ của chiếc áo dài. Mặc lên mình chiếc áo dài với niềm tự hào chính là cách chúng ta khẳng định chủ quyền VN, khí chất người VN. Vì vậy, không ai khác, chính chúng ta là tiếng nói để lan tỏa tình yêu áo dài đến thế hệ trẻ, đến cộng đồng trong và ngoài nước".

Tuy nhiên, tiến sĩ Mai cũng trăn trở vì cùng với tiến trình phát triển của lịch sử, chiếc áo dài có nhiều cách tân để phù hợp với thời đại. Song, có nhiều trường hợp người may lạm dụng 2 chữ "cách tân" mà sáng tạo quá đà làm mất đi bản sắc vốn có của chiếc áo dài truyền thống.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Lê Sĩ Hoàng, thạc sĩ nghệ thuật, nhà thiết kế áo dài, nhà sáng lập Bảo tàng Áo dài, đã trình chiếu tư liệu giới thiệu về lịch sử và sự thay đổi của chiếc áo dài VN qua từng thời kỳ phát triển của đất nước. Qua đó, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã chỉ ra những chi tiết mà người thiết kế nên lưu ý khi may để giữ được nét trang trọng, kín đáo và đảm bảo yếu tố truyền thống cho bộ áo dài như: tà áo nên dài tới mắt cá chân, hạ eo phải bằng hoặc thấp hơn lưng quần, khi chọn vải hoặc thiết kế cần chọn họa tiết nhẹ nhàng và phù hợp ngữ cảnh, mục đích sử dụng trang phục này…

Mỗi người Việt Nam đều là đại sứ của chiếc áo dài- Ảnh 2.

Tất cả người tham dự đều mặc áo dài

Thục Hiền

Mỗi người Việt Nam đều là đại sứ của chiếc áo dài- Ảnh 3.

Tiến sĩ Lý Thị Mai và nhà thiết kế Sĩ Hoàng trong buổi tọa đàm

Thục Hiền

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cũng khẳng định: "Áo dài là một di sản có lịch sử lâu đời và đã trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng cho văn hóa Việt. Mặc trên mình chiếc áo dài, mỗi công dân có trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc. Không chỉ phụ nữ, mỗi con người VN đều có trách nhiệm lưu giữ nét đẹp của chiếc áo này. Đặc biệt, các bạn trẻ nên tìm hiểu kiến thức về áo dài, để từ đó lan tỏa tình yêu đối với trang phục truyền thống, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.