Mở kho sách người Pháp viết về Việt Nam

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
28/08/2020 07:00 GMT+7

Nhiều cuốn sách do người Pháp viết về Việt Nam đã được dịch trong khoảng 10 năm gần đây. Việc phục dựng diện mạo lịch sử văn hóa Việt Nam một thời hiện rất cần đến nguồn tư liệu này.

Nhiều bản dịch, nhiều đơn vị xuất bản vào cuộc

Họa sĩ Trần Đại Thắng, Giám đốc Công ty sách Đông A, giới thiệu ấn bản Một chiến dịch ở Bắc Kỳ trên Facebook cá nhân của mình. Theo đó, có tới 9 điểm khác nhau của “ấn bản Đông A” so với nguyên bản tiếng Pháp và các ấn bản tương tự. Chẳng hạn, cuốn sách có lời giới thiệu 7 trang, lời dịch giả, dịch giả chú thích 759 chỗ, tặng thêm minh họa, phụ bản ảnh, chỉ mục, tài liệu tham khảo và chú thích bìa. Đây cũng là một phần của tủ sách Đông Dương do đơn vị này thực hiện.
Ngoài Đông A, Một chiến dịch ở Bắc Kỳ cũng đã được Omega Book giới thiệu, và Nhã Nam dự kiến ra mắt cuối năm nay. “Tôi nghĩ việc nhiều nhà sách dịch cùng một cuốn sách tiếng Pháp về Việt Nam là bình thường. Một phần vì không bị giới hạn về bản quyền (di cảo được bảo hộ quyền tác giả trong 50 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên). Một phần vì những cuốn này hiện cũng thu hút người đọc”, một nhà sưu tập sách nhận định.
Những cuốn sách người Pháp viết về Việt Nam được dịch liên tiếp trong thời gian gần đây có thể kể đến: Tâm lý dân tộc An Nam có hai đơn vị cùng làm là Omega và Nhã Nam; Hồi ức kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX do Thái Hà Book thực hiện; Xứ Đông Dương do Alpha Book dịch; Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam - một bộ máy hành chính trước thử thách do Nhã Nam tổ chức dịch…
Ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Omega Book, cho biết đơn vị của ông vừa hoàn thành giai đoạn 1 của tủ sách Pháp ngữ với 16 cuốn. “Giai đoạn 2 thực hiện tủ sách sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới và kéo dài trong 3 năm. Hai cuốn mở đầu sẽ là sách về giáo dục Pháp và thuộc địa”, ông Đại nói.
Về số lượng và chất lượng của những cuốn sách người Pháp viết về Việt Nam được dịch trong khoảng thời gian gần đây, TS Trần Đình Hằng, Viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế, nhận định: “Suốt một thời gian dài, có lẽ do khối lượng đồ sộ những cuốn sách người Pháp viết về Việt Nam chưa được giới thiệu, khai thác để đưa đến với độc giả nên khi xuất hiện đã được xã hội hồ hởi đón nhận, với những nhận định đa dạng tùy thuộc vào chuyên môn, sở thích của độc giả. Tuy nhiên, dù gì đi nữa thì những giá trị có được từ hai khía cạnh thông tin tư liệu và quan điểm, phương pháp luận cũng đã giúp bổ sung cần thiết cho người đọc hiện nay”.
Mở kho sách người Pháp viết về VN1

Bưu thiếp đi kèm với bản Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của Công ty sách Đông A

ẢNH: TRẦN ĐẠI THẮNG

Nguồn tư liệu tham khảo để phục dựng diện mạo lịch sử văn hóa

Theo TS Trần Đình Hằng, sự tác động nghiệt ngã của thiên tai, địch họa đã làm cho di sản thư tịch Hán Nôm của chúng ta bị mai một, tổn thất rất nặng nề. Do vậy, sự bổ sung nguồn thư tịch Pháp ngữ và kể cả Anh ngữ, hay Bồ ngữ... sẽ góp phần bổ trợ thiết thực cho những khoảng trống vắng trong lịch sử - văn hóa Việt Nam vốn có nhiều điểm vàng son rực rỡ.
Hiện tại, các đơn vị xuất bản đều cho rằng việc khó khăn nhất là tìm kiếm dịch giả tiếng Pháp có thể chuyển ngữ các tác phẩm người Pháp viết về Việt Nam. Chẳng hạn, Omega Book phải mất 3 năm để tổ chức đội ngũ biên dịch cho đợt sách đầu tiên.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Thái Hà Books, nói: “Hồi ức kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX là một cuốn khó. Tác phẩm đã được viết từ thế kỷ 19, thì khó cả về tiếng Pháp lẫn việc phải am hiểu văn hóa Huế. Bản thân tôi cũng học chuyên Pháp nhưng đọc có chỗ không hiểu, có chỗ không hiểu hết, có chỗ hiểu sai”.
Dịch giả Lê Đức Quang (người dịch Hồi ức kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX) đánh giá những cuốn sách của người Pháp cho thấy cách nhìn Việt Nam từ bên ngoài. “Đó là cái nhìn của kẻ khác. Chính nhờ con người này viết ra mà ta biết à té ra người ta nhìn mình như vậy”, ông nói. Cũng chính vì thế, khi dịch cần có độ tỉnh táo cũng như chú thích cặn kẽ để phản biện và bóc tách cái nhìn “thực dân” trong tác phẩm.
“Những cuốn sách người Pháp viết về Việt Nam sẽ là cứ liệu để chúng ta tham khảo một cách thiết thực trong suốt quá trình tái hiện, phục dựng diện mạo lịch sử văn hóa của một thời kỳ, một vùng đất, một nhân vật... Đó là chất liệu xác thực, quý giá để xã hội hiện đại có thể cảm nhận, thẩm thấu lịch sử văn hóa dân tộc một cách sâu sắc qua các phương thức tiểu thuyết hóa, điện ảnh hóa, sân khấu hóa... đầy sức thuyết phục, đặc biệt là hữu hiệu đi vào lòng người, vào tâm hồn lớp trẻ”, TS Trần Đình Hằng nhận định.
Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (VICAS) đang tổ chức dịch những cuốn sách người Pháp viết về Việt Nam, ông Hằng cho biết: “Hiện ngân sách nhà nước khó có thể ưu tiên cho những đầu tư này nên chúng tôi vận dụng và kêu gọi, kết hợp từ nhiều nguồn, theo tinh thần xã hội hóa”.
Việc chuyển tải một tài liệu từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt không đơn giản về mặt ngôn ngữ mà là chuyển tải mọi thông tin, thông điệp của công trình, của tác giả một cách tương thích nhất. Vì thế, cần sự bổ sung chỉnh lý thường xuyên của dịch giả, nhà chuyên môn và biên tập.
TS Trần Đình Hằng
(Viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.