Mới lạ với dự án khởi nghiệp của sinh viên

27/10/2019 20:42 GMT+7

"Dreamer - Căn hộ sinh viên thông minh", khởi nghiệp từ trái quách, cà phê chia sẻ...là những dự án khởi nghiệp được đánh giá cao và gây ấn tượng với giám khảo trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi Người Nhân văn khởi nghiệp.

Nguyễn Hương Duyên (18 tuổi) đến từ Cần Thơ là sinh viên năm 1 (khoa Xã hội học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) chủ nhân của dự án  khởi nghiệp "Dreamers - Căn hộ sinh viên thông minh" vừa đoạt giải khuyến khích cuộc thi Người Nhân văn khởi nghiệp do Trường ĐH Khoa học Xã hội-nhân văn TP.HCM tổ chức dành cho các sinh viên, học viên trên địa bàn TP.HCM.

Hiện thực hóa không gian sống

Dreamer - Căn hộ sinh viên thông minh là dự án cải tạo xã hội, khắc phục hạn chế của Ký túc xá (KTX) và nhà trọ. Ngoài ra, căn hộ này còn trang bị ứng dụng thông minh “Home Plus” liên kết thanh toán tiền, và phản hồi ý kiến, giữa chủ nhà và người thuê căn hộ thông qua phần mềm trên điện thoại. Bên cạnh đó, người thuê khá an tâm về an ninh vì sử dụng khóa thông minh bằng thẻ cảm biến dấu vân tay, kết hợp với việc lắp camera xung quanh tòa nhà. Điều này tạo ra môi trường sống thoải mái, lý tưởng, và đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết cho sinh viên.
Nói về việc nảy sinh ra ý tưởng và đến với cuộc thi, Nguyễn Hương Duyên chia sẻ: “Dự án này mình đã hình thành ý tưởng từ lâu và xuất phát từ truyền thống gia đình mình làm về nhà ở xã hội. Từ đó, mình suy nghĩ đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống của sinh viên. Điều ấy thôi thúc bản thân mình khi đã trở thành sinh viên . Mình mạnh dạn đem ý tưởng của bản thân, đăng ký chương trình Người Nhân văn khởi nghiệp với mong muốn mọi người có thể góp ý cho dự án của mình để hoàn thiện hơn".

Nguyễn Hương Duyên nhận giải Khuyến khích tại cuộc thi

BTC

Ông Trần Văn Liêng, Tổng giám đốc Công ty Vinacacao, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi, nhận xét: “Dự án khởi nghiệp Dreamer cần phải mở rộng ra, tạo một giấc mơ mới cho hàng triệu sinh viên. Cần bổ sung thêm một phần mềm cho tất cả sinh viên khi thuê trọ biết được chỗ an ninh phù hợp để thuê. Nó không chỉ là KTX mà cả những nhà trọ đạt chuẩn’’.

Làm mới sản phẩm của quê hương

Vượt qua hơn 50 ý tưởng, Nguyễn Thành Gia, 18 tuổi sinh viên năm nhất ngành tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM xuất sắc giành giải nhất với dự án khởi nghiệp từ trái quách.
Tại chung kết, Nguyễn Thành Gia đã giới thiệu một số sản phẩm được làm từ trái quách như kẹo dẻo, mức đông, bột quách, trà túi lọc, rượu.

Nguyễn Thành Gia xuất sắc giành giải nhất với đặc sản từ quê hương Trà Vinh

Tấn Đạt

Thành Gia cho hay trái quách khá phổ biến của đồng bào Khmer ở Trà Vinh nhưng được người dân trồng chủ yếu làm bóng mát hoặc ăn trong gia đình vì rất rẻ, nếu bán chỉ 3.000-4.000 đồng/trái. “Cứ đến mùa người dân mới hái ăn hoặc ngâm rượu uống nên rất ít người biết. Có lần chị của em nói đùa “giá như trái này cũng được chế biến thành đặc sản như kẹo dừa để ăn quanh năm thì tốt biết mấy”. Nghe vậy, tự nhiên em ấp ủ làm sao dự án chế biến trái quách thành năm sản phẩm gồm kẹo dẻo, mứt đông, bột quách, trà túi lọc, rượu”, Thành Gia chia sẻ.
Các sản phẩm được nghiên cứu và sản xuất với tiêu chí tạo ra sản phẩm an toàn và mang lại sức khỏe tốt cho người tiêu dùng, các sản phẩm đã được kiểm nghiệm vi sinh với kết quả đạt chuẩn. “Phân tích đặc tính của trái quách, mình đã thu được nhiều kết quả tích cực như: Trái quách có chứa hàm lượng polyphenol rất cao (gấp 03 lần trà xanh), là chất chống oxy hóa, kháng viêm và làm đẹp rất tốt. Ngoài ra, theo dân gian thì trái quách còn giúp trị bệnh về táo bón, tiêu hóa, xương cốt”, Thành Gia cho biết
Là giám khảo tại cuộc thi, anh Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhận định: “Đây là sản phẩm thực tế không và mơ hồ, mà khả năng triển khai thác rất  cao. Còn là một sản phẩm văn hóa không chỉ là Trà Vinh mà còn là văn hóa ở các tỉnh miền Tây. Bên cạnh đó, sản phẩm giúp đồng bào Khmer có được một nguồn thu kinh tế rất cao, và tạo ra được một sản phẩm văn hóa đặc trưng của tỉnh Trà Vinh từ đó làm tiền đề để phát triển du lịch”.

Cà phê ... tâm lý

Trong khi đó nhóm Green Life với ý tưởng “Cà phê xanh – Cà phê chia sẻ” đã giành giải nhì tại cuộc thi. Đại diện nhóm, Nguyễn Ngọc Thanh Huy, 20 tuổi, sinh viên năm 3 ngành Công tác xã hội trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết: “Dự án là một mô hình phục vụ cà phê kết hợp với chăm sóc sức khỏe tinh thần, gọi nôm na là huấn luyện viên tinh thần cho bạn. Đối tượng hướng tới là các  sinh viên đang gặp khó khăn trong vấn đề về tâm lý và  người không bị bệnh cân bằng tâm lý tốt hơn trong học tập và công việc”.

Nhóm Green Life với ý tưởng Cà phê xanh- cà phê chia sẻ giành giải nhì

Tấn Đạt

Nguyễn Ngọc Thanh Huy cho biết thêm: “Người tư vấn cho khách là những sinh viên, chuyên gia từ ngành tâm lý học. Tụi mình tiếp cận với góc độ là chia sẻ nên các bạn ấy đến với không gian của tụi mình sẽ giống như là bạn bè với nhau. Nếu mà ai có dấu hiệu nặng về bệnh tâm lý thì tụi em sẽ kết nối với những phòng tham vấn có chuyên môn cao”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.