Mốc son quan hệ Việt - Nhật

Ngày 2.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã có cuộc hội kiến với nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới VN.

Thay mặt Chính phủ và nhân dân VN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng chuyến thăm lịch sử của nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản đến VN; coi đây là dấu mốc quan trọng, đáng ghi nhớ, biểu tượng trong quan hệ hợp tác hữu nghị thân thiết giữa hai nước; cảm ơn tình cảm tốt đẹp và sự quan tâm sâu sắc mà nhà vua, hoàng hậu và Hoàng gia Nhật Bản dành cho đất nước và nhân dân VN cũng như quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Nhật và sự hỗ trợ hiệu quả của chính phủ Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, ở vị trí là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của VN.
Nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản bày tỏ xúc động trước sự đón tiếp trọng thị, nồng ấm của lãnh đạo, nhân dân VN. Nhà vua và hoàng hậu cũng cảm ơn tình cảm của nhân dân VN đối với Nhật Bản thông qua việc bảo tồn và giữ gìn các di tích và kiến thức của Nhật Bản tại Hội An và sự hỗ trợ của nhân dân VN trong việc khắc phục hậu quả động đất sóng thần tại Nhật Bản năm 2011.
Cuối buổi tiếp, Thủ tướng đã trân trọng mời các thành viên Hoàng gia Nhật Bản thăm VN dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao VN - Nhật Bản vào năm 2018 và bày tỏ mong muốn sớm được gặp lại nhà vua và hoàng hậu trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản thời gian tới.
Trưa 2.3, tại Hà Nội, nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản đã có buổi nói chuyện, thăm hỏi những gia đình Việt - Nhật (vợ, con, cháu của những người lính Nhật sau năm 1945 gia nhập Việt Minh, kết hôn cùng phụ nữ VN). Có 8 gia đình được tham dự buổi nói chuyện này. Tại buổi nói chuyện, nhà vua Akihito và hoàng hậu Michiko đã thân mật hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống của các gia đình và chúc mọi người mạnh khỏe, bình an. Cúi đầu trang trọng chào bà Nguyễn Thị Xuân (94 tuổi, chồng bà Xuân là ông Shimizu Yoshiharu, tên VN là Nguyễn Văn Đức, năm 1954 ông Đức về nước và mất tại Nhật, họ chỉ gặp lại nhau một lần năm 2006), hoàng hậu Michiko ân cần nắm lấy đôi tay bà Xuân và khẽ nói: “Tôi được nghe câu chuyện về gia đình bà trước khi sang VN, bà thật vất vả quá. Tôi mong bà luôn mạnh khỏe”.
Nhà vua Akihito và hoàng hậu Michiko gặp mặt các gia đình cựu binh Nhật đang sống tại VN Ảnh: TTXVN
Gặp lại món quà tặng từ 40 năm trước
Chuyến tham quan Bảo tàng Sinh học (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) chiều 2.3 của nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản bất ngờ kéo dài hơn dự kiến. Trước đó, để chuẩn bị cho chuyến thăm này, Bảo tàng Sinh học đã lựa chọn 18 mẫu vật từ tổng số hơn 100.000 mẫu gồm cả thực vật, động vật có xương sống, không xương sống và dựng một gian trưng bày riêng ở tầng 1 tòa nhà Đại học Tổng hợp cũ (19 Lê Thánh Tông).
Trong số những mẫu vật tiêu biểu này có mẫu cá bống trắng là tiêu bản paratype do chính nhà vua Akihito, vào năm 1976 khi còn là hoàng thái tử, đã tặng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Bên cạnh đó còn có mẫu gà trống đuôi dài do hoàng tử Nhật Bản Akishino tặng bảo tàng hồi tháng 8.2012, khi ông viếng thăm VN với tư cách cá nhân để nghiên cứu về gà hoang dã. Là người trực tiếp thuyết minh cho nhà vua và hoàng hậu tham quan bảo tàng, TS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Bảo tàng Sinh học, cho biết bản thân rất ấn tượng trước sự quan tâm và am hiểu sâu sắc của nhà vua và hoàng hậu về các loài sinh vật cũng như công tác bảo tồn.
Nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản vẫy chào người dân khi đến thăm Bảo tàng Sinh học chiều 2.3 Ảnh: Ngọc Thắng
Trong cuộc trao đổi sau đó của nhà vua và hoàng hậu với lãnh đạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Bảo tàng Sinh học, TS Nguyễn Thành Nam cho biết nhà vua đã bày tỏ vui mừng khi thăm lại mẫu vật mà ông đã gửi tặng Đại học Tổng hợp Hà Nội từ cách đây hơn 40 năm. Nhà vua và hoàng hậu cũng đã cảm ơn bảo tàng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên đã lưu giữ, bảo quản chu đáo mẫu vật này. “Nhà vua đã đặt câu hỏi với chúng tôi rằng kể từ năm 1976 đến nay thì loài cá bống trên còn được công nhận là loài mới không? Khi được biết Glosssogobius sparsipapillus vẫn được công nhận là loài mới và được sử dụng trong các nghiên cứu của VN và thế giới thì nhà vua đã rất vui...”, TS Nguyễn Thành Nam cho hay.
Theo ông Nam, nhà vua Akihito cũng đã muốn tìm hiểu thêm rằng loài cá này hiện còn được tìm thấy ở tự nhiên hay không? “Khi chúng tôi cho biết loài này vẫn tồn tại trong tự nhiên và mới đây còn được phát hiện ở Campuchia thì nhà vua cho biết rất hạnh phúc vì loài cá bống mà ngài phát hiện vẫn còn tồn tại”, TS Thành Nam kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.