Mô hình y tế cơ sở đặc sắc của Cuba có gì mà TP.HCM học hỏi?

Duy Tính
Duy Tính
26/12/2023 18:04 GMT+7

Ngân sách Nhà nước Cuba ưu tiên cho y tế, người dân Cuba được chăm sóc sức khỏe miễn phí.

Ngày 26.12, 2 chuyên gia y tế của Cuba là GS-BS José Armando Aronte Villamarín và GS-BS Sonia María González Vega đã đến làm việc tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC). Tại đây, các chuyên gia Cuba đã chia sẻ mô hình đặc sắc về y tế cơ sở của Cuba.

Người dân Cuba được chăm sóc sức khỏe miễn phí

Theo đó, ngân sách Nhà nước Cuba ưu tiên cho y tế, người dân được chăm sóc sức khỏe miễn phí.

Những điểm y tế cơ sở đặc sắc đáng được nghiên cứu và vận dụng chính là: loại hình chủ lực của các cơ sở y tế tại cộng đồng "văn phòng bác sĩ gia đình"; loại hình nhân lực y tế chủ lực cho y tế cơ sở là "bác sĩ y học tổng quát toàn diện" (bác sĩ gia đình); mô hình làm việc theo đội bao gồm bác sĩ, điều dưỡng gia đình chịu trách nhiệm khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ hằng năm cho người dân.

Mô hình y tế cơ sở đặc sắc của Cuba có gì mà TP.HCM học hỏi?  - Ảnh 1.

Các chuyên gia y tế của Cuba làm việc tại HCDC, có sự tham dự của lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM

HẢI NAM

Các chuyên gia cho biết, với hơn 11 triệu dân, hệ thống văn phòng bác sĩ gia đình được đặt tại mọi khu dân cư trên khắp đất nước, đã tạo thành xương sống của dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân Cuba.

Cuba có tổng cộng 12.833 bác sĩ gia đình (cứ 857 người dân thì có một bác sĩ gia đình, số liệu năm 2015). Mỗi văn phòng bác sĩ gia đình đều có bác sĩ và điều dưỡng gia đình chịu trách nhiệm chăm sóc cho 1.000 - 1.500 người.

Sinh viên y khoa được đào tạo miễn phí, hướng về cộng đồng

Tất cả sinh viên y khoa đều được đào tạo miễn phí, chỉ một yêu cầu phải đáp ứng chính là phải hoàn thành chương trình nội trú 3 năm về y học tổng quát toàn diện, còn gọi là bác sĩ gia đình (family medicine) trước khi muốn theo đuổi một chuyên ngành thứ 2.

Tại Cuba, kể từ năm 1983 khi bắt đầu chương trình này thì người dân đã được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dễ dàng hơn, các chỉ số sức khỏe đã cải thiện rõ rệt.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết cách đây 40 năm các trường đại học y khoa ở Cuba đã có một thay đổi lớn về chương trình đào tạo bác sĩ. Thay vì chỉ đào tạo thực hành tại các bệnh viện theo hướng đào tạo bác sĩ chuyên khoa, Cuba đã chuyển đổi theo hướng đào tạo bác sĩ hướng về cộng đồng. Ngay từ năm thứ nhất sinh viên y khoa đã được thực hành tại cộng đồng (2 tuần), rồi các năm thứ hai, năm thứ tư và năm thứ sáu đều phải có thời gian thực hành tại cộng đồng (trung bình khoảng 6 tuần/năm).

Khi tốt nghiệp, tất cả bác sĩ đều được phân công về các văn phòng bác sĩ gia đình trong thời gian 3 năm để thực hành lấy bằng bác sĩ y học tổng quát toàn diện, sau đó tiếp tục công tác tại y tế cơ sở hoặc học tiếp để lấy một bằng chuyên khoa khác. Việc phân bổ số lượng bác sĩ chuyên khoa sẽ được khống chế tùy thuộc theo nhu cầu thực tế của các địa phương.

Trước đây Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế của TP.HCM (giờ là Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cũng với chức năng chính là đào tạo bác sĩ đa khoa hướng về cộng đồng.

Từ ngày 25.12.2023 đến ngày 6.1.2024, 2 chuyên gia y tế của Cuba là GS-BS José Armando Aronte Villamarín và GS-BS Sonia María González Vega đến làm việc tại TP.HCM. Đây là 2 GS-BS được Bộ trưởng Bộ Y tế Cuba cử đến TP.HCM và là 2 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế cộng đồng, có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều quốc gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.