Mở ra một hệ sinh thái sống đẹp

15/12/2022 07:08 GMT+7

Nói theo ngôn ngữ mùa màng thì đây là mùa thứ hai của Sống đẹp . Vượt lên khuôn khổ một cuộc thi viết, Báo Thanh Niên đã lan tỏa thông điệp sống đẹp một cách rộng rãi và mạnh mẽ đến với cộng đồng.

Đây có thể được coi là hành động thiết thực, đầy tính nhân văn, vực dậy đời sống tinh thần của người dân sau đại dịch Covid-19: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân (trích Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi)

Cùng với chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời quy mô lớn và tính thiết thực mang tầm vóc quốc gia, thì cuộc thi viết Sống đẹp như một điểm nhấn, một dòng chảy mát lành, tạo nhiều cảm xúc đẹp.

Nếu như ở mùa một, Sống đẹp chỉ có mảng ký sự - phóng sự - ghi chép (non fiction) thì ở mùa hai lại tăng cường thêm thể loại truyện ngắn (fiction), làm cho cuộc thi viết trở nên phong phú và thú vị bội phần.

Nội dung được chuyển tải nhiều nhất trong cuộc thi viết Sống đẹp là các gương mặt thiện nguyện, những người tự nguyện làm một nhịp cầu, dang tay với những mảnh đời bất hạnh, lao tới những miền khốn khó. Họ trước hết là những con người rất đỗi bình thường, thậm chí còn có nhiều khiếm khuyết về cơ thể, như Nguyễn Thị Nhung - trưởng nhóm Thiện nguyện Hạc Giấy (trong bài Người mang hạc giấy đi khắp muôn nơi của Liên Liên - Hà Nội), như cô Ba Đúa chèo đò ở Sóc Trăng (trong bài Đơn giản hóa nỗi đau của Bạch Dương - Sóc Trăng), như Quảng Đình Hậu ở Quảng Ngãi (trong bài Vòng xe của Hậu của Võ Minh Huy - Quảng Ngãi) … Nhưng việc làm của họ, xét theo khía cạnh nào đó lại hết sức phi thường.

Tập sách Sống là để cho đi (Báo Thanh Niên và NXB Trẻ phối hợp thực hiện) tập hợp các bài viết hay của cuộc thi Sống đẹp mùa 2

Quên đi nỗi đau của chính mình để mang lại niềm vui sống cho người khác, không chỉ là gương sống đẹp mà còn là hành động nghĩa nhân cao cả giữa đời thường. Nhưng, họ không hề đao to búa lớn, trái lại mộc mạc đến hồn nhiên, như em Xuân Ngân trong bài Em lấy chồng rồi thì ai lo cho người nghèo khó? (tác giả Trần Đình Phượng - Cần Thơ), như anh Lê Xuân Huy trong bài Anh Huy “búp bê” - tài xế xe buýt dễ thương (tác giả Chí Đoàn - TP.HCM), như thầy giáo Hoàng An trong bài Bài ca cuộc đời (tác giả Dương Giang Châu - Hưng Yên)…

Còn nhiều nữa, dường như cứ mỗi nhân vật lại “bật mí” cho chúng ta một câu chuyện lạ kỳ, một cách sống đặc biệt, vượt lên trên mẫu số chung của thành công là vẻ đẹp ấm áp của tâm hồn. Không có một định nghĩa chung nào cho “sống đẹp” cả, mà đơn giản nó xuất phát từ lòng trắc ẩn, đức hy sinh, tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng” mang tính truyền đời của dân tộc Việt.

Thông qua cuộc thi viết này, tôi cũng chợt nhận ra được một điều: Các nhân vật, hầu hết là giỏi làm hơn giỏi nói, sống tốt hơn nói hay, chân thành hơn khéo léo. Cuối cùng thì “Sống đẹp là sống tử tế chân thành”. Cái đẹp là điều thật.

Sống sót trong cuộc đời đầy bất trắc này thật khó, sống bình thường thôi đã khó, huống chi là sống đẹp. Sống đẹp, không phải là thứ đạo đức suông hay phô diễn làm màu, mà dấn thân hành động, biến tất cả những cảm xúc, ý niệm thành những việc làm cụ thể, dù là nhỏ bé nhất.

Sống đẹp, mô tả và diễn dịch thông điệp từ “người thật việc thật” đã khó, huống chi là hư cấu thành tác phẩm văn chương. Bởi bản chất văn chương với nghệ thuật ẩn dụ làm cốt lõi, thường khởi đi từ nỗi buồn, từ tinh thần “hiền minh của những hoài nghi”, từ những phân mảnh xáo trộn… Văn chương viết về “người tốt việc tốt”, không khéo dễ sa vào cái bẫy của minh họa thô thiển.

Rất mừng là trong cuộc thi viết Sống đẹp lần này, nhiều truyện ngắn đã nhuần nhuyễn chủ đề để bày biện cái đẹp của câu chữ, như: Còn trong cây lá bốn mùa (tác giả Mai Nguyên), Mắt biếc (tác giả Nguyễn Văn Thiện), Mưa ở Lũng Sơn (tác giả Diệp Trần), Khoảnh khắc (tác giả Trần Thị Ngọc Tú), Nhịp song lang giãn cách (tác giả Trần Thu Hằng), Qua miền bão gió (tác giả Dương Giang Châu)…

Đọc truyện ngắn tham gia Sống đẹp lần này, chúng ta thấy rất nhiều tác phẩm được xây dựng từ hiện thực của đại dịch Covid-19 vừa qua. Đây là một chủ đề lớn, chất liệu của nó hết sức ngồn ngộn nhưng cũng vô cùng vi tế, gợi mở. Nếu như chiến tranh có “hậu chiến tranh” thì đại dịch Covid-19 cũng có “hậu đại dịch”. Đó là những ám ảnh và dư chấn có thật, vô cùng khốc liệt chứ không phải mơ hồ. Trong bối cảnh đó, văn chương với những đặc tính nghệ thuật độc đáo, đã dự phần vào, mô tả và truyền tải những thông điệp cuộc sống, mà “sống đẹp” là một gợi ý, một đường dẫn mở ra miên man nghĩa tốt lành.

Sống đẹp, không chỉ là đẹp giữa người với người, mà còn đẹp giữa người với thiên nhiên. Qua đại dịch, một lần nữa chúng ta thấy tinh thần đại ngã, sự trong sáng và tự nhiên vẫn luôn là nền tảng cho con người trong xã hội hôm nay.

Sống đẹp - sống thiện cũng chính là một hệ sinh thái cần được mở ra và nhân rộng trong vũ trụ này.

Cuối cùng thì tôi nhận ra điều này: Những tác giả tham gia cuộc thi viết này cũng chính là những người sống đẹp hoặc đang trên hành trình khai triển, mang cái đẹp, điều thiện, việc nghĩa đến cho mọi người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.