Miệt mài đưa rước miễn phí bệnh nhân suy thận mãn

14/09/2020 12:36 GMT+7

Cảm thương những bệnh nhân suy thận mãn mỗi tuần phải đi lọc thận 2 - 3 lần nhưng hoàn cảnh khó khăn , ông Phạm Văn Ai (50 tuổi, ngụ xã Núi Voi, H.Tịnh Biên, An Giang) đã nhận đưa, rước miễn phí suốt 2 năm qua.

Ông Ai kể năm 2012, con trai ông là Phạm Thái Thiện Minh (hiện 26 tuổi) đang là sinh viên năm nhất Trường đại học An Giang thì phát hiện mắc bệnh suy thận mãn tính. Hay tin, ông suy sụp tinh thần hoàn toàn. Vợ ông bỏ đi biệt tăm, không một lần đến thăm con. Tiền bạc, của cải trong nhà dần cạn kiệt, ông phải vay mượn của người thân, sau đó bán hết 5 công đất ruộng, rồi bán luôn cả nền nhà để đeo đẳng hành trình duy trì sự sống cho con.
Để thuận tiện việc điều trị bệnh cho con suốt bao ngày tháng, ông Ai cùng con tá túc ở hành lang Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang. Năm 2018, cha con ông và 12 người khác được chuyển đến Trung tâm giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn TP.Long Xuyên (An Giang) để ở. Từ đó, ông trở thành bác tài đưa rước bà con miễn phí.
Ông Ai cho biết những ngày nương náu ở Trung tâm giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn TP.Long Xuyên, ông xót xa khi chứng kiến một số người bệnh suy thận mãn không có người thân chăm sóc, việc đi lại rất khó khăn. Đặc biệt, lúc phải đến bệnh viện lọc thận, họ không có người đưa đi, cũng chẳng có phương tiện, tiền bạc thì hạn chế. Thấy vậy, ông tự nguyện đứng ra nhận đưa, rước miễn phí cho 12 bệnh nhân đến chạy thận mãn tính ở Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang. “Mỗi người bệnh phải chạy thận 3 lần/tuần. Vậy nên lịch chạy thận của 12 người cũng kéo dài từ thứ hai đến thứ bảy. Bữa thì tôi đưa 7 người đi chạy thận rồi rước về trung tâm. Hôm sau thì đưa rước những người còn lại”, ông Ai chia sẻ.
Mỗi ngày từ 3 giờ sáng, ông bắt đầu chở người bệnh chạy thận đầu tiên đến bệnh viện. Cứ thế, ngược xuôi mãi suốt ngày, đến 7 giờ tối mới được nghỉ ngơi. “Điều làm tôi đau buồn nhất là chứng kiến những người bệnh đã cùng nhau gắn bó nhiều năm phải lìa đời. Vậy nên, giúp được gì thì tôi giúp, luôn hy vọng họ khỏe được ngày nào là có thêm niềm vui ngày đó”, ông Ai trải lòng.
Lúc đầu, ông Ai tự bỏ tiền túi đổ xăng. Dần dần, cảm phục nghĩa cử cao đẹp của ông, Trung tâm giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn TP.Long Xuyên đã hỗ trợ thêm mỗi tháng 400.000 đồng tiền xăng để ông lo cho các bệnh nhân nơi đây. Chị Trần Thị Thúy Oanh (38 tuổi, ngụ H.Chợ Mới, An Giang), một bệnh nhân suy thận mãn hơn 4 năm nay, cho biết: “Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Chồng bị tai nạn mất sức lao động mà còn phải lo cho con nhỏ. Vì vậy, nhiều năm qua, tôi tự thân đến bệnh viện chạy thận. May nhờ có ông Ai giúp đỡ, chở miễn phí đến bệnh viện mỗi khi đến lịch. Tôi vô cùng cảm kích tấm lòng của ông ấy”.
Vì đất đai, nhà cửa đã bán hết nên đến nay cha con ông Ai vẫn tá túc tại trung tâm. Người con trai của ông sau nhiều năm bị bệnh, may nhờ có bảo hiểm y tế nên vẫn được chạy thận thường xuyên, nhưng nay mắt cũng đã mờ, không còn nhìn thấy rõ, hiện vẫn phải chạy thận mỗi tuần 3 lần.
Ngoài việc giúp đỡ đưa, rước bệnh nhân suy thận mãn, ông Phạm Văn Ai còn tham gia tích cực các hoạt động của Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo ở địa phương, để góp chút công sức giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.