Mở hàng không, sao du lịch vẫn chờ?

28/12/2021 07:17 GMT+7

Đối với các doanh nghiệp (DN) lữ hành khai thác thị trường quốc tế, mảng outbound (đưa khách Việt ra nước ngoài du lịch) chiếm tỷ lệ doanh thu khá lớn, khoảng 60 - 70%.

Đến nay, rất nhiều nước như Thái Lan, Singapore, Mỹ… đã mở rộng cửa đón khách, kế hoạch mở đường bay quốc tế thường lệ cũng đã sát giờ triển khai nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa tính tới chuyện mở lại thị trường này.

Chuyến bay đầu tiên chở du khách quốc tế đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), ngày 17.11

Đậu Tiến Đạt

Theo Bộ VH-TT-DL, hiện các trường hợp là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại Việt Nam khi ra nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn khi chỉ có một số nước tuyên bố chấp nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam và cho phép sử dụng trực tiếp. Trong khi đó, một số quốc gia khác yêu cầu Giấy chứng nhận tiêm chủng phải được chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự mới cho phép sử dụng ở nước sở tại. Đồng thời, do các loại vắc xin được mỗi nước sử dụng rất đa dạng, nên thực tế một số nước tuy công nhận chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam, nhưng chỉ chấp nhận một số loại vắc xin thay vì tất cả các loại mà nước ta đang sử dụng khẩn cấp. Do đó, để có thể khôi phục lại hoạt động du lịch outbound, ngành du lịch vẫn đang chờ Bộ Ngoại giao đàm phán để các nước công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam.

Bỏ quy định khách bay từ TP.HCM, Cần Thơ phải test âm tính Covid-19 trong 72 giờ

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - marketing và công nghệ thông tin thuộc Công ty TST Tourist, thừa nhận bản thân các DN cũng đang rất hoang mang, không biết có thể triển khai du lịch outbound hay chưa. Hầu hết các trường hợp khách lẻ mua vé máy bay đi nước ngoài hiện nay chưa thấy đơn vị nào hỏi về hộ chiếu vắc xin. Trong khi đó, hướng dẫn của Bộ VH-TT-DL cũng như Tổng cục Du lịch đối với DN lại có phần kiểm tra mã định danh của từng khách liên quan đến hộ chiếu vắc xin, nghĩa là vẫn phải thông qua hộ chiếu vắc xin giữa các nước.

“Chúng tôi cũng chưa rõ đây thuộc về chính sách giữa các quốc gia với nhau hay chỉ là quy định của riêng Việt Nam, chưa biết hiện các nước phải công nhận hộ chiếu vắc xin lẫn nhau thì mới liên thông, đưa khách qua lại được hay như thế nào. Như Thái Lan đã mở cửa, nếu giờ mở đường bay thường lệ thì DN có thể khởi động đưa khách qua Thái du lịch chưa hay còn phải chờ Việt Nam và Thái Lan công nhận hộ chiếu vắc xin của nhau xong mới mở tour được? Chính phủ phải làm rõ điều đó, có hướng dẫn cụ thể để các DN định hướng phát triển sản phẩm vì phải mất một khoảng thời gian cho công tác quảng bá, xúc tiến”, ông Mẫn đề xuất.

Không chỉ bị động về thủ tục, điều kiện mở tour, đại diện TST Tourist đánh giá với quy định người nhập cảnh phải tự theo dõi sức khỏe tại cơ sở lưu trú như hiện nay, dù có đường bay thì cả du lịch inbound và outbound cũng đều khó mở. Du khách đi du lịch thấy phải cách ly, họ sẽ không vào; người Việt sang Thái chơi thoải mái xong về mà phải cách ly, họ cũng cảm thấy khó chịu. Bản thân người Việt đi du lịch trong nước mà nghe thấy địa phương nào còn yêu cầu cách ly là họ cũng sẽ không đi. “Nếu Việt Nam đã xác định mở cửa, các nước cũng chấp nhận mở cửa thì Việt Nam cũng nên từng bước theo quy định chung, xem xét phương án bỏ cách ly”, ông Mẫn kiến nghị.

Đồng tình, ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Công ty Oxalis Adventure, đánh giá khi áp dụng quy định người nhập cảnh phải cách ly 3 ngày và tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày thì đối tượng khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn này đa phần sẽ là Việt kiều về thăm thân, khách tới công tác hoặc học tập. Còn lại, số lượng ít khách du lịch tới Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo các tour trọn gói như đang thí điểm với 5 địa phương. Đối tượng khách này thì thường bay charter, không liên quan tới đường bay thường lệ. Nhìn chung, việc mở đường bay thường lệ theo phương án được phê duyệt hiện nay vẫn chưa đủ sức tác động tới ngành du lịch Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.