Mời giỗ

17/06/2012 03:04 GMT+7

Trong hầu khắp các gia đình Việt Nam ta, giỗ (hay kỵ) là những ngày đại sự trong năm mà mọi thành viên đều ghi nhớ nằm lòng, thậm chí có những bậc lão làng còn nhớ cả ngày kỵ của mọi nhà trong tộc họ. Đám giỗ không chỉ là lễ kỷ niệm người quá cố mà còn là dịp để họp mặt con cháu và thể hiện tình thân đối với bà con xóm giềng.

Nhớ ngày xưa, nhà tôi mỗi năm có chừng bảy, tám viên giỗ, bởi cha tôi là trưởng nam, là truyền nhân của ngôi nhà ngói năm gian từ thời ông Tằng để lại. Giỗ lớn như giỗ ông cố, ông nội thường là mười mâm. Giỗ ông chú, bà cô vô tự chí ít cũng ba mâm. Trong ký ức về ngôi nhà xưa của tôi có niềm hân hoan của những ngày giỗ chạp.

Mẹ tôi rất đảm đang trong việc giỗ kỵ, nêu gương sáng của một bà dâu trưởng. Trong mỗi lứa heo, bà chọn một con tốt nhất để nuôi thịt, dành riêng cho một viên giỗ, thường là cách sau đó từ sáu tháng trở lên. Cha tôi thì ưu tiên chăm chút các mảnh ruộng hương hỏa sao cho được nhiều lúa nếp để gói bánh, tráng mì, đổi rượu. Còn lóc nhóc như tôi thì được cha gọi lên và giao việc, một công việc không kém phần gian nan thử thách: Đi mời đám giỗ.

Bảo rằng gian nan bởi vì từ một hai hôm trước ngày giỗ tôi phải tất bật băng rào từ nhà này sang nhà khác, từ xóm dưới đến xóm trên. Đó là chưa kể nếu nhà nào vắng người thì phải đi mời lại vào lúc khác cho kỳ được mới thôi. Bảo rằng thử thách vì phải tập cách nói năng, cách vòng tay thưa gửi. Ngoài ra còn phải biết các phép tắc ứng xử trong nhiều tình huống khá phức tạp. Chẳng hạn nếu chủ nhà đang ở ngoài vườn thì phải mời vào nhà, dứt khoát không được bạ đâu mời đấy. Kể cả khi họ đang lúi húi dưới bếp cũng phải mời lên nhà trên mới được thưa. Đã vậy, việc thực thi các phép tắc này không phải lúc nào cũng dễ chịu.

Ngoài ra, khi đi mời nếu gặp nhà có nhiều người thì cũng phải mời tất, mặc dù thông thường chỉ một người đại diện nhận lời. Và giả như trong nhà người ta đang có khách thì không phải cụp mắt ngó lơ mà phải mời đưa theo mẫu câu sau:

- Dạ... tiện thể gặp đây, mời chú (cô...) vui lòng ghé sang nhà uống ly rượu, cha con rất mừng...

Chắc chắn người ta sẽ cảm ơn và từ chối khéo. Nhưng nếu thấy người ngoại cuộc mà bỏ qua thì thế nào sau này cha mẹ cũng sẽ bị trách là không biết dạy con. Cũng vì ngại con nít nói không ra đàng mà nhiều bậc cha mẹ thường tự thân đi mời, nhất là đối với những vị tộc nhơn kỳ lão.

Đi mời đám giỗ ở thời... chưa xưa lắm là vậy. Phải chăng đó cũng là một nét chấm phá không thể thiếu được trong bức tranh văn hóa tộc họ, văn hóa đám đình mà cha ông ta đã trân trọng giữ gìn. Ngày nay, tuy rằng có thể sử dụng các phương tiện mới nhằm tiết kiệm thời giờ, nhưng có lẽ cũng không nên giản lược và bỗ bã đến mức sử dụng những lời mời đại loại như: A lô! Mai giỗ bà cụ, tới nhậu chơi nhé!

Phan Văn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.