Mở nút thắt, khai thác dư địa Khu công nghiệp

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
13/09/2021 14:00 GMT+7

Trong 2 năm “vướng” Covid-19, sự chuyển dịch của kinh tế Đà Nẵng tập trung vào công nghiệp, nhất là công nghệ cao đã cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết dư địa đối với lĩnh vực này, các vướng mắc trong trình tự thủ tục đang được chính quyền và doanh nghiệp đề xuất sớm tháo gỡ.

Trong 2 năm “vướng” Covid-19 vừa qua, sự chuyển dịch của kinh tế Đà Nẵng tập trung vào công nghiệp, nhất là công nghệ cao và cho thấy sự hiệu quả.

Tuy nhiên, về dư địa, TP.Đà Nẵng cần khẩn trương bởi 6 KCN (gồm KCN Đà Nẵng, Hòa Cầm giai đoạn 1, Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu, Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng) đã khai thác 675,8 ha trong tổng số 1.066 ha. Trong đó, KCN Hòa Khánh, KCN Đà Nẵng, KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng lấp đầy100%; các KCN Hòa Cầm - giai đoạn 1 đạt 98,23%, Hòa Khánh mở rộng đạt 93,18%; chỉ còn KCN Liên Chiểu mới khai thác 52,6%.

Do đó, TP.Đà Nẵng kêu gọi thu hút đầu tư 3 KCN mới gồm Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh nằm trong danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư giai đoạn 2020-2025 nhằm tạo cực tăng trưởng mới.

Cần điều chỉnh tiêu chí

Việc TP.Đà Nẵng thu hút đầu đầu tư 3 KCN mới nhận được rất nhiều sự quan tâm doanh nghiệp (DN) lớn. Cuối năm 2020, Đà Nẵng mở thầu sơ tuyển, đã có 8 nhà đầu tư kết nối. Họ đều là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực đầu tư KCN, trong đó có 1 nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng không nhà đầu tư nào đủ điều kiện tham gia đấu thầu tiếp theo, do không đạt tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm theo quy định.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, TP cố gắng chọn tiêu chí thấp nhất, đồng thời xin điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL Khu CNC và các KCN Đà Nẵng

Ông Bùi Đức Lợi, Phó giám đốc Công ty CP đầu tư KCN Hòa Cầm (Hòa Cầm Izi), cho biết công ty của ông tham gia đầu tư KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, nhưng không đạt vì tiêu chí đưa ra được đánh giá chung là quá cao. Ngay cả Hòa Cầm Izi đã hoàn thành hơn 95% KCN Hòa Cầm giai đoạn 1, có lợi thế hạ tầng đầy đủ… vẫn chưa đáp ứng tiêu chí. Ông Lợi đề xuất cần thay thế tiêu chí về hoàn thành các công trình KCN bằng kinh nghiệm tương đương vì đặc thù đầu tư KCN. Chưa kể, yêu cầu về vốn chủ sở hữu chiếm tỷ lệ % theo tổng vốn đầu tư quá cao (lên đến vài trăm tỉ đồng/dự án), trong khi dòng vốn DN luôn xoay vòng, không thể nhàn rỗi trong tài khoản để chứng minh.

Ba KCN kêu gọi đầu tư mới

KCN Hòa Ninh hơn 400 ha, vốn đầu tư gần 6.800 tỉ đồng thuộc nhóm ngành nghề công nghiệp điện tử, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm...

KCN Hòa Nhơn hơn 360 ha, vốn đầu tư 6.855 tỉ đồng, phục vụ nhóm ngành nghề công nghiệp nhẹ, cơ khí chính xác, dược phẩm, vật liệu xây dựng cao cấp…

KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 hơn 120 ha, gần 2.236 tỉ đồng, thuộc nhóm ngành nghề lắp ráp cơ khí, chế tạo phụ tùng điện và điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ gia dụng.

“Mặc dù biết các tiêu chí khắt khe là cần thiết để sàng lọc, tìm được nhà đầu tư đủ năng lực, nhưng nếu cao quá thì cũng rất khó đáp ứng. DN đề xuất TP.Đà Nẵng có tiêu chí gọn nhẹ hơn. Riêng khoản đảm bảo nguồn tiền đền bù để giải ngân khi triển khai giải phóng mặt bằng đã chiếm cả ngàn tỉ đồng”, ông Bùi Đức Lợi chia sẻ. Tương tự, với tiêu chí sơ tuyển KCN Hòa Ninh, có 3 nhà thầu không đạt vì không thể chứng minh đã hoàn thành dự án có tổng mức đầu tư trên 2.000 tỉ đồng trong 10 năm.

Trước các tiêu chí khắt khe khiến DN không để đáp ứng, TP.Đà Nẵng đã có động thái xin điều chỉnh tiêu chí xét thầu. Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, cho biết UBND TP đã trình Bộ KH-ĐT thẩm định, đánh giá, báo cáo Thủ tướng xem xét phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng 3 KCN trên. “Tiêu chí do Bộ KH-ĐT quy định, căn cứ thông tư mới. Sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, Đà Nẵng áp dụng thông tư mới và tiêu chí để mời thầu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, TP cố gắng chọn tiêu chí thấp nhất, đồng thời xin điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế”, ông Phạm Trường Sơn nói. Hiện Bộ KH-ĐT đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, BQL Khu Công nghệ cao và các KCN cũng bổ sung, giải trình để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ dự án, trình Thủ tướng phê duyệt, phấn đấu đấu thầu triển khai dự án trong quý 3.2021.

Đà Nẵng đặt mục tiêu mở rộng hơn 2.300 ha khu công nghiệp

Theo Quyết định 359 của Chính phủ năm 2021 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2045, Đà Nẵng đầu tư phát triển 2.326 ha khu công nghiệp (KCN) gồm: KCN Hòa Cầm giai đoạn 1, KCN Liên Chiểu; nâng cấp KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng thành KCN sinh thái; KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng; hình thành mới KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh và 58,5ha KCN hỗ trợ Khu Công nghệ cao (CNC). Đến nay, 6 KCN hiện hữu (gồm KCN Đà Nẵng, Hòa Cầm giai đoạn 1, Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu, Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng) đã thu hút 474 dự án đầu tư với tổng vốn 20.140 tỉ đồng và hơn 1,3 tỉ USD, đóng vai trò đáng kể trong thu ngân sách. Riêng năm 2020, dù Đà Nẵng là tâm dịch Covid-19 nhưng các KCN vẫn nộp ngân sách khoảng 2.275 tỉ đồng…

Vì việc, yêu cầu mở rộng thu hút đầu tư vào KCN đang khá cấp bách đối với TP.Đà Nẵng, đễ chủ động quỹ đất, thu hút đầu tư, phục hồi sau đại dịch Covid-19, tạo lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác đang mạnh về KCN, giảm thiểu tác động đối với đời sống người dân vùng quy hoạch (nếu chậm triển khai các KCN trên địa bàn)…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.