Tiếp sức người lao động: Mỗi người nghèo là một doanh nhân

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
03/05/2023 06:18 GMT+7

Với sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ VN TP.HCM, hàng ngàn ý tưởng, giấc mơ kinh doanh, khởi nghiệp của chị em phụ nữ ở TP.HCM đã được hiện thực hóa...

XƯƠNG RỒNG TRÊN CÁT

Qua cầu Trần Quang Cơ (P.Hiệp Thành, Q.12) rồi đi chừng 1 cây số là đến địa phận xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn. Nơi đây có vườn rau khoảng 3.000 m² của chị Nguyễn Thị Thoan (49 tuổi, hội viên Chi hội phụ nữ khu phố 4, P.Hiệp Thành, Q.12).

Hẹn 2 tuần liền chúng tôi mới gặp được chị Thoan bởi thứ hai, tư, sáu hằng tuần chị phải vào viện điều trị bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, có ngày mệt quá chị không nghe được điện thoại.

Hôm chúng tôi đến gặp, chị Thoan đi từ vườn rau vào, dáng người nhỏ nhắn, chị mở khẩu trang và dặn đừng quay phim vì hôm trước chị sơ suất bị ống nước trong nhà giàn đập vào mặt, bầm tím hết.

Vườn rau của chị Thoan trồng đủ loại, nhiều nhất là cải, ngò, dấp cá… Hằng ngày thu hoạch cũng được từ 200 - 300 kg tùy thời tiết, chồng chị chở đi phân phối ở chợ Hóc Môn. Nhờ vườn rau, gia đình chị sống dư dả. Nhưng để có được như hôm nay, hai vợ chồng chị đã phải tảo tần, vật lộn mưu sinh biết bao nhiêu năm.

Tiếp sức người lao động: Mỗi người nghèo là một doanh nhân - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thoan với vườn rau xanh 3.000 m² ở H.Hóc Môn

PHẠM THU NGÂN

Chị Thoan kể hồi xưa hai vợ chồng từ Nam Định vào, trọ ở Q.Gò Vấp để làm công nhân. Sau hơn chục năm làm quần quật, chị cũng lo cho con học hành đàng hoàng và chắt chiu dành dụm mua được miếng đất xây nhà. Những tưởng cuộc sống êm đềm, ai ngờ tới năm 2011 chị phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối.

"Trị bệnh tốn kém vô cùng, mỗi tháng cả chục triệu đồng, lương vợ chồng tôi không kham nổi. Mỗi lần chạy thận, tôi phải bắt xe buýt đi đi về về. Có lần trong túi không đủ tiền, tôi phải bắt xe ngược về để vay hàng xóm", chị Thoan kể.

Vừa điều trị bệnh, chị Thoan vừa cố gắng duy trì công việc ở công ty, nhưng sức khỏe ngày một yếu, rồi công việc lại bấp bênh vì dịch Covid-19 nên hai vợ chồng chị quyết định nghỉ hẳn để chuyển sang trồng rau.

"Ban đầu có ý tưởng làm vườn nhưng không có tiền nên phải chạy vạy đi vay. Năm 2019, người ta sang vườn rau lại giá 300 triệu đồng, nhưng cả nhà vét sạch chỉ được 30 triệu đồng. May mắn được Hội Liên hiệp Phụ nữ P.Hiệp Thành giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Quỹ CWED), tôi mới gom góp đủ tiền. Sau đó cứ lần hồi làm rồi trả hết nợ", chị Thoan cho hay.

Hội Liên hiệp Phụ nữ VN TP.HCM đánh giá chị Thoan là tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu của P.Hiệp Thành. Các sinh hoạt của chi hội khu phố chị Thoan đều tham gia. Chị đóng góp rau cho các chương trình như "Suất ăn 0 đồng", "Phiên chợ 0 đồng" hỗ trợ người khó khăn…

"Bệnh tình như thế nên tôi cũng không biết mình sẽ sống được bao lâu, nhưng tôi biết mình phải sống hết mình, chịu khó và mạnh dạn, nỗ lực vươn lên. Tôi rất cảm ơn hội phụ nữ vì họ giúp tôi nhiều lắm, từ vật chất cho tới tinh thần. Lúc dịch giã không bán được rau, bên hội cũng giúp tôi tìm nguồn phân phối. Nghĩ lại, tiền điều trị bệnh cũng nhờ thu nhập từ vườn rau này, nếu không có nó chắc tôi phải bán nhà và không biết mình sẽ thế nào", chị Thoan chia sẻ.

Tiếp sức người lao động: Mỗi người nghèo là một doanh nhân - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Tiền tham gia hoạt động thiện nguyện của Chi hội phụ nữ ấp Đình, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi

PHẠM THU NGÂN


TẠO VIỆC LÀM CHO HỘI VIÊN KHÓ KHĂN

Không chỉ chị Thoan, đã có hàng ngàn chị em ở TP.HCM cải thiện được cuộc sống nhờ nguồn vốn của Quỹ CWED.

Như chị Nguyễn Thị Tiền (59 tuổi, H.Củ Chi) vay Quỹ CWED 30 triệu đồng năm 2021 để mua thêm phụ liệu may. Chị nói ngày xưa hai vợ chồng từ Long An lên ở trọ bên Q.Tân Bình, chồng chị làm công nhân, còn chị may gia công tại nhà. Hai vợ chồng chị chắt chiu từng đồng lo cho các con ăn học, rồi mua được miếng đất nhỏ ở H.Củ Chi và xây nhà. Nhưng lúc ngặt quá, không đủ tiền mua vật liệu, chị không biết vay ai.

"Từ trước tới nay hai vợ chồng đều tự lập, tự lo cho gia đình, không ai giúp mà cũng không biết hỏi ai", chị Tiền nói. Khi biết tới nguồn quỹ của hội phụ nữ, chị Tiền rất mừng.

Chị đề xuất được vay và khi được cấp vốn, chị mua thêm nguyên vật liệu may mặc. Từ đó, lượng hàng nhiều hơn trước, đời sống tốt dần lên. Sau khi trả hết nợ, chị vay thêm một lần nữa để sửa nhà.

"Nhà tôi năm ngoái muốn sập, phải vay thêm lần 2. Bây giờ cuộc sống ổn rồi, các con cũng đã lớn, chứ mấy năm trước vất vả lắm", chị Tiền kể.

Khó khăn là vậy nhưng chị Tiền vẫn nhiệt tình trao đi những điều tốt đẹp mà mình có được. Giờ chị là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Đình, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi.

Chị Tiền nói tham gia công tác phụ nữ vì vui và vì thật tâm muốn cống hiến. Vào hội rồi, chị cùng các chị em sinh hoạt, nấu cơm tình thương, giúp người khó khăn khác. Chị tâm niệm: "Mình khổ nhưng còn nhiều người khổ hơn. Mình đi lên từ cái khổ nên biết thương những người khổ, lâu lâu góp chút đỉnh, không góp vật chất thì góp sức lực, cái tâm của mình, chỉ mong cùng các chị em dìu dắt nhau vượt qua khó khăn".

Hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ VN TP.HCM không chỉ dừng lại ở cho vay vốn. Trong những năm qua, Hội đã có nhiều sáng kiến, chương trình để cải thiện cuộc sống của nhiều phụ nữ, điển hình như chương trình "Khởi nghiệp cùng Coslady - Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp 0 đồng" của chị Trần Thị Lệ Hằng.

Chị Hằng mở công ty sản xuất mỹ phẩm thương hiệu Coslady năm 2014. Chị chia sẻ rằng với chị, hoạt động kinh doanh không tách rời hoạt động cộng đồng. Thế nên năm 2020, được sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ VN Q.8 và TP.HCM, chị Hằng mạnh dạn triển khai chương trình khởi nghiệp cho chị em có hoàn cảnh khó khăn. Với mức hỗ trợ 100 triệu đồng từ hội phụ nữ, chị tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, đào tạo, trải nghiệm sản phẩm cho các hội viên nói riêng và chị em công nhân, người có hoàn cảnh khó khăn nói chung.

"Chị em muốn kinh doanh sẽ được hội giới thiệu với công ty để làm đại lý hoặc cộng tác viên. Đến nay chương trình có 50 chị em tham gia. Nhờ đó, chị em có thêm một khoản thu nhập để cải thiện cuộc sống", chị Hằng nói và cho biết mong muốn chương trình có thể tiếp cận nhiều người khó khăn hơn ở khắp các quận, huyện TP.HCM. (còn tiếp) 

Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" (Đề án 939) tại TP.HCM do Hội Liên hiệp Phụ nữ VN TP.HCM thực hiện có điểm nổi bật khi năm 2022 đã vượt chỉ tiêu, giúp 2.340 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp.

Thông qua hoạt động đào tạo tập huấn, cập nhật các kiến thức quản lý kinh doanh, kỹ năng bán hàng, giới thiệu, kết nối hỗ trợ vốn… hội viên của đơn vị, đời sống phụ nữ ở TP.HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế gia đình ổn định, tạo thêm nhiều việc làm cho chị em khó khăn khác. Đây cũng là đề án hướng đến thúc đẩy mục tiêu bình đẳng giới khi nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.