Mở chợ dự án phim quốc tế

07/12/2015 20:02 GMT+7

Chợ dự án phim quốc tế cho phim nghệ thuật là điểm mới của chương trình điện ảnh Gặp gỡ mùa thu năm nay (tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 30.11 đến 7.12).

Chợ dự án phim quốc tế cho phim nghệ thuật là điểm mới của chương trình điện ảnh Gặp gỡ mùa thu năm nay (tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 30.11 đến 7.12).

Kỹ năng thuyết trình cũng là một nội dung học tại Gặp gỡ mùa thu năm nayKỹ năng thuyết trình cũng là một nội dung học tại Gặp gỡ mùa thu năm nay
Giám khảo, thí sinh đa quốc gia
Đạo diễn 9X Trần Dũng Thanh Huy, thành viên Ban tổ chức chương trình Gặp gỡ mùa thu 2015 (GGMT) lặng lẽ ngồi nghe trong suốt buổi thi thuyết trình dự án phim thương mại. Năm ngoái, dự án phim Thằng Ròm của anh cũng đã dự chợ phim này. Sau đó, cũng chính dự án phim đó cùng với một dự án phim Cha Cha Cha của Đỗ Quốc Trung (GGMT 2014) đã được mời đến Busan Project Market (tháng 10.2015). Thằng Ròm cũng “chạm ngõ” Hollywood khi nhận giải thưởng của lớp học làm phim Hà Nội Mùa xuân 2015. Theo đó, Huy tới Los Angeles để dự một khóa học tại đây. “Năm tới, tôi sẽ bấm máy quay Thằng Ròm”, Huy nói.
Nhiều học viên như Huy đã tham gia lớp học điện ảnh của GGMT từ cách đây 3 năm. Họ có cơ hội làm việc với đạo diễn đã ghi danh tại Cannes Trần Anh Hùng. Họ cũng được học quay phim, chỉnh màu với những nhà làm phim từ Pháp, Hàn Quốc. Nhưng hơn cả, điện ảnh không còn là một thú vui mà là công việc cực nhọc, cần cả sáng tạo lẫn kỷ luật, khoa học. Đúng hơn, họ nhìn thấy, hít thở không khí điện ảnh cạnh tranh lành mạnh. Bạn sẽ nhận được tiền làm phim nếu bạn thuyết phục nhất khi trình bày dự án của mình. “Chúng tôi có một chợ dự án phim quốc tế nho nhỏ”, bà Trần Thị Bích Ngọc - Giám đốc chương trình Gặp gỡ mùa thu chia sẻ.
Chợ dự án năm nay tiếp tục có những giám khảo nước ngoài như năm ngoái. Đó là ngài Toma Ryu, Hiệu trưởng Học viện Điện ảnh quốc gia Hàn Quốc Kafa. Giám đốc Chợ dự án - Liên hoan phim quốc tế Hồng Kông Matthew Poon. Giám tuyển Paolo Bertolin từ Liên hoan phim Venice và Benjamin Illos từ Liên hoan phim Cannes. “Hai giám tuyển quay trở lại với Gặp gỡ mùa thu chính vì chương trình bắt đầu thu hút được sự chú ý”, ông Phan Đăng Di - Trưởng ban tổ chức GGMT nói.
Những cuộc quyết đấu của năm nay đã trở nên khốc liệt hơn nhiều. Ở hạng mục phim nghệ thuật, năm nay không chỉ có những “chủ dự án” trong nước. Tham gia thuyết trình dự án phim còn có các thí sinh từ Singapore và Đài Loan. Và nếu như phần thi thuyết trình năm ngoái có phiên dịch thì năm nay được thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh. “Chúng tôi đăng thông báo tuyển thí sinh trên mạng và các thí sinh nước ngoài gửi hồ sơ tham dự”, ông Phan Đăng Di nói.
Gặp gỡ mùa thu năm nay quy tụ nhiều gương mặt nổi bật của điện ảnh Việt 
Điều mọi liên hoan phim cần có
Một nhà phê bình điện ảnh cho biết ở Việt Nam cần thêm nhiếu liên hoan phim hơn nữa. Bởi ở các liên hoan phim quốc tế, bên cạnh sức hút của các tác phẩm điện ảnh, chợ phim, chợ dự án đã làm nên sức hút của chúng. Những năm gần đây, ngoài Liên hoan phim quốc tế Hà Nội Haniff 3, các liên hoan phim Việt Nam đều chưa có những khu chợ như thế này.
Để thích nghi với thị trường phim Việt, các phần thi cũng được chia nhỏ. Chẳng hạn, ở hạng mục phim thương mại, các thí sinh thuyết trình bằng tiếng Việt. Giám khảo cũng là những đạo diễn, diễn viên Việt như Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Trương Ngọc Ánh. Còn hạng mục phim điện ảnh, các thí sinh đều có vốn tiếng Anh tốt, được đào tạo ở nước ngoài.
Bà Trần Thị Bích Ngọc cho biết, năm đầu tiên, việc thi thuyết trình dự án phim thật sự lạ lẫm với các bạn học viên. Sang năm thứ hai việc thuyết trình đã quen hơn nhưng vẫn còn lạ lẫm. “Những năm trước, thí sinh lạ lẫm với việc xem bạn mình sẽ làm gì trong buổi thuyết trình. Nhưng tới năm nay việc thi thuyết trình dự án phim này đã trở nên quen thuộc hơn. Và chính nội dung các dự án phim mới là điều các nhà làm phim trẻ quan tâm nhất”, bà Ngọc nói.
“Xem Gặp gỡ mùa thu, tôi thấy rõ ràng các bạn đã chững chạc hơn nhiều khi bảo vệ dự án. Họ cũng chọn những đề tài mà thế hệ chúng tôi không chọn. Họ cũng có cách làm mà chúng tôi phải học theo. Tôi nói thực lòng chứ không phải khiêm tốn giả vờ. Có cảm giác rõ nhất là các bạn trẻ tìm được nơi để gửi gắm, phôi thai tác phẩm của mình”, NSND Lê Khanh - khách mời danh dự của chương trình nói.
“Tôi nghĩ các lớp học như thế này để người làm phim trẻ học và cũng để biết mình đang ở đâu. Không ai làm phim một mình cả”, đạo diễn kiêm nhà sản xuất Nguyễn Quang Huy nói.
“Điện ảnh không thể là một khu vực bó hẹp. Và chúng ta ngày càng phải tạo điều kiện cho các nhà làm phim trẻ đang bắt đầu sự nghiệp”, đạo diễn Phan Đăng Di nói.
Các giải thưởng
- Hạng mục dự án phim ngắn, Ban giám khảo gồm: đạo diễn Trần Anh Hùng - chủ tịch Ban giám khảo, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.
Dự án được trao Giải nhất trị giá 1.000 USD là Ting Tears (Cánh gà) của đạo diễn Trương Quế Chi, do Công ty sản xuất phim TNA tài trợ. Dự án được trao Giải nhì do MPA tài trợ: Mười lăm người chết của đạo diễn Lê Hoàng.
- Hạng mục dự án phim thương mại, có Ban giám khảo gồm: đạo diễn Victor Vũ - chủ tịch Ban giám khảo, diễn viên Kathy Uyên, diễn viên Trương Ngọc Ánh, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc.
Dự án được trao giải thưởng Producers's Choice (do CJ-CGV tài trợ) với tổng trị giá 3.000 USD là Viễn du cùng bọn chán đời - Trịnh Đan Phượng và Nguyễn Thị Thu.
- Hạng mục dự án phim nghệ thuật, Ban giám khảo gồm: đạo diễn Trần Anh Hùng, ông Matthew Poon (Giám đốc Chợ dự án - Liên hoan phim quốc tế Hồng Kông), ông Benjamin IIIos (Giám tuyển Liên hoan phim Cannes), ông Paolo Bertolin (giám tuyển Liên hoan phim Venice). Giải thưởng 3.000 USD được chia đều cho hai dự án Raining Roses, tác giả Rina Sou (Đài Loan) và Người vợ thứ ba, tác giả Nguyễn Phương Anh.
- Giải thưởng Học viên xuất sắc nhất của khóa học sản xuất do CJ-CGV tài trợ được trao cho 5 học viên: Lương Thị Thi Nga, Ngô Đài Trang, Nguyễn Lương Diệu Hằng, Nguyễn Thị Mai Ka và Nguyễn Thị Mỹ Trang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.