Mở cửa hàng không, vé máy bay giảm mạnh

27/10/2021 07:08 GMT+7

Giá vé máy bay đổi chiều, giảm mạnh ngay sau khi nhà chức trách hàng không cho phép các hãng tăng chuyến, mở lại nhiều đường bay.

Giá vé giảm gần một nửa

Đặt vé máy bay giúp một người bạn trở về Hà Nội vào cuối tuần này sau gần 4 tháng “bất động” tại TP.HCM, chị Thúy Quỳnh (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) vô cùng bất ngờ vì giá vé rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm chị đi cách đây gần 1 tuần. Theo đó, vé 1 chiều chặng TP.HCM - Hà Nội ngày 31.10 của hãng Vietjet hơn 1,3 triệu đồng, Bamboo Airways báo giá hơn 2 triệu và Vietnam Airlines nhỉnh hơn: 2,2 triệu đồng. Trước đó, vội vàng trở về quê để bố mẹ yên tâm nên ngay sau khi Hà Nội hủy bỏ quy định người về từ TP.HCM phải cách ly tập trung, chị Quỳnh đã lập tức lên mạng tìm mua vé để về Hà Nội.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài, Hà Nội ngày 10.10.2021

ĐẬU TIẾN ĐẠT

“Thời điểm đó, tôi mua vé của Vietnam Airlines, đặt trước 5 ngày mà giá gần 3,7 triệu đồng/chiều. Chắc do lúc mua còn quy định ngồi giãn cách, ít chỗ nên giá cao. Ngày 24 vừa rồi tôi mới bay, khách đông lắm, ngồi kín ghế không giãn cách”, chị Quỳnh chia sẻ.

Khảo sát trên trang bán vé máy bay trực tuyến Abay, giá vé chặng TP.HCM - Hà Nội những ngày cuối tháng 10 cao nhất là của Hãng Vietnam Airlines, vào khoảng 2,2 - 2,8 triệu đồng/vé phổ thông; Bamboo Airways rẻ hơn với 1,8 triệu đồng/vé; vé của Pacific Airlines và Vietjet Air tương đương, khoảng 1,7 triệu đồng. Sau 1.11, giá vé giảm còn khoảng 1,8 - 2,2 triệu đồng/chiều với Vietnam Airlines, Bamboo Airways khoảng 1,5 triệu đồng, Pacific Airlines giảm khoảng 400.000 đồng, xuống còn 1,3 triệu đồng. Rẻ nhất là vé máy bay của Vietjet, trung bình giữ ở mức 1 triệu đồng/chiều, riêng ngày chủ nhật (14.11) giảm mạnh chỉ còn hơn 700.000 đồng/chiều.

Đáng nói, tuy mỗi ngày chỉ có khoảng 5 - 6 chuyến bay của 4 hãng nhưng vé còn nhiều, không xảy ra tình trạng khan vé. Trong khi trước đó, giai đoạn hàng không chính thức mở lại các chuyến bay nội địa từ 10.10, giá vé chặng TP.HCM - Hà Nội thường giữ ở mức chạm trần - 3,6 triệu đồng/chiều. Tại một số thời điểm hết vé phổ thông, hành khách không còn sự lựa chọn, phải mua vé thương gia khoảng 7,6 triệu đồng/chiều.

Covid-19 sáng 27.10: 896.174 ca nhiễm, 810.290 ca khỏi | Hôm nay TP.HCM tiêm vắc xin cho trẻ em

Ở chiều ngược lại vé còn rẻ hơn. Đơn cử, đặt vé sát ngày, bay Hà Nội - TP.HCM ngày 28.10 với Pacific Airlines chỉ hơn 800.000 đồng/chiều; Vietjet khoảng hơn 900.000 đồng/chiều; vé của Bamboo Airways hơn 1,2 triệu đồng và cao nhất vẫn là Vietnam Airlines nhưng cũng chưa tới 1,6 triệu đồng/chiều. Tương tự, ở đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, hành khách có nhu cầu bay trong giai đoạn từ nay đến gần giữa tháng 11, giá vé chỉ từ hơn 600.000 đồng - 1,2 triệu đồng/chiều, tùy hãng.

Cung tăng nhưng cầu vẫn thấp

Lý giải hiện tượng “đảo chiều” nhanh chóng của giá vé máy bay, một đại lý bán vé ở TP.HCM cho biết nguyên nhân do các hãng bay hiện đã được khôi phục gần như hoàn toàn các đường bay nội địa, tần suất các đường bay được bố trí tăng dần qua từng giai đoạn. Quan trọng nhất là quy định yêu cầu ngồi giãn cách chỉ 50% số ghế trên 1 chuyến bay đã bỏ nên hành khách không còn phải mua vé quá cao để bù đắp cho đủ chi phí 1 chuyến bay như giai đoạn trước.

Đơn cử, trước 21.10 Vietnam Airlines chỉ được phép khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày chặng Hà Nội - TP.HCM, nay tăng lên 6 chuyến/ngày. Từ 16 - 30.11, Vietnam Airlines sẽ được nhích lên 7 chuyến/ngày. Cùng với đó, từ 21.10 Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) cũng đã chính thức mở bán vé rộng rãi, khai thác trở lại gần 40 đường bay trên cả nước, xấp xỉ tổng số đường bay trước khi dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021. So với giai đoạn thí điểm, nhiều đường bay được mở lại kết nối tới các điểm đến mới như Côn Đảo, Ðiện Biên, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Lâm Đồng... Tần suất các đường bay cũng được bố trí tăng dần qua từng giai đoạn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Dự kiến Vietnam Airlines Group khai thác hơn 90 chuyến/ngày từ 21.10, sau đó tăng lên gần 120 chuyến/ngày từ cuối tháng 10 đến tháng 11.

Cũng từ 21.10, Vietjet khôi phục khai thác toàn bộ các đường bay kết nối TP.HCM với Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh, TP trên cả nước. Theo kế hoạch, đến 30.11, mạng bay của Vietjet sẽ mở lại với 48 đường bay, phục vụ hành khách bay khắp VN.

Đại diện một hãng hàng không cho rằng yếu tố quan trọng khiến giá vé đổi chiều là do nhu cầu đi lại của người dân hiện nay không cao, hiện chỉ tập trung ở chặng bay từ TP.HCM về các địa phương, tập trung vào đối tượng người lao động hồi hương hoặc thăm thân sau chuỗi ngày dài giãn cách ở TP. Những người lao động thất nghiệp, có nhu cầu trở về quê thì đã rải rác chọn đi đường sắt, đường bộ hoặc theo những chuyến xe cứu trợ về từ trước đó để tiết kiệm chi phí. Một số đối tượng điều kiện kinh tế khá hơn thì ngay từ giai đoạn đầu hàng không mở cửa đã sớm mua vé. Mặt khác, TP.HCM hiện gần như đã mở lại nhiều hoạt động trong bối cảnh “bình thường mới” nên nhiều người chọn ở lại làm việc, tới tết mới về quê. Vì thế, nhu cầu di chuyển cấp thiết thực tế hiện nay không quá nhiều đủ để gây áp lực tăng giá vé. Trong khi đó, nhu cầu đi du lịch hay công tác thì rất hiếm vì hiện nay vẫn còn tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu, đi tới đâu cũng phải tự cách ly, theo dõi sức khỏe.

“Bản thân tôi vừa rồi từ TP.HCM ra Huế công tác, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, xét nghiệm âm tính trước khi bay, xuống tới nơi lại phải xét nghiệm tiếp, rồi phải ở lì làm việc trong khách sạn, như vậy chỉ cực chẳng đã mới phải di chuyển. Thêm nữa, cơ quan quản lý đang dần hoàn thiện các điều kiện theo hướng nới lỏng hơn, tinh gọn hơn. Có lẽ người dân cũng có tâm lý chờ thêm một thời gian ngắn nữa, khi các điều kiện được tinh giản tối đa thì mới lên đường. Từ nay đến lúc đó, vé máy bay có thể sẽ không biến động nhiều”, vị đại diện này nhận định.

Thủ tướng yêu cầu xem xét đề xuất không áp giá sàn vé máy bay

Hôm qua 26.10, Văn phòng Chính phủ có công văn yêu cầu Bộ GTVT xem xét kiến nghị liên quan đến giá sàn hàng không của chuyên gia.

Trước đó, ngày 3.10, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long có thư gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đánh giá việc áp giá sàn vé máy bay nội địa là trái quy định pháp luật, vi phạm nguyên tắc quản lý giá đối với thị trường hàng không nội địa, không phù hợp với thể chế về quản lý giá trong nền kinh tế thị trường, đi ngược với xu hướng của hàng không thế giới, có thể gây hệ lụy rất lớn trong việc phục hồi kinh tế, phục hồi ngành du lịch, gây khó khăn cho công nhân trở lại nhà máy và tước bỏ quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người. Trên cơ sở đó, ông Long kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm cho ngừng chủ trương áp giá sàn.

M.Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.