Mối đe dọa từ việc Trung Quốc trao quyền nổ súng cho ‘hung thần’ ở Biển Đông

Văn Khoa
Văn Khoa
26/01/2021 18:53 GMT+7

Chuyên gia về luật biển của Philippines Jay Batongbacal hôm nay 26.1 cảnh báo luật mới của Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng chống tàu nước ngoài là mối đe dọa tiềm tàng đối với các bên khác ở Biển Đông.

Hôm 22.1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký sắc lệnh ban hành Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh dùng vũ khí chống tàu nước ngoài trong cái gọi là vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này. Luật mới có hiệu lực từ ngày 1.2.2021, theo Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN).
“Việc ban hành luật này là rõ ràng nhằm gửi thông điệp tới các nước khác rằng họ (Trung Quốc) sẵn sàng dùng vũ lực chống lại tàu của nước khác. Bạn có thể xem đó là mối đe dọa tiềm tàng vì chúng ta trải qua nhiều vụ việc mà trong đó tàu hải cảnh của Trung Quốc can thiệp vào hoạt động của các tàu Philippines trong vùng biển Philippines, ít nhất trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”, ông Batongbacal nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh ABS-CBN .
Ông Batongbacal bày tỏ quan ngại rằng các ngư dân Philippines ở những thị trấn ven Biển Đông có thể bị tổn hại, sau khi họ đã trải qua tình trạng bị tàu Trung Quốc quấy rối ở bãi cạn Scarborough. Ông cho rằng, với luật mới, Bắc Kinh gửi thông điệp rằng khi các ngư dân đối đầu với tàu hải cảnh, họ nên sợ rằng họ có thể bị những tàu Trung Quốc này bắn. Chuyên gia Batongbacal còn cho rằng luật mới sẽ cản trở việc cho ra Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tảu hải cảnh Trung Quốc (lớn) trong một lần so kè với tàu Philipines ở Biển Đông

AFP

Nhằm ngăn chặn mưu đồ của Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, các bên cần gửi thông điệp rõ ràng rằng sẽ không cho phép Bắc Kinh dùng vũ lực để củng cố tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở vùng biển này. “Bất kỳ việc dùng vũ lực phải bị xem là hành động thù địch hoặc hành động gây hấn. Nó tương đương hành động chiến tranh theo một cách nào đó và tôi không nói quá vì Hải cảnh Trung Quốc không phải là lực lượng dân sự, không giống như lực lượng của các nước khác”, ông Batongbacal nhấn mạnh.
“Hải Cảnh Trung Quốc chịu sự chỉ đạo của Quân ủy trung ương Trung Quốc. Vì vậy, đó là một lực lượng quân sự và việc sử dụng vũ lực nên bị xem là hành động quân sự. Điều đó cho thấy mức độ nghiêm trọng đến mức nào”, ông Batongbacal cảnh báo.

Hai tàu hải cảnh Trung Quốc có hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông vào tháng 9.2019

Ngư dân cung cấp

Trong kế hoạch tái cấu trúc các cơ quan nhà nước được công bố vào ngày 21.3.2018, lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẽ nằm dưới sự chỉ đạo của Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc (PAP), theo tờ South China Morning Post. Kể từ tháng 1.2018, PAP cũng chỉ nhận chỉ đạo từ Quân ủy trung ương (CMC). Trước đó, PAP do CMC và Quốc vụ Trung Quốc cùng lãnh đạo.
Ngoài ra, tờ Nikkei Asian Review ngày 21.6.2020 đưa tin Trung Quốc sẽ đẩy mạnh sự phối hợp giữa lực lượng hải cảnh và quân đội khi cho phép 2 bên tập trận chung và tham gia các chiến dịch cùng nhau nếu xảy ra chiến tranh. Nội dung này được đề cập trong dự thảo đề xuất sửa đổi luật liên quan PAP, được thông qua bởi Ủy ban Thường vụ đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (quốc hội) Trung Quốc vào ngày 20.6.2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.