Mộc bản năm Chính Hòa thứ 18 là gì?

03/12/2022 07:19 GMT+7

Những tăng bổ nhằm biếm trích chúa Trịnh trong Nội các quan bản - theo Fedorin - không thể được thực hiện trước năm 1786, là năm chính quyền chúa Trịnh sụp đổ. Tuy nhiên, dấu vết của sự chèn chữ này trong các quyển 16, 17 Bản kỷ ít ra vẫn còn cho thấy người khắc in đã giữ lại diện mạo của ván in cũ mà người ta đã dựa làm mẫu để khắc các ván mới.

Hiện tượng này không còn thấy trong các quyển 18 và 19 Bản kỷ, hàm ý rằng các quyển này đã được “dàn trang” lại hoàn toàn. Chúng ta cũng nên nhớ rằng quyển 18 Bản kỷ của Nội các quan bản tương ứng với 3 quyển 20, 21 và 22 trong bản NVH (viết tắt của Nguyễn Văn Huyên). Cả hai bản này - theo Fedorin - đều cô gọn lại từ một bản thảo đầu tiên mà ta chưa biết. Theo Ngô Thế Long, bản NVH là “bản Phạm Công Trứ” và Nội các quan bản là “bản Lê Hy” cô gọn lại từ đó. Nhưng theo Fedorin, cả “bản Phạm Công Trứ” lẫn “bản Lê Hy” đều cô gọn lại từ một bản khuyết danh. Vậy bản đó là gì? Lại là một “mộc bản năm Chính Hòa thứ 18” nữa ư?

“Sử ký tục biên 10 quyển” trong Lịch triều hiến chương loại chí

Tư liệu

Từ khi bắt đầu nghiên cứu các bản in Ðại Việt sử ký toàn thư, người ta có xu hướng quy kết các bản cổ nhất là mộc bản năm Chính Hòa thứ 18, chủ yếu là dựa vào bài tựa của nhóm Lê Hy. Nhưng bài tựa của nhóm Lê Hy đã được tái hiện lại trung thành trong các bản sau thời Lê Trung hưng, và do đó nó không còn giá trị xác nhận niên đại. Cả Nội các quan bản và Quốc tử giám tàng bản ngày nay đều có 24 quyển. Nhưng theo học giả Phan Huy Chú (1782 - 1840), công trình của nhóm Phạm Công Trứ và Lê Hy có số quyển nhiều hơn thế.

Miếu hiệu chúa Trịnh Tùng trong bản A.4

tư liệu

Phần văn tịch chí của Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú dâng lên vua Minh Mạng năm 1821 có ghi rõ: Phần sách của nhóm Phạm Công Trứ biên soạn là Việt sử toàn thư bản kỷ tục biên gồm 23 quyển chia thành 3 phần: từ thời Hồng Bàng đến Lê Thái Tổ y theo sử cũ của Ngô Sĩ Liên và Vũ Quỳnh; từ Lê Thái Tông đến Cung hoàng thì theo bản Thực lục; chép thêm từ Trang Tông đến Thần Tông gọi là Tục biên. Phần sách của nhóm Lê Hy “chép tiếp từ Huyền Tông năm Cảnh Trị thứ 1 (1662) đến Gia Tông năm Ðức Nguyên thứ 2 (1675), chép sự thực trong 13 năm, cũng gọi là Bản kỷ tục biên”. Phan Huy Chú gọi phần sách này là “Sử ký tục biên, gồm 10 quyển”. Bài tựa sách Sử ký tục biên mà Phan Huy Chú chép lại chính là bài tựa của nhóm Lê Hy nằm trong quyển thủ của bộ Ðại Việt sử ký toàn thư Nội các quan bản và Quốc tử giám tàng bản. Trong 2 bản sách đó, phần sử của nhóm Lê Hy chỉ còn lại trong quyển 19 Bản kỷ, vỏn vẹn 44 tờ.

Thông tin của Phan Huy Chú được các nhà nghiên cứu Việt Nam biết đến từ lâu. Nhưng người ta không cho nó là đúng. Phan Huy Lê đơn thuần cho đó là một nhầm lẫn trong khi viết hoặc sao chép về sau, vì chỉ có 13 năm lịch sử chép trong 44 tờ không thể chia thành 10 quyển. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy có sự không nhất quán về số quyển của Sử ký tục biên của nhóm Lê Hy trong các bản Lịch triều hiến chương loại chí. Ta buộc phải xem xét nghiêm túc thông tin mà Phan Huy Chú cung cấp. Nhóm Lê Hy biên soạn lịch sử khi triều Lê Trung hưng đang thịnh và tư liệu lưu trữ vẫn còn. Vì vậy việc thông tin về 2 triều đại Huyền Tông, Gia Tông đồ sộ đến 10 quyển là một việc hoàn toàn có thể xảy ra. Chính sự đồ sộ đó của Sử ký tục biên của Lê Hy và có thể cả phần tục biên của nhóm Phạm Công Trứ dẫn đến việc các nhà in khác nhau phải tiến hành cô gọn chúng theo các cách thức khác nhau, từ đó có bản Ðại Việt sử ký tục biên bản NVH và Ðại Việt sử ký toàn thư Nội các quan bản như Fedorin đã phát hiện. Ở bản Nội các quan bản, 10 quyển của Lê Hy đã được cô gọn thành quyển 19 Bản kỷ, còn lời tựa của bộ này được đưa vào quyển thủ của toàn bộ sách. Ngày nay, một số sử gia hiện đại có xu hướng phê phán nhóm Phạm Công Trứ và nhóm Lê Hy như những sử thần lười biếng, chỉ biên soạn những bộ sử đơn giản và thiếu chi tiết. Nhưng nếu xét những thông tin mới thu thập được, e rằng 2 nhóm sử thần này đã bị kết tội oan. Mộc bản năm Chính Hòa thứ 18 (1697) rất có thể lên đến con số 33 quyển với dung lượng mỗi quyển đồ sộ hơn nhiều những gì ta biết.

Ðặc trưng thứ hai của mộc bản năm Chính Hòa thứ 18 - xét theo bản NVH - là sự đề cao vai trò của các chúa Trịnh. Ðiều này thể hiện trước hết trong việc ghi nhận miếu hiệu của chúa và thông tin của chúa ở đầu mỗi quyển, ngay sau phần miếu hiệu và thông tin của vua Lê. Xét về khía cạnh này thì ngoài bản in NVH, chúng ta còn một bản chép tay ký hiệu A.4 bao gồm 6 quyển (từ quyển 16 đến quyển 21, chép từ Lê Trang Tông đến thời kỳ trị vì thứ nhất của Lê Thần Tông, mỗi triều vua là một quyển). Tất nhiên, đừng vội quy chụp bản đó là “mộc bản năm Chính Hòa thứ 18”.

Vậy Nội các quan bản là gì đây? (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.