Minh bạch thông tin

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/01/2020 07:44 GMT+7

Trong những ngày qua, khi thông tin về bệnh viêm phổi do vi rút “lạ” từ Trung Quốc có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, dư luận đã được chứng kiến sự thông tin kịp thời của các cơ quan chức năng.

Trong những ngày qua, khi thông tin về bệnh viêm phổi do vi rút “lạ” từ Trung Quốc có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, dư luận đã được chứng kiến sự thông tin kịp thời của các cơ quan chức năng về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc cũng như các biện pháp ứng phó, phòng ngừa tại Việt Nam đã giúp hóa giải “nỗi sợ hãi” về một dịch bệnh “lạ” như thế nào.
Và có lẽ không khó để nhận thấy lợi ích rất rõ ràng của sự minh bạch và kịp thời trong việc cung cấp thông tin cho dư luận.
Bài học được các chuyên gia về y tế rút ra là “không che giấu thông tin” về dịch bệnh. Theo quy luật tâm lý, người ta chỉ sợ hãi trước những gì xa lạ, chưa được nghe, được biết và chưa hiểu gì về nó. Người ta sẽ không còn sợ hãi khi dịch SARS quay trở lại lần thứ 2, thay vào đó, người ta sẽ lo sợ khi trên truyền thông xuất hiện những vi rút “lạ” hay loại vi rút “ăn thịt người”.
Minh bạch thông tin cũng là cơ chế để hóa giải những “nỗi sợ hãi” trong bất cứ lĩnh vực nào, nhất là ở một xã hội pháp quyền mà Việt Nam đang hướng đến. Thật đáng tiếc khi chúng ta tạo ra những nỗi sợ hãi mơ hồ từ sự thiếu rõ ràng trong thực thi trách nhiệm cung cấp thông tin cho xã hội.
Nhiều phóng viên đã tìm đến các vị đại biểu Quốc hội để hỏi về vụ việc nghiêm trọng đang xảy ra tại Đồng Tâm (Hà Nội) nhưng câu trả lời họ nhận được chỉ là những cái lắc đầu. Các đại biểu dân cử nói rằng họ chưa có nhiều thông tin về vụ việc, rất khó để có thể bình luận điều gì.
Sự hoang mang, thậm chí sợ hãi trước thông tin về vụ việc đã khiến chỉ người dân, đại biểu Quốc hội, phóng viên các báo luôn muốn biết nhiều hơn về những gì đã diễn ra. Nhưng những thông tin chính thống được công bố dường như rất ít ỏi trong khi khoảng đất trống cho các thông tin trên mạng xã hội lại rất nhiều.
Tại hội nghị báo chí toàn quốc mới đây, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng đã nhắc tới một “hạn chế” đã đề cập nhiều lần nhưng chưa khắc phục hiệu quả trong công tác cung cấp thông tin cho báo chí là tình trạng chậm cung cấp thông tin khiến báo chí “chạy” theo mạng xã hội, sử dụng thông tin từ mạng xã hội thiếu kiểm chứng hoặc kiểm chứng chưa chặt chẽ.
Để minh chứng cho nhận định này, ông Võ Văn Thưởng đã dẫn lại hàng loạt sự kiện “nóng” trong năm 2019 vừa qua, từ vụ việc 39 người Việt tử vong trong xe container tại Anh, vụ cháy Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội), ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM, và khẳng định các cơ quan liên quan đã cung cấp thông tin chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội, thậm chí có biểu hiện ngại cung cấp thông tin, né tránh vấn đề, “làm xao nhãng, phân tâm trong xã hội”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.