Mở room đón khối ngoại, SHB chuẩn bị các thương vụ 'khủng'

Anh Vũ
Anh Vũ
19/04/2021 17:56 GMT+7

Mở room đón khối ngoại, phát hành trái phiếu 500 triệu USD tại Singapore , bán vốn tại Công ty tài chính SHB Finance… là một loạt thương vụ "khủng” SHB vừa công bố hôm nay, 19.4.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021.
Tại đại hội, HĐQT ngân hàng này sẽ trình cổ đông thông qua tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại SHB.
SHB cho biết, theo quy định, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% và tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài không quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.
Do đó, để giữ lại một phần tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược do SHB lựa chọn có năng lực phù hợp và hỗ trợ mang lại lợi ích tốt nhất, HĐQT trình cổ đông thông qua tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của SHB là không quá 20% và chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài của SHB tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam là 10%, để tìm kiếm và lựa chọn đối tác chiến lược.
Thời gian dự kiến thực hiện tìm kiếm và lựa chọn đối tác là 1 năm, kể từ ngày ĐHĐCĐ thông qua việc chốt tỷ lệ nêu trên.

Cổ phiếu SHB tăng giá phi mã trong hơn 1 năm qua

Ảnh T.P

Theo dự kiến, tại đại hội, HĐQT của SHB cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành trái phiếu quốc tế theo chương trình (Euro Medium Term Note - EMTN) và kế hoạch niêm yết trái phiếu quốc tế tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore, sau khi hoàn tất các đợt phát hành.
Trong đợt phát hành đầu tiên, SHB của bầu Hiển dự kiến sẽ phát hành 300 triệu USD trái phiếu với thời hạn từ 3-5 năm, theo 2 loại hình: trái phiếu quốc tế cao cấp (không chuyển đổi, không có đảm bảo và không kèm chứng quyền) và trái phiếu quốc tế tăng vốn cấp 2 (được mua lại sau 5 năm 1 ngày, không có đảm bảo, không kèm chứng quyền, không chuyển đổi).
Thời gian dự kiến phát hành từ năm 2021 đến khi hoàn tất việc phát hành trái phiếu. Các đợt phát hành trái phiếu tiếp theo sẽ được thiết kế theo nhu cầu của SHB tại từng thời điểm và do HĐQT quyết định.

Bán bớt vốn SHB Finance thu về nghìn tỉ đồng?

Ngoài 2 thương vụ trên, theo nguồn tin của Thanh Niên, SHB cũng đã gần như hoàn tất việc bán bớt vốn tại Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHBFC). Thương vụ này chưa được công bố, nhưng tổng giá trị phần vốn mà SHB bán cho các đối tác có thể lên tới con số nghìn tỉ đồng.
Trước đó, một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề hợp tác với SHB để thúc đẩy hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng. SHB đánh giá khi các tổ chức này tham gia góp vốn, SHB sẽ tận dụng được kinh nghiệm triển khai, năng lực quản trị, hệ thống kênh phân phối hiện đại, chuyên nghiệp và công nghệ tiên tiến của các tổ chức này sẽ hỗ trợ SHBFC bứt phá, cạnh tranh thị phần với những đối thủ khác.
Ngoài lợi ích về kinh nghiệm của đối tác nước ngoài, SHB cũng dự kiến thu được lợi nhuận lớn từ việc thoái vốn cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
SHBFC có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng do SHB sở hữu 100% vốn. Công ty có tiền thân là công ty tài chính Vinaconex - Vietel, nhưng do quy định cơ cấu hệ thống các công ty tài chính của Chính phủ và NHNN nên đã chọn SHB để sáp nhập vào.
Trước đó, ông Đỗ Quang Vinh, Phó giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ SHB, được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên SHB Finance nhiệm kỳ 2016-2021, kể từ ngày 8.1.2021. Ông Vinh là con trai lớn của Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển, học ngành tài chính, ngân hàng tại ĐH Middlesex (Anh).
Năm 2020, SHB Finance ghi nhận kết quả kinh doanh khá ổn định với lợi nhuận trước thuế đạt 70 tỉ đồng, dư nợ cuối kỳ đạt 3.689 tỉ đồng, nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ, phục vụ gần 700.000 khách hàng. Tính đến cuối năm 2020, SHB Finance đã chính thức hoạt động toàn diện trên thị trường tài chính tiêu dùng được 3 năm, phủ rộng dịch vụ tại 40 tỉnh thành trọng điểm.
Cổ phiếu tăng "phi mã"
Trong khoảng hơn 1 năm qua, cổ phiếu SHB đã có các đợt tăng giá khá mạnh. Từ mức chỉ 5.000 đồng/cổ phiếu đầu tháng 1.2020, đóng cửa phiên giao dịch ngày 19.4.2021, SHB có mức giá 26.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 436%.
Ngoài thông tin về các thương vụ khủng kể trên, nguyên nhân tăng giá của SHB cũng đến từ việc nhà băng này đã xử lý được các khoản nợ xấu sau khi sáp nhập với Habubank. 
SHB cũng vừa được NHNN chấp thuận chia 10% cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 để tăng vốn điều lệ. Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức gần 21.300 tỉ đồng, tương đương tăng 21% so với vốn điều lệ hiện tại.
Năm nay, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 70% - mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay. Quý 1/2021, SHB ước tính lợi nhuận tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2020 (từ khoảng 70-100%).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.