Mở ga Ba Son tuyến đường sắt đô thị TP.HCM: Trân trọng cây xanh

30/03/2016 08:03 GMT+7

Việc di dời cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng để thi công ga Ba Son thuộc tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đang gây nhiều tranh cãi.

Việc di dời cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng để thi công ga Ba Son thuộc tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đang gây nhiều tranh cãi.

Cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng ở vị trí ga Ba Son	- Ảnh: D.Đ.MinhCây xanh trên đường Tôn Đức Thắng ở vị trí ga Ba Son - Ảnh: D.Đ.Minh
Nhiều ý kiến phản đối việc đốn hạ các cây hàng trăm tuổi nhưng hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, muốn phát triển giao thông đô thị, trong trường hợp này, chúng ta phải chấp nhận.
Lưu niệm gỗ cây xanh đã “hy sinh”
Ngày 27.3.2016, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (BQL) có Công văn số 825 báo cáo Thành ủy TP.HCM về việc xử lý cây xanh phục vụ thi công ga Ba Son thuộc dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên.
Ga Ba Son thuộc gói thầu số 1b (trên đường Tôn Đức Thắng đoạn từ Nguyễn Hữu Cảnh đến Ngô Văn Năm, Q.1) được tổ chức phân luồng giao thông 4 giai đoạn chính nhằm thi công lối lên xuống số 1, 2, lối đi bộ ngầm và gia cố nền đất khu vực hạ máy đào hầm để bắt đầu khoan hầm metro từ cuối 2016. Do vậy, các công trình hạ tầng kỹ thuật gồm điện, cây xanh, chiếu sáng, cáp viễn thông... phải được di dời.
Đặc biệt, 16 cây sọ khỉ trên đường Tôn Đức Thắng đã được các bên liên quan thống nhất di dời, xử lý ngay để kịp bàn giao mặt bằng thi công ga Ba Son vào đầu tháng 4 tới.
Phương án xử lý 16 cây xanh nói trên được thông qua tại buổi phản biện tổ chức ngày 21.3 do BQL, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM tổ chức. Qua thảo luận, chủ tịch hội đồng phản biện đã thống nhất di dời, bứng dưỡng 4 cây sọ khỉ (đường kính dưới 50 cm) và đốn hạ 12 cây trong tổng số 16 cây.
Hội đồng phản biện nhấn mạnh: Các cây xanh tại hiện trường không phải là cây đặc trưng cần bảo tồn, nên việc thay thế, di dời là hoàn toàn phù hợp. Đốn hạ sẽ ít ảnh hưởng đến công trình ngầm, tiết kiệm thời gian và kinh phí so với bứng dưỡng.
Vì vậy, để đảm bảo tiến độ chung của tuyến đường sắt đô thị đúng như cam kết với nhà tài trợ JICA (Nhật Bản), cũng như tránh phải bồi thường thiệt hại do chậm bàn giao mặt bằng, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM đồng thuận phương án về việc thực hiện xử lý 16 cây sọ khỉ như đã đề cập ở trên.
Ủng hộ phương án hy sinh một số cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng để phát triển giao thông, ông Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia du lịch khẳng định, muốn phát triển bắt buộc phải có những thay đổi. Tuy nhiên, ông cũng đặt câu hỏi, liệu còn cách nào khác để di dời những cây đưa vào danh sách đốn bỏ hay không? Bởi các cây xanh này đã có tuổi đời cả 100 năm, nên cần được bảo tồn bằng cách di dời đến một địa điểm thích hợp.
Trong trường hợp không thể di dời 12 cây sọ khỉ nói trên, các cơ quan liên quan nghiên cứu cách làm nhân văn hơn. Đó là số gỗ sau khi đốn hạ được sử dụng làm một số công trình lưu niệm ở khu vực nhà ga Ba Son và ghi rõ đây là những cây xanh đã bị chặt đi nhằm xây dựng đường sắt đô thị, phục vụ cho đại bộ phận người dân TP, có kèm chi tiết như tên cây gì, bao nhiêu năm tuổi, ở vị trí đánh dấu số thứ tự bao nhiêu, đường kính bao to, cao như thế nào...
“Như vậy sẽ thể hiện được sự trân trọng đối với số cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng vốn từng gắn bó với một bộ phận người dân TP.HCM”, ông Sơn nói.
Nên cứu đến cây cuối cùng
Với góc nhìn tổng quan của một nhà quy hoạch, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cho rằng trong quá trình cải tạo đô thị để phát triển bắt buộc phải có những hy sinh.
Đối với việc thi công công trình ga Ba Son, phải chấp nhận di dời hoặc đốn hạ cây xanh. “Giao thông công cộng là nhu cầu số 1 của nhiều triệu người dân TP trong tương lai. Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên phải chạy qua Ba Son chứ không thể đi đâu khác được. Các chuyên gia Nhật Bản cũng đã phân tích, né nơi này là không thể. Cho nên buộc phải xâm phạm vào các cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng. Cái gì làm khác được để tốt hơn cho cây xanh, cho bảo tồn là phải làm. Nhưng quá tốn kém và không phù hợp kỹ thuật thì đành chịu.
Đối với khu vực ga Ba Son, giờ chúng ta đốn hạ một số cây xanh nên sau khi dự án hoàn thành phải tìm cách trồng lại, để TP không mất mảng xanh”, ông Hòa phân tích. Theo ông Hòa, việc tái tạo cây xanh ở khu vực cũ là cần thiết và nó đã nằm trong thiết kế dự án.
Tuy cùng quan điểm, nhưng ông Nguyễn Trịnh Kiểm, Chánh văn phòng Hiệp hội Công viên cây xanh VN nhấn mạnh: “Những cổ thụ không thể đánh giá bằng tiền được. Có ý kiến cho rằng di dời 1 cây mất 20 triệu đồng mà khả năng sống không cao, nên chỉ di dời 4 cây, còn đốn 12 cây thì tôi không đồng ý. Những cây sọ khỉ trên đường Tôn Đức Thắng có tuổi cả 100 năm rồi, rất quý. Nhưng chúng ta phải di dời để có mặt bằng xây dựng metro, không thể khác được nên cách tốt nhất là di dời chúng và trồng chỗ khác. Tôi rất ủng hộ quan điểm di dời cả 16 cây chứ không phải vì tốn kém chi phí mà đốn bỏ”, ông Kiểm nói.
Theo ông Kiểm, các cây xanh này có thể được đưa về vườn ươm của công ty công viên cây xanh ở Đông Thạnh (Hóc Môn) để dưỡng, sau đó có nơi nào cần thì đưa về trồng. Không nhất thiết phải đưa số cây xanh này về chỗ cũ.
Vai trò của tuyến Bến Thành - Suối Tiên
Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đóng vai trò cực kỳ quan trọng ở cửa ngõ đông - bắc TP.HCM.
Theo phân tích của Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM, trong trường hợp không thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt này, năng lực vận chuyển của xe buýt trong giờ cao điểm với giãn cách chạy xe 10 giây/chuyến là 5.000 chuyến/ngày, trong khi nhu cầu đến năm 2020 cần tới 6.000 - 10.000 chuyến/ngày.
Như vậy, trên hành lang xa lộ Hà Nội, xe buýt không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, tình hình ùn tắc và tai nạn giao thông sẽ rất nghiêm trọng, môi trường  đô thị suy giảm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của TP.
Ngược lại, tuyến đường sắt này khi hoàn thành dự báo sẽ thu hút được 300.000 khách/ngày (năm 2020). Đường sắt sẽ trở thành xương sống vận chuyển hành khách công cộng còn xe buýt thành mạng thu gom. Số xe buýt chạy trên hành lang xa lộ Hà Nội sẽ giảm khoảng 50 - 70%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.