Mở 'luồng xanh' cho hành trình về quê ăn tết

04/02/2024 07:07 GMT+7

Từ hôm qua, hàng ngàn người dân từ TP.HCM trở về quê ăn tết khiến khu vực cửa ngõ TP, sân bay cũng như một số tuyến cao tốc quá tải. Đây là điều không thể tránh khỏi dịp cuối năm, nhưng ngành giao thông đã triển khai một loạt giải pháp để hành trình về quê ăn tết của người dân thuận lợi hơn.

Hàng không áp dụng loạt công nghệ mới "siêu xịn"

Chỉ còn 2 ngày nữa, ngày 6.2 (đúng 27 tháng chạp), hai cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Nội Bài (Hà Nội) sẽ chính thức triển khai thử nghiệm thu phí không dừng (ETC).

Đây là tin rất vui đối với những hành khách quen thuộc của ngành hàng không, bởi thời gian qua, ùn tắc trước cửa ngõ ra vào sân bay đã trở thành nỗi ám ảnh của cả hành khách lẫn tài xế taxi. Các trạm thu phí sân bay trong cả nước, đặc biệt là ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vẫn thu phí theo hình thức thủ công, tài xế phải dừng xe trước trạm thu phí để trả tiền mặt, khiến cho khu vực trạm trở thành nút thắt cổ chai, bên trong gây ùn nhà ga, bên ngoài thì dồn kẹt xe các tuyến đường thoát. Vì thế việc thu phí không dừng tại các cảng hàng không đã được Bộ GTVT thúc giục triển khai nhiều năm qua nhưng theo quy định hiện hành, tài khoản ETC chỉ thực hiện cho đường bộ, nên khi mở rộng dịch vụ sang thu phí ETC sân bay thì cần có sự điều chỉnh về mặt pháp lý.

Mở 'luồng xanh' cho hành trình về quê ăn tết- Ảnh 1.

Việc áp dụng các công nghệ mới, thủ tục nhanh gọn, đơn giản giúp giảm tải rất lớn cho sân bay Tân Sơn Nhất dịp cao điểm Tết Giáp Thìn 2024

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), trong thời gian chờ thông qua chủ trương, đơn vị này đã phối hợp với Công ty Công nghệ kỹ thuật số (HITD) tiến hành khảo sát, lên phương án lắp đặt thiết bị, kết nối hệ thống thu phí không dùng tiền mặt và tự động không dừng tại hai cảng hàng không trên. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản đã hoàn thành giải pháp kỹ thuật lắp đặt thiết bị, sẵn sàng triển khai thu phí thí điểm. Các thiết bị lắp đặt được kết hợp phương thức Tap & Go dựa trên công nghệ RFID giống như phương thức ở các trạm thu phí cao tốc. Cùng với đó, hệ thống còn có thêm phần mềm soát vé, thu phí trung tâm, quản trị, máy chủ ảo hóa, tường lửa, phần mềm giám sát hậu kiểm để đảm bảo hệ thống thu phí không dừng sân bay vận hành thuận lợi.

Theo nội dung Công điện số 10 ngày 29.1 của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch thử nghiệm đã được phê duyệt với thời gian từ 6.2 (ngày 27 tháng chạp) - 7.3. Cụ thể, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ triển khai thí điểm thu không dùng tiền mặt và thu tự động không dừng dịch vụ vào/ra, dừng/đỗ tại làn 5 và 6 khu vực Ga quốc nội; Cảng HKQT Nội Bài triển khai thí điểm tại làn 2, 4 khu vực Ga quốc nội.

Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá việc thí điểm thu phí không dừng tại các cảng hàng không sẽ đảm bảo lợi ích xã hội, gia tăng tiện ích, tạo thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ, góp phần giải tỏa ùn tắc nơi cửa ngõ sân bay, nhất là dịp cao điểm tết Nguyên đán.

Trước đó, 2 cảng hàng không lớn nhất cả nước này cũng đã áp dụng chính thức mô hình Phối hợp ra quyết định tại cảng hàng không sân bay (A-CDM) từ ngày 1.2. A-CDM được hiểu là quy trình đã thống nhất giữa các đơn vị điều hành khai thác tại sân bay, cung cấp nền tảng để các đơn vị phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác ra quyết định tại cảng hàng không. 

Việc triển khai mô hình quản lý khai thác mới áp dụng đúng dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2024 càng có ý nghĩa quan trọng bởi khi áp dụng A-CDM, lực lượng kiểm soát viên không lưu sẽ giảm tần suất liên lạc với tổ bay do thông tin giờ dự kiến nổ máy đã được hiển thị trên hệ thống dành riêng cho phi công, dẫn đến giảm khối lượng công việc. Các dữ liệu của chuyến bay được cập nhật liên tục và theo thời gian thực, giúp kiểm soát viên không lưu nắm rõ tiến trình quay đầu của từng chuyến bay để đưa ra quyết định chính xác, kịp thời và minh bạch.

Đối với hãng hàng không và đơn vị phục vụ mặt đất, mô hình này giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến bay nhờ tối ưu hiệu quả khai thác và giảm thời gian lăn của tàu bay. Quan trọng nhất, hành khách sẽ có những trải nghiệm tốt hơn do tàu bay giảm thời gian lăn, thời gian dừng chờ, hạn chế bay vòng…, đồng thời công tác phục vụ hành lý, hàng hóa của chuyến bay sẽ được cải thiện tốt hơn. 

Các đợt thử nghiệm trên chuyến bay hằng ngày tại Cảng HKQT Nội Bài, áp dụng trên các khung giờ thấp điểm/cao điểm và cả ngày 24/7 trong thời gian dài đã cho kết quả: chỉ số thời gian lăn của tàu bay trong khung giờ thử nghiệm thực tế A-CDM giảm so với cao điểm năm 2023 khi chưa áp dụng hệ thống. Theo tính toán, thời gian tàu bay lăn vào vị trí đỗ của chuyến bay giảm trung bình trên 30 giây và thời gian lăn ra để cất cánh, giảm gần 3 phút.

Giảm thời gian chờ nhập cảnh

Không chỉ hạ tầng nhà ga quốc nội được chăm chút, mùa tết cũng là mùa nhà ga quốc tế tại các cửa khẩu hàng không căng như dây đàn do đón lượng lớn Việt kiều và du học sinh hồi hương. Hình ảnh dòng người chật kín tại cửa ra nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất mỗi dịp cận tết đã trở nên quen thuộc tại sân bay nhộn nhịp nhất cả nước. Thế nhưng năm nay, hầu hết mọi người đều ghi nhận thời gian làm thủ tục nhập cảnh nhanh hơn mọi năm rất nhiều, không còn hình ảnh hàng ngàn người mỏi mòn xếp hàng cả giờ đồng hồ nhập cảnh rồi vây quanh các băng chuyền thêm hàng giờ chờ lấy hành lý như trước.

Mở 'luồng xanh' cho hành trình về quê ăn tết- Ảnh 2.

Hành khách nhập cảnh qua hệ thống autogate tại sân bay Tân Sơn Nhất

H.M

Đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 13 giờ chiều 1.2, Trần Thái Sơn (du học sinh Đức) chỉ mất tổng cộng 24 phút để làm thủ tục nhập cảnh và lấy hành lý. Đúng 13 giờ 30, người nhà đã đón được Sơn tại sân bay để trở về nhà. "Hai năm rồi tôi mới được về quê, đúng là mọi thứ đã khác nhiều. Ba hướng dẫn tôi đến đăng ký hộ chiếu để nhập cảnh qua cổng tự động (autogate) nên mọi thứ rất nhanh. Tôi đã đi nhiều quốc gia có sử dụng hệ thống này, nhưng cảm giác làm điều này ở VN thật sự rất khác. Đất nước đã phát triển rất nhiều rồi. Thật ra nếu không qua cổng autogate thì chờ nhập cảnh cũng không mất quá nhiều thời gian như lần trước tôi về. Tôi thấy mọi người thoát hàng rất nhanh", Thái Sơn kể.

Trao đổi nhanh với Thanh Niên, một cán bộ công an cửa khẩu Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết chưa có thống kê cụ thể nhưng ghi nhận giai đoạn cao điểm vừa qua, hệ thống autogate đã giúp giảm tải rất nhiều cho công tác duyệt thủ tục nhập cảnh. Hệ thống ngày càng được người dân biết đến và sử dụng nhiều, nhất là các bạn trẻ là du học sinh, năng động, thao tác rất nhanh. Một số khách sử dụng hộ chiếu không gắn chip điện tử phải đăng ký tại chỗ cũng được lực lượng công an cửa khẩu hướng dẫn, phê duyệt nhanh chóng và hài lòng với trải nghiệm nhập cảnh chưa đầy 1 phút này.

Người nhập cảnh rồi, hành lý cũng không thể chậm trễ. Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất năm nay cũng mở tới 2 cửa luồng xanh (luồng hành khách không phải khai báo hải quan, áp dụng đối với người xuất cảnh, nhập cảnh không có hành lý thuộc diện phải khai hải quan và không phải thực hiện khai báo hải quan) nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc đi lại của hành khách trong bối cảnh dự báo nhu cầu đi lại dịp tết 2024 có thể vượt qua cao điểm tết 2023. 

Các đối tượng người già, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ được các tình nguyện viên hỗ trợ tại các bàn hướng dẫn cũng như tại khu vực băng chuyền hành lý. Trường hợp khách quá đông, phía hải quan sẽ bố trí bàn làm thủ tục riêng cho kiều bào. Đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan ban, ngành để nắm bắt thông tin về tình hình chuyến bay và hành khách nhập cảnh, bố trí nhân sự làm việc liên tục 24/24 giờ để làm thủ tục thông quan hàng hóa, hành lý cho hành khách.

Sân bay Tân Sơn Nhất đã lên kịch bản cho những tình huống xấu nhất

Sáng 2.2, sương mù dày đặc tại miền Bắc và miền Trung khiến hàng trăm chuyến bay bị ảnh hưởng. Thông tin sơ bộ từ Cảng HKQT Nội Bài, có khoảng 9 chuyến bay sáng 2.2 phải chuyển hướng hạ cánh xuống các sân bay dự bị; 37 chuyến bay có lịch trình đến Nội Bài không thể hạ cánh; 54 chuyến bay khác không thể cất cánh rời khỏi sân bay đúng giờ vì thời tiết xấu. Tại các sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), Vinh (Nghệ An), Phú Bài (Huế), hàng loạt chuyến bay phải điều chỉnh thời gian cất cánh. Ảnh hưởng dây chuyền, hàng ngàn hành khách từ đầu sân bay Tân Sơn Nhất cũng phải chờ đợi do máy bay đến trễ hoặc khởi hành trễ. Tuy nhiên theo ghi nhận, dù hành khách đông kín nhà ga, từ khu vực sảnh chờ vào tới các nhà hàng, quán ăn nhưng không xảy ra tình trạng nhốn nháo, hỗn loạn.

Đại diện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết từ khi lên kế hoạch phục vụ cao điểm tết, các đơn vị đã xây dựng những kịch bản "xấu" nhất, ùn tắc nhất nên luôn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự tại nhà ga, không phải đến khi xảy ra sự cố mới vận động nhân lực tới giải quyết. Do đó, trong trường hợp bất khả kháng do thời tiết như tình trạng sáng 2.2, nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất tuy đông vì khách phải ngồi chờ lâu nhưng vẫn đảm bảo trật tự, phân luồng hành khách để giải quyết từng chuyến bay mạch lạc, không lộn xộn.

Một số đường bay địa phương đã bớt "nóng"

Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không, giai đoạn vừa qua, các hãng hàng không trong nước đã liên tục "thuê ướt" 15 máy bay (hợp đồng thuê ngắn hạn, có thể kèm cả tổ bay) đưa vào khai thác tăng cường phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán 2024. Nhờ vậy, một số đường bay địa phương đã bớt "nóng" so với tuần trước và một số ngày vẫn còn chỗ. Cục Hàng không đang tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các hãng hàng không, các cảng hàng không để có thể bổ sung tải cung ứng, dự kiến từ 2 - 3 chuyến bay/ngày trên một số đường bay từ TP.HCM đi các địa phương có nhu cầu cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.