Mở cửa du lịch là cấp thiết phải làm

Tâm Ngọc
Tâm Ngọc
18/02/2022 18:13 GMT+7

Việc khôi phục toàn bộ các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam như thời điểm trước dịch đã giúp nền kinh tế, đặc biệt là du lịch trong nước khởi sắc.

Ngày 18.2, tại TP.Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Tập đoàn FLC tổ chức tọa đàm “Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam”.

Quang cảnh buổi tọa đàm

FLC

Theo ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chúng ta cần biến nguy thành cơ để đón các cơ hội và tạo đà phục hồi an toàn, mạnh mẽ và hiệu quả.

TP.Quy Nhơn đã thu hút một lượng lớn du khách trong dịp Tết Nguyên đán 2022

nguyễn dũng

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, mở cửa du lịch là việc cấp thiết phải làm vì đây là ngành kinh tế tổng hợp. "Cách đây mấy tuần, chúng tôi có đi châu Âu để xem tình hình thế nào. Nhiều điểm du lịch nổi tiếng nhưng vẫn rất ít người. Vậy làm thế nào để thu hút du khách quốc tế khi chúng ta mở cửa?”- ông Bình đặt vấn đề.

Bãi biển Kỳ Co, TP.Quy Nhơn

lê hồ bắc

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (từ tháng 11.2021 - 2.2022), Việt Nam đã đón được hơn 8.900 khách du lịch quốc tế. Mới đây, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) công bố dữ liệu nghiên cứu cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh (có thời điểm tăng 425%).

TP. Quy Nhơn lên đèn

nguyễn phước hoài

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết: “Đối với khách du lịch nội địa thì chúng tôi đã mở cửa từ tháng 11. Tuy nhiên tình hình hiện tại vẫn khá khó khăn vì lượng khách còn ít với tâm lý e dè vì mỗi nơi một chính sách. Đến trưa mùng 2 tết thì đã có tín hiệu mừng vì khách ùn ùn về Quy Nhơn khiến tất cả các khách sạn, nhà nghỉ kín phòng. Các quán ăn thời điểm này cũng không kịp chuẩn bị trước sự bùng nổ này. Chỉ trong 7 ngày tết mà lượng khách đến Bình Định đã là 160.000 lượt. Với du lịch quốc tế, chúng tôi đã tiến hành khảo sát và làm việc với các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Khó khăn nhất hiện tại là nguồn nhân lực du lịch. Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, một lượng lớn nhân lực trong ngành đã chuyển nghề. Sắp tới chúng tôi sẽ phải đào tạo lại nguồn nhân lực phục vụ cho ngành”.

Theo các chuyên gia, Việt Nam chưa thực sự định vị được thương hiệu du lịch quốc gia để tạo sự cạnh tranh với các nước trong khu vực. Du lịch Việt Nam hiện đang khá lúng túng trong việc định vị hình ảnh này trên bản đồ du lịch thế giới. Ngoài ra, các vấn đề tưởng nhỏ mà không hề nhỏ như vệ sinh ở các nhà vệ sinh công cộng, nhà vệ sinh tại các khu du lịch, nhà hàng, quán ăn... vẫn đang là "nỗi sợ có thật" với nhiều du khách, nhất là khách quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.